Sóc Sơn: Thúc đẩy dự án cung cấp nước sạch

Ánh Dương| 10/02/2020 08:16

(HNM) - Huyện Sóc Sơn hiện còn 12/26 xã chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung do dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch chậm tiến độ. Thúc đẩy thực hiện dự án để các hộ dân trên địa bàn sớm có nước sạch đang được huyện Sóc Sơn đặc biệt quan tâm…

Nước giếng khoan của nhiều hộ dân ở thôn Thanh Nhàn (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) đục, có mùi tanh. Ảnh: Việt Trung

Theo đánh giá của Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện đạt thấp, khoảng 18,2%. Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Mặc dù toàn huyện có 14/26 xã được sử dụng nước sạch, nhưng mạng lưới cấp nước của Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội quản lý chỉ cung cấp cục bộ đến được một số vùng của các xã, thị trấn. Trong khi đó, nhiều xã đến nay chưa được xây dựng trạm cấp nước tập trung, chưa có hệ thống đường ống cấp nước, dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trên địa bàn huyện rất lớn.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Sóc Sơn (18 xã), Đông Anh (9 xã), Gia Lâm (5 xã)”. Giai đoạn I năm 2019, huyện Sóc Sơn có 7 xã (Đông Xuân, Phú Minh, Xuân Giang, Đức Hòa, Việt Long, Xuân Thu, Kim Lũ) được xây mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh. Dự án do liên danh Công ty cổ phần Nước Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống (nay là Công ty TNHH hai thành viên Phân phối nước sạch huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm) thực hiện… Song, thực tế, dự án đang bị chậm tiến độ 1 năm.

Về vấn đề này, ông Tạ Đức Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH hai thành viên Phân phối nước sạch huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm lý giải: “Việc thực hiện dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch trên địa bàn huyện Sóc Sơn chậm tiến độ do phụ thuộc vào tiến độ đầu tư tuyến ống truyền dẫn từ dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống...”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn, mặc dù từ tháng 1-2018 đến nay, chủ đầu tư đều đặn gửi báo cáo tiến độ hằng tháng, nhưng thực tế tiến độ thi công công trình chậm. Ngoài ra, đường ống truyền dẫn nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống cũng chưa được lắp đặt để cấp nước trên địa bàn huyện, dẫn đến người dân Sóc Sơn chưa được sử dụng nước sạch. 

Đơn cử tại xã Thanh Xuân - nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch, người dân buộc phải sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi, hoặc tích trữ nước mưa. Ông Phạm Văn Thanh ở thôn Chợ Nga cho biết, mùa khô nước giếng khơi cạn, nhiều nhà phải bơm nước từ sông Cà Lồ vào vườn để nước thẩm thấu qua đất, chảy vào giếng khơi, hoặc mua nước tinh khiết để sử dụng. Còn tại thôn Thanh Nhàn, chất lượng nước giếng khoan chưa bảo đảm mặc dù mỗi hộ phải đầu tư hàng chục triệu đồng để xây bể lọc thô và lắp máy lọc nước... 

Để thực hiện mục tiêu 100% hộ dân được dùng nước sạch trong năm 2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, huyện đang tập trung rà soát, đánh giá lại khả năng cấp nước sạch của Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, xác định các khu vực nguồn nước chưa ổn định, yếu, gián đoạn việc cấp nước… làm cơ sở để báo cáo, đề xuất thành phố bổ sung nhà đầu tư cấp nước. 

Riêng dự án phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã trên địa bàn, huyện yêu cầu chủ đầu tư nếu có khó khăn, cần phối hợp để giải quyết dứt điểm và cam kết tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án trong năm 2020. “Huyện sẽ báo cáo, đề xuất thành phố bổ sung, thay thế nhà đầu tư nếu dự án không được hoàn thành đúng tiến độ” - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn: Thúc đẩy dự án cung cấp nước sạch