Sức sống mới của các làng nghề mây tre đan

Trầm Công Huyền| 09/02/2020 08:18

(HNM) - Từ xa xưa, cây tre, cây trúc đã gắn bó, thiết thực với đời sống, tâm hồn người Việt. Thời mở cửa, hội nhập với thế giới, nhiều nghệ nhân, làng nghề ở Hà Nội đã tạo nên sức sống mới, làm ra những sản phẩm tre, trúc độc đáo, thân thiện với thiên nhiên, đậm đà bản sắc văn hóa Việt.

Sản xuất mây tre đan xuất khẩu tại làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ).

1. Hà Nội hiện có 83 làng nghề mây tre đan truyền thống, trong đó có những làng nghề nổi tiếng như Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), Thu Thủy (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn), Ninh Sở (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín), Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên)… 

Làng nghề tre trúc Thu Thủy (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) nổi tiếng từ 300 năm nay với những sản phẩm thủ công như nhà tre, trường kỷ, giường nằm, bàn ghế, tủ, song long và các đồ gia dụng. Kỹ thuật chế tác nhà cửa bằng tre, trúc đã được các nghệ nhân dân gian đúc kết thành những tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật như: Kèo tư, ốp tám; ngạch ba đố nấm; kèo buộc mây, tết vành trăng tròn... Sản phẩm tre trúc Thu Thủy từ lâu đã sánh vai với các sản phẩm nổi tiếng khác trong vùng và đi vào tiềm thức dân gian: “Nhà gỗ kẻ Me, nhà tre Thu Thủy”, “Rổ rá Xuân Dương, giường tre Thu Thủy” hay “Rau Ngô Đạo, gạo Cố Hương, giường tre Thu Thủy”…

Từ xa xưa, song mây kết hợp với tre, trúc đã trở thành mối lương duyên khăng khít bền chặt chẳng lúc nào rời. Các nghệ nhân xưa đã biết kết hợp hai đặc tính nổi bật của tre, trúc và song mây. Tre thẳng cứng làm cột kèo cho khung nhà, khung bàn ghế; song mây dẻo làm dây chằng dây buộc. Bàn ghế có khung tre chắc cứng, song mây đan thành mặt bàn như bức thêu hoa. Tre làm nan đan rổ rá, mây làm dây buộc cạp ôm ấp nhau suốt cả một đời tuổi thọ của sản phẩm đến khi nan mục dây vẫn chưa đứt.

Ông Phan Văn Mão, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Bông Mai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) cho biết, phát huy những giá trị truyền thống của làng nghề, Công ty Bông Mai thiết kế nhiều kiểu nhà bằng tre, như nhà ở, ki ốt, nhà hàng, nhà sàn, kết hợp những sản phẩm tre, trúc như giường, tủ, bàn ghế, trường kỷ và đặc biệt là những bức tranh bằng tre rất độc đáo, với nhiều khuôn mẫu, kích cỡ và tạo dáng khác nhau. Tâm hồn, bản sắc văn hóa Việt Nam đã được vẽ lên bằng chất liệu tự nhiên của tre, với rất nhiều thể loại, từ tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống đến tranh nghệ thuật hiện đại. Đây là loại hình mỹ nghệ độc đáo, mới mẻ, duy nhất có ở Việt Nam.

2. Làng Phú Vinh ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) được coi là “xứ mây”, nổi tiếng về nghề đan mây tre với lịch sử phát triển nghề hơn 400 năm. Mỗi sản phẩm mây tre đan là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo, công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo.

Theo các nghệ nhân cao niên của làng nghề Phú Vinh, để có một sản phẩm như ý, trước tiên người thợ phải hiểu rõ thứ nguyên liệu mà mình định làm như tre, nứa, vầu, trúc, bương, song, mây... Nguyên liệu mua về được phơi tái rồi ngâm hóa chất chống mối mọt khoảng 10 ngày, sau đó vớt ra để nghiến mấu, cạo vỏ, đánh bóng và phơi tre khô. Tiếp đến là đưa tre vào lò, dùng rơm rạ hoặc lá tre để hun lấy màu. Sau khi hun, đưa tre ra khỏi lò để nguội và đưa lên uốn thẳng...

Với mây, quy trình phơi sấy đòi hỏi phải đúng kỹ thuật, phơi khô tự nhiên có màu trắng ngà dẻo và dai. Khi sấy, nhiều khói quá hay ít khói quá mây cũng bị đỏ. Trong lúc phơi gặp mưa thì sợi mây mất vẻ tươi đẹp. Sợi mây chưa khô tới thì “nước da” bị úa, khô kiệt quá thì mất vẻ óng mềm. Làm các công việc này không thể sao nhãng mà phải liên tục săn sóc, theo dõi như người chăn tằm vậy. Độ bền của mây nếu không bị ẩm có thể từ 100 năm trở lên. Đây là cách tạo màu hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất giúp cho sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh không gây hại cho sức khỏe người sử dụng và có độ bền màu cao tới 30-40 năm.

Người làng nghề Phú Vinh bây giờ vẫn nhắc tới nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu (1905-1983) và bảo rằng đó là người có đôi bàn tay khéo léo đến kỳ lạ. Cụ là nghệ nhân đầu tiên đan thành công ảnh chân dung Bác Hồ bằng chất liệu mây tre truyền thống. Dùng sợi mây, nan tre, để làm ra một sản phẩm bình thường đã khó, nhưng dùng nó để mô tả phong cách, thần thái một con người còn khó hơn nhiều. Sinh thời, cụ Khiếu vẫn thường nói: “Nghề đan mây chỉ được gọi là thành công khi làm ra những sản phẩm mỹ nghệ có hồn”. Năm 2009, cháu nội cụ Khiếu là anh Nguyễn Văn Quang đã làm ra tác phẩm lọ lục bình cao 4,1m, trên bề mặt mô tả 4 điểm nhấn đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội là chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Rùa và Rồng thời Lý đang bay lên. Đây là tác phẩm đầu tay của nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Quang dâng tặng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và được công nhận là “Kỷ lục Việt Nam”.

Nhờ thường xuyên cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, sản phẩm mây tre đan của xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.

Không dừng lại ở những vật liệu mây tre, vợ chồng nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh, Nguyễn Thị Hân ở làng Phú Vinh còn có sáng kiến kết hợp tinh hoa của hai làng nghề gốm Bát Tràng và mây tre đan Phú Vinh để tạo ra một loại sản phẩm mỹ nghệ mới: Gốm sứ quấn mây. Sản phẩm mây quấn gốm của anh chị có tới 60 kiểu dáng khác nhau, nổi bật bởi tính độc đáo, đã giành được nhiều huy chương vàng trong các kỳ hội chợ.

3. Trước đây, sản phẩm từ mây tre đan chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Đến nay, các nghệ nhân đã mang đến sức sống mới cho làng nghề Hà Nội bằng việc sáng tạo được hàng trăm mẫu sản phẩm mỹ nghệ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây… cho đến đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh phong cảnh, chân dung, hoành phi, câu đối, bàn ghế, nội thất khách sạn, nhà hàng. Không thể phủ nhận nghề mây tre đan đã tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho một lượng lớn lao động khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội. Sản phẩm mây, tre, giang đan của các làng nghề Hà Nội đã có mặt ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha...

Cuộc sống hiện đại đang từng bước đưa con người về lại thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Phát triển du lịch khám phá làng nghề đang là hướng phát triển tiềm năng của ngành Du lịch cũng như nhiều làng nghề Thủ đô. Đến với các làng nghề mây tre đan ở ngoại thành Hà Nội, du khách không chỉ được về với làng quê Việt với những lũy tre xanh mát rượi, dáng tre nghiêng nghiêng trong nắng chiều man mác tiếng ru hời và tiếng sáo diều bằng tre, mà còn được tham quan, chiêm ngưỡng các nghệ nhân chế tác, trực tiếp mua sắm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ tre, trúc, song, mây, phù hợp thị hiếu. Đó cũng là cách hay để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mới của các làng nghề mây tre đan