Sức trẻ trên vùng đất khó

Dương Linh| 07/02/2020 07:43

(HNM) - Với mong muốn, khát vọng đóng góp xây dựng quê hương, nhiều đoàn viên, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô đã quyết tâm khởi nghiệp trên vùng đất khó bằng việc tạo dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hay thực hiện những việc làm thiết thực, ý nghĩa cho cộng đồng. Nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu đã và đang khẳng định, lan tỏa sức trẻ, tinh thần xung kích của đoàn viên, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thanh niên Bùi Văn Thảo (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất) làm cỏ trên diện tích đồi keo của gia đình.

Vượt khó làm giàu

Chúng tôi về xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), nơi có những thanh niên trẻ dám nghĩ, dám làm, vượt khó làm giàu vào ngày đầu Xuân Canh Tý. Trên đồi đất đỏ với diện tích hơn 10ha, anh Bùi Văn Thảo (sinh năm 1984, ở thôn Quế Vải) tự tin giới thiệu về khu rừng trồng cây keo xanh ngút tầm mắt. Thành quả này là mồ hôi, công sức, là sự dám nghĩ, dám làm của chàng trai trẻ dân tộc Mường. Ít ai biết được, 5 năm trước đây, gia đình anh Thảo thuộc diện hộ nghèo, thu nhập bấp bênh. Kể từ khi có đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Thảo đăng ký tham gia trồng cây keo trên vùng đất đầy sỏi đá. Tận dụng diện tích đất dưới tán rừng, anh còn nuôi 2.000 con gà. Trung bình mỗi năm, anh Thảo xuất chuồng hai lứa gà, trừ chi phí, thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Anh Bùi Văn Thảo hồ hởi: “Từ khi bắt tay vào trồng keo, nuôi gà, kinh tế gia đình khấm khá hơn nhiều. Chỉ cần bản thân luôn chăm chỉ, nỗ lực, trái ngọt sẽ đến”.

Trong khi nhiều bạn trẻ ở miền núi học xong đại học xin vào làm việc tại các doanh nghiệp nơi đô thị với mong muốn đổi đời, thì anh Triệu Sinh Viễn (sinh năm 1993, ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì) lại trở về quê gắn bó với nghề làm thuốc nam truyền thống. Ban đầu, anh Viễn cũng gặp vô vàn khó khăn do thiếu kinh nghiệm. Sau nhiều nỗ lực, công việc kinh doanh thuốc nam đã dần ổn định và hoạt động hiệu quả. Đến nay, sau 7 năm khởi nghiệp, anh Triệu Sinh Viễn giữ cương vị Giám đốc Hợp tác xã Thuốc nam người Dao Thiên Mộc Hưng, doanh thu mỗi tháng của hợp tác xã đạt hơn 400 triệu đồng.

Khi được hỏi về tương lai, anh Triệu Sinh Viễn bộc bạch: “Tôi mong muốn kế thừa, bảo tồn, phát huy thật hiệu quả nghề thuốc nam của người dân tộc Dao huyện Ba Vì, đồng thời tạo nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn ngay tại địa phương, hạn chế tình trạng thất nghiệp, phải đi làm ăn xa nhà”.

Thực tế cho thấy, phong trào đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số của Thủ đô phát triển kinh tế, khởi nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và các mô hình này đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn thanh niên. Bí thư Huyện đoàn Ba Vì Nguyễn Ngọc Tú cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 131 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, trong đó có nhiều mô hình của thanh niên dân tộc Mường, Dao. Ngoài việc phối hợp dạy nghề và giới thiệu việc làm để hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, Huyện đoàn Ba Vì đã và đang phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội cho thanh niên vay vốn. Hiện nay, với tổng dư nợ khoảng 13 tỷ đồng, đã có gần 500 đoàn viên, thanh niên được vay vốn phát triển kinh tế. Năm 2019, Huyện đoàn Ba Vì cũng đã thành lập Câu lạc bộ Thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế xã Ba Vì gồm 11 thành viên. Đây là nơi để thanh niên dân tộc thiểu số giao lưu, học tập kinh nghiệm, liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh…

Phát huy sức trẻ

Về thôn Trại Mới 1, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) hôm nay, nhiều người đều cảm nhận sự "thay da đổi thịt". Góp sức tạo nên niềm vui của bà con dân tộc nơi đây có vai trò quan trọng của Trưởng thôn trẻ tuổi Đinh Hồng Quân (sinh năm 1984). 6 năm qua, với nhiệt huyết xây dựng quê hương, Trưởng thôn Đinh Hồng Quân đã tham gia phục dựng thành công những điệu múa của người dân tộc Mường và các bài cồng chiêng tưởng chừng như đã bị mai một. Với uy tín của bản thân, Trưởng thôn Đinh Hồng Quân còn huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, biến những con đường rải đá, lầy lội trước đây thành đường bê tông kiên cố. Theo Trưởng thôn Đinh Hồng Quân, làm những việc có lợi cho nhân dân, vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vui cống hiến của tuổi trẻ.

Hơn 5 năm gắn bó với công tác Đoàn tại địa phương, Bí thư Đoàn xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) Bùi Văn Sâm (sinh năm 1985, người dân tộc Mường), luôn đi đầu, hết lòng với công tác Đoàn, được đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương tin yêu. Anh Sâm đã cùng Ban Chấp hành Đoàn xã vận động đoàn viên, thanh niên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp thu nhập của nhiều hộ gia đình tăng lên. Đặc biệt, trong năm 2019, Đoàn xã phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho gần 50 thanh niên…

Từ sự hoạt động tích cực của bản thân, Bí thư Đoàn xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm đã đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên xã phát triển ngày càng vững mạnh. Anh Sâm cho biết: “Thời gian tới, tôi mong muốn có thể tổ chức thêm nhiều hơn nữa các hoạt động tình nguyện, bảo đảm an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng để có thể hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, đồng thời đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên xã Đông Xuân ngày càng phát triển, đóng góp tích cực cho quê hương và trở thành chỗ dựa vững chắc cho đoàn viên, thanh niên địa phương”.

Nhiều năm qua, Thành đoàn Hà Nội đặc biệt quan tâm, tăng cường các hoạt động chăm lo, đồng hành cùng thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thành đoàn luôn chú trọng lồng ghép các chương trình để có thể hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, lập thân, lập nghiệp một cách tốt nhất. Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, trong số 5 tỷ đồng các cấp bộ Đoàn - Hội trong toàn thành phố đã hỗ trợ thanh niên vay vốn khởi nghiệp, lập nghiệp có không ít thanh niên dân tộc thiểu số được thụ hưởng. Thời gian tới, Thành đoàn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc hỗ trợ thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Đồng thời, thông qua các phong trào, nhiệm vụ cụ thể, Thành đoàn tiếp tục tạo môi trường để đoàn viên thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương nói riêng và Thủ đô nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức trẻ trên vùng đất khó