Huyện Mê Linh: Mở rộng vùng chuyên canh quy mô lớn

Ánh Dương| 05/02/2020 07:25

(HNM) - Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Mê Linh đã hình thành những vùng chuyên canh, tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, cây ăn quả, hoa, rau các loại... Với hiệu quả đã được khẳng định, đây tiếp tục là hướng phát triển của Mê Linh trong thời gian tới, trong đó tập trung xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn.

Vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). Ảnh: Mạnh Hùng

Xã Tam Đồng là một trong những địa phương điển hình của huyện Mê Linh trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đơn cử, tại địa bàn thôn Văn Lôi có tổng diện tích 270ha đất nông nghiệp, trong đó, vùng đồng Chằm rộng 15ha bị trũng, khó canh tác. Quyết tâm khai thác lợi thế từ đất, năm 2016, thôn Văn Lôi xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa toàn bộ diện tích vùng trũng vào quy hoạch chuyển đổi.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Văn Lôi Nguyễn Thanh Nhã chia sẻ: Sau khi quy hoạch được phê duyệt, thôn có 15 hộ gia đình nhận ruộng tại vùng đồng Chằm để thực hiện mô hình kinh tế trang trại: Trên bờ trồng cây ăn quả (bưởi, ổi, nhãn, mít...), dưới ao nuôi thả cá (trắm, mè, trôi, chép...). Nhờ đó, đồng đất được khai thác hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân với hàng trăm triệu đồng/ha/năm. 

Hiện nay, với tổng diện tích 495ha đất canh tác, sau chuyển đổi, xã Tam Đồng có khoảng 300ha trồng lúa (hơn 100ha trồng lúa chất lượng cao), còn lại là các mô hình trang trại tập trung, vùng trồng rau, hoa... Riêng hai thôn: Nam Cường, Cư An còn trồng lúa nếp cốm trên 1/2 diện tích đất canh tác, cho thu nhập gấp 1,5 lần so với lúa tẻ.

Cũng nhờ thực hiện chuyển đổi, nông dân thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng) đã được quy hoạch vùng trồng rau với tổng diện tích 37ha. Mặc dù diện tích canh tác của các hộ nông dân khá nhỏ (chỉ từ vài thước đến vài sào/hộ) nhưng cho hiệu quả kinh tế khá.

Ông Nguyễn Công Đinh, ở thôn Bạch Trữ cho hay: Đồng đất Bạch Trữ phù hợp trồng rau gia vị như: Húng bạc hà, kinh giới, tía tô, mùi tàu, hành hoa... và rau ăn lá các loại. Các hộ gia đình sản xuất theo quy trình an toàn nên được người tiêu dùng tín nhiệm, đầu ra sản phẩm ổn định với thu nhập 40-50 triệu đồng/sào/năm. Tính đến nay, xã Tiến Thắng đã được quy hoạch vùng trồng rau với tổng diện tích hơn 150ha, tập trung tại các thôn: Thái Lai, Bạch Trữ, Kim Giao, Diến Táo… đều cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các đơn vị chức năng của huyện đã tổ chức tập huấn cho hơn 1.300 hộ dân; đồng thời, huyện cũng phê duyệt quy hoạch các vùng chuyển đổi... Nhờ đó, nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 50ha trở lên (hai xã: Liên Mạc, Tam Đồng); vùng sản xuất cây ăn quả quy mô 20ha trở lên (các xã: Hoàng Kim, Chu Phan, Tiến Thịnh); vùng sản xuất hoa hồng chất lượng cao, quy mô 20ha trở lên (xã Văn Khê, Mê Linh); vùng sản xuất rau các loại (các xã: Đại Thịnh, Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Văn Khê). Nhờ khai thác tối đa nguồn lực từ đất, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 30-50 triệu đồng/sào/năm...

“Thời gian tới, huyện Mê Linh tập trung đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các khu chuyên canh quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng và giá trị kinh tế cao cho nông dân...”, ông Bùi Xuân Quang cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Mê Linh: Mở rộng vùng chuyên canh quy mô lớn