Trù phú Kim Sơn

Bài, ảnh: Đỗ Minh| 04/02/2020 07:16

(HNM) - Với quyết tâm thoát nghèo, bằng đôi bàn tay cần cù, chịu khó, những người nông dân đã biến vùng đất bãi của xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm trở thành vùng quả ngọt, cây xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển, tạo ra những mô hình kinh tế hiện đại, thân thiện với môi trường, để từ đó từng bước hình thành một miền quê trù phú…

Mô hình trồng cây ăn quả tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đất bãi “thay da, đổi thịt”

Những vườn chuối tiêu hồng bạt ngàn, những vườn cây ăn quả trĩu cành, những trang trại chăn nuôi khép kín hiện đại… phủ kín vùng đất bãi xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) mang lại cho phóng viên Báo Hànộimới một cảm giác ấm áp khi đến với đất này. Tất cả là minh chứng sống động về sự đổi mới mạnh mẽ của một vùng quê.

Ở tuổi 70, ông Dương Văn Chiến vẫn cặm cụi nhặt từng cây cỏ trong vườn dược liệu, cây ăn quả... Ông Chiến bộc bạch: “Trước kia, nơi đây là vùng bãi, đất trũng, trồng lúa kém năng suất, hiệu quả kinh tế không cao, nhưng lúc đó ngoài cây lúa, cây rau thì nông dân nơi đây cũng không biết trồng cây gì, nuôi con gì. Như nhà tôi, gần chục năm cái nghèo cứ đeo bám mãi… Mấy năm gần đây, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, tôi mạnh dạn trồng hơn 100 gốc bưởi Diễn. Lấy ngắn nuôi dài, gia đình tôi tiếp tục trồng thêm các loại dược liệu. Đất không phụ công người, với 8 sào vườn cây ăn quả và cây dược liệu này, mỗi năm cũng thu được gần 200 triệu đồng, từ cuối năm 2018, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Ngay sát vườn cây nhà ông Chiến là vườn chuối tiêu hồng trải dài một màu xanh của gia đình ông Nguyễn Trọng Nghĩa. Theo ông Nghĩa, đa phần các hộ nông dân nơi đây trước kia chỉ trồng lúa nên bao năm nghèo vẫn hoàn nghèo. Thế rồi, được sự hỗ trợ của huyện, của xã từ nguồn vốn đến nguồn giống, ông đã mạnh dạn trồng chuối tiêu hồng. Ngay từ vụ đầu, loại cây này đã cho hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so với cấy lúa. Đến nay, với hơn 200 gốc chuối trên diện tích 7 sào, mỗi năm gia đình ông cũng thu được gần 200 triệu đồng. Đặc biệt, toàn bộ vườn chuối của gia đình ông Nghĩa đều sản xuất theo quy trình VietGAP nên sản phẩm được thu mua với giá cao…

Vùng bãi ở Kim Sơn đang hình thành hai vùng chuyên biệt, phía Tây là cây ăn quả, rau… trong khi phía Đông là những trang trại chăn nuôi lợn, bò khép kín, quy mô lớn. Ông Nguyễn Văn Sơn, một trong những hộ ở phía Đông của vùng đất bãi chia sẻ, mấy năm trước, gia đình ông chuyển ra vùng bãi xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, quy mô ban đầu chưa đến 1ha. Với cách làm mới, tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất sạch, an toàn nên sản phẩm “được giá”, gia đình có thêm nguồn vốn để đầu tư. Cuối năm 2019, gia đình ông thuê thêm hơn 2ha mở rộng cơ ngơi, đào ao nuôi cá. Toàn bộ trang trại được đầu tư hiện đại với khu thức ăn chăn nuôi chuyên biệt, hệ thống ánh sáng, xử lý môi trường… Dự kiến, đến cuối năm nay, trang trại hoạt động với quy mô chăn nuôi 500 con lợn và hàng nghìn cá giống. “Nếu đi vào hoạt động, với quy mô như vậy, mỗi năm, trang trại này mang lại từ 500 đến 600 triệu đồng cho gia đình tôi” - ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Bà Nguyễn Thị Phi, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kim Sơn, là người am tường hơn ai hết về sự chuyển mình của vùng đất này. Bởi lẽ Hội Phụ nữ là tổ chức nhận ủy thác nguồn vốn từ ngân hàng và chia sẻ khó khăn với hội viên nên bà hiểu từng mảnh đời, từng hộ nghèo nơi đây. Bà Nguyễn Thị Phi thông tin: "Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như luồng ánh sáng rọi hướng đi, giúp nông dân thấy rõ “đích đến”. Có được sự “thay da, đổi thịt” hôm nay là từ sự hỗ trợ của chính quyền và sự cầu thị, học hỏi cũng như ý chí quyết vươn lên thoát nghèo của người dân Kim Sơn…”.

Minh chứng cho thành tựu có được từ nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây là thông tin Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Nguyễn Hùng Cường cung cấp cho phóng viên Báo Hànộimới: Toàn xã có hơn 485ha đất sản xuất nông nghiệp, đến nay xã đã chuyển đổi 224,7ha từ đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hiện tại, xã có 149ha cây ăn quả được trồng theo mô hình sản xuất nông nghiệp sạch; 49ha cây ăn quả được công nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP cùng hàng chục trang trại chăn nuôi lợn, gà, bò... quy mô lớn và vừa.

Hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái

Sự nỗ lực của người dân Kim Sơn đã biến vùng đất bãi, canh tác kém năng suất, kém hiệu quả trở nên trù phú từng ngày. Khi những vườn cây xanh lá trong những trang trại trải rộng bạt ngàn cũng là lúc người dân nơi đây bắt tay vào xây dựng các tuyến đường liên thôn xóm, tuyến đường nội đồng nhằm phục vụ tối đa cho sản xuất, giao thương…

Trên con đường dẫn đến khu trang trại chăn nuôi của xã được đổ bê tông rộng rãi, ông Nguyễn Văn Khoa (chủ trang trại chăn nuôi gần 200 con bò Australia thương phẩm) cho biết, những con đường bê tông lớn, nhỏ ngoài bãi có sự hỗ trợ từ xã, huyện nhưng chủ yếu là do các hộ dân đóng góp. Nông dân nơi đây luôn đoàn kết, nhất trí trồng cây xanh, chăn nuôi sạch để bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng Kim Sơn trở thành vùng nông nghiệp sinh thái với môi trường trong lành…

Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Nguyễn Hùng Cường tiết lộ: “Kim Sơn đang phấn đấu theo lộ trình trở thành phường, do đó việc đầu tư hạ tầng, lựa chọn mô hình kinh tế có tính quyết định đối với sự phát triển của xã. Hiện, xã đang hướng tới mục tiêu sản xuất sạch, giảm chăn nuôi, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả và rau theo phương thức an toàn…”.

Cùng với sản xuất, Kim Sơn đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Đến nay xã có 4 điểm thu gom rác thải và đáng nói hơn, ý thức trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt của người dân nơi đây được nâng cao rất nhiều so với những năm trước, các hộ đều tự giác bảo vệ môi trường. “UBND xã đã xây dựng và triển khai kế hoạch, phát động các hộ gia đình thực hiện mô hình phân loại rác thải. Các thôn có quy chế về việc tổ chức vệ sinh môi trường nông thôn ít nhất mỗi tuần một lần. Các đoàn thể thành lập tổ tự quản các tuyến đường trên địa bàn thôn, xóm… góp phần bảo đảm cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn. Kim Sơn đặc biệt chú trọng trồng cây xanh, hiện nay tỷ lệ cây xanh của xã là 3m2/người, đạt tiêu chí của phường” - ông Nguyễn Hùng Cường hồ hởi cho biết thêm.

Đến xã Kim Sơn trong những ngày đầu xuân Canh Tý 2020, điều mà nhiều người cảm nhận thấy là vùng đất này rất giàu đẹp, trù phú. Những con người năng động, có ý thức xây dựng quê hương ngày càng văn minh, hiện đại và những mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, thiết thực hướng tới nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị là những nền tảng để Kim Sơn vững bước trên lộ trình trở thành phường của Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trù phú Kim Sơn