Đổi thay ở vùng quê truyền thống cách mạng Sài Sơn

Nguyễn Mai| 03/02/2020 06:55

(HNM) - Năm 1938, Chi bộ Đa Phúc (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được thành lập - là chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây khi đó. Phát huy truyền thống cách mạng, vùng quê nơi đây đang từng ngày vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hết năm 2019, thu nhập bình quân/người/năm của xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) đạt 50,2 triệu đồng.

Vùng quê giàu truyền thống cách mạng

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn Nguyễn Văn Ngọc, phần đông người dân vùng đất núi Thầy (xã Sài Sơn) đầu những năm 30 của thế kỷ XX đói khổ, lầm than. Một số người lưu lạc, làm ăn ở Nghệ An, Tiền Giang và nước Lào đã giác ngộ cách mạng, bị giặc bắt, tù đày, buộc phải hồi hương chịu quản thúc. Những người này đã cùng nhân dân lao động nghèo khổ ở quê đoàn kết, đấu tranh chống bọn cường hào, xây dựng phong trào cách mạng tại địa phương.

Tháng 8-1936, tại xóm Thượng, thôn Đa Phúc, 3 đồng chí: Nguyễn Đình Thỏa, Phan Trọng Tuệ, Đào Văn Tiễu đã thành lập Tổ Cộng sản Đa Phúc. Nhiệm vụ của Tổ là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, tập hợp lực lượng; tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng ở Hà Nội.

Mùa thu năm 1937, Tổ Cộng sản Đa Phúc được chuyển thành Chi bộ dự bị do đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư. Đầu năm 1938, đồng chí Trần Quý Kiên, Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp về Đa Phúc công nhận Chi bộ dự bị Đa Phúc thành chi bộ chính thức của Đảng, là chi bộ đầu tiên của tỉnh Sơn Tây khi đó.

Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Sài Sơn trở thành một bộ phận của An toàn khu của Xứ ủy Bắc kỳ, góp phần quan trọng trong giành chính quyền phủ Quốc Oai, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh Sơn Tây trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945…

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hàng nghìn người con của Sài Sơn đã lên đường bảo vệ Tổ quốc. Cả xã có 42 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 20 lão thành cách mạng, 6 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1998, xã Sài Sơn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn và phát triển

Xã Sài Sơn hôm nay đang từng ngày đổi mới. Con đường từ Đại lộ Thăng Long rẽ về xã rộng thênh thang, nhộn nhịp du khách tham quan Khu di tích, danh thắng chùa Thầy. Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Đỗ Văn Tâm cho biết, từ năm 2015, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông sạch đẹp, 6/6 thôn có nhà văn hóa khang trang, 3/5 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân/người/năm ở xã Sài Sơn đạt 50,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 0,026%. Cả xã có 178 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, 717 hộ kinh doanh, dịch vụ. Trong nông nghiệp, toàn bộ diện tích vùng bãi ven sông Đáy rộng hơn 200ha của xã đã được quy hoạch trồng cây ăn quả, ước tính giá trị sản xuất đạt 350 triệu đồng/ha.

Riêng với thôn Đa Phúc, theo Bí thư Chi bộ Phan Xuân Sửu, thôn có hơn 2.000 hộ dân, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một cải thiện. Con em trong thôn làm việc trong nhiều ngành nghề, thu nhập ổn định; các phong trào văn nghệ, thể thao luôn dẫn đầu xã.

Ông Phan Hữu Mỹ ở xóm Tây, thôn Đa Phúc nói: “Sài Sơn hôm nay đang có nhiều đổi thay. Chúng tôi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và mong muốn địa phương tiếp tục phát triển hơn nữa, đặc biệt là du lịch, dịch vụ gắn với bảo tồn, phát triển Khu di tích, danh thắng chùa Thầy”.

Nguyện vọng của nhân dân cũng là mục tiêu Sài Sơn đang hướng tới. “Chúng tôi đã định hướng phát triển du lịch, dịch vụ của địa phương. Khu vực vùng bãi của xã tiếp tục chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, hình thành vùng du lịch sinh thái ven sông Đáy gắn với khai thác lợi thế di tích lịch sử - văn hóa chùa Thầy và Khu du lịch Tuần Châu (Sài Sơn) tạo thành chuỗi điểm đến hấp dẫn du khách. Qua đó, giúp người dân địa phương thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Sài Sơn Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở vùng quê truyền thống cách mạng Sài Sơn