Tản Hồng giàu đẹp nhờ nghề mộc

Nguyễn Mai| 23/01/2020 14:26

(NSHN) - Những ngày cuối năm Kỷ Hợi ở xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) người dân nơi đây hào hứng, phấn khởi sau một vụ hàng Tết bận rộn. Dọc các tuyến đường lớn của xã, nhiều cửa hàng đồ gỗ vẫn nhộn nhịp khách giao thương. Nhờ năng động, chú trọng phát triển nghề mộc nên đời sống nhân dân địa phương ngày càng được nâng lên…

Sản xuất mộc ở xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) đã sử dụng nhiều máy móc, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Nằm ngay đầu thôn La Thiện (xã Tản Hồng), siêu thị đồ gỗ Việt Huệ của gia đình anh Đặng Quốc Việt trưng bày hàng chục sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế, đồ thờ... thu hút sự chú ý của nhiều người. Gia đình anh Việt có 3 xưởng sản xuất với 30 lao động làm việc thường xuyên và trang bị nhiều máy móc... Doanh thu từ sản xuất mỗi năm của gia đình đạt khoảng 17 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10%...

Ở xã Tản Hồng, không hiếm tỷ phú như anh Việt. Xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình anh Phương Bá Hải cũng có 17 lao động.

Anh Hải chia sẻ, gia đình đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Ví như, với khâu đục, các chi tiết hầu hết được thực hiện bằng máy, hoàn toàn tự động. Nhờ vậy, sản xuất được số lượng lớn sản phẩm mà không cần nhiều lao động…

Còn theo anh Nguyễn Bá Quyền, thợ mộc ở thôn La Phẩm, thu nhập từ nghề mộc giúp kinh tế gia đình anh ổn định.

Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu cho biết, xã có diện tích nhỏ, dân số đông, ít ruộng... Do vậy, cách đây rất lâu, người dân làm thêm nghề mộc. Hiện, trên toàn xã có hơn 100 xưởng mộc, phân bổ ở tất cả các thôn, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Ước tính, thu nhập bình quân mỗi xưởng đạt 760 triệu đồng/năm. Nghề mộc mang lại thu nhập ngày một cao cho người dân trong đó, thợ chính nhận từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng/người/tháng; thợ phụ nhận từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng/người/tháng… Thu nhập của người dân từ nghề mộc góp phần giúp thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2019 đạt 41,5 triệu đồng/năm. 

Tuy sản xuất và đời sống ngày càng phát triển nhưng người dân Tản Hồng vẫn còn nhiều trăn trở. Anh Đặng Quốc Việt, chủ xưởng mộc ở thôn La Thiện cho hay, gia đình phải sản xuất tại 3 cơ sở khác nhau, các cơ sở lại trong khu dân cư nên việc vận chuyển nguyên liệu sản xuất cũng như sản phẩm hoàn thiện từ điểm sản xuất ra nơi tập kết lên xe chở hàng còn gặp nhiều khó khăn…

Đặc biệt, xã Tản Hồng có hàng trăm hộ sản xuất nghề mộc, song sản phẩm chưa có thương hiệu riêng; các thôn, làng chưa được công nhận làng nghề truyền thống... Điều này khiến giá trị sản phẩm chưa như kỳ vọng. Người dân Tản Hồng mong được các cấp chính quyền, các ngành chức năng hỗ trợ điểm sản xuất tập trung, tạo cơ hội cho các gia đình phát triển nghề mộc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, bảo đảm vệ sinh môi trường, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương…

Theo Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu, trước những khó khăn trong phát triển làng nghề, sau khi dồn điền đổi thửa, xã Tản Hồng đã bố trí quỹ đất hơn 100ha phục vụ dự án làng nghề ra xa khu dân cư. Hiện nay, điểm sản xuất tập trung này đang trong giai đoạn trình các cấp xem xét, phê duyệt. Hy vọng, dự án sớm thành hiện thực để làng nghề mộc Tản Hồng thuận lợi hơn trong sản xuất, giúp đời sống người dân ngày càng nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản Hồng giàu đẹp nhờ nghề mộc