Tết Mường ấm no

Ngân Hạ| 24/01/2020 07:03

(HNMCT) - Giống như người Mường ở khắp mọi miền đất nước, người Mường ở huyện Ba Vì, Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Sau thời gian dài vắng bóng những trò chơi dân gian truyền thống, những năm gần đây, cứ dịp Tết đến xuân về người Mường dưới chân non Tản lại tíu tít với trò chơi ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ... và đặc biệt là không thể thiếu tiếng cồng chiêng. Giữa sự hùng vĩ của ba đỉnh non thiêng là ngân nga lúc khoan thai lúc sôi động của nhịp cồng, tiếng chiêng.

Về nơi xa nhất Thủ đô

Xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) đang là nơi có nhiều cái "nhất" của Hà Nội: Gần núi Tản nhất; là xã xa nhất, có thôn xa nhất - thôn Bắt Còn Chèm và có điểm trường tiểu học xa nhất Thủ đô. Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng khẳng định: Cách đây hơn 10 năm khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, thôn Bắt Còn Chèm của Khánh Thượng như một “ốc đảo” khi không có đường vào thôn, con em trong thôn phải đi học nhờ bên huyện Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình và đương nhiên điện nước là một điều gì đó xa xỉ với người dân nơi đây.

Những điều ông Thịnh nói tôi đã được trải nghiệm trong dịp đến Khánh Thượng hồi mới "sáp nhập", còn bây giờ thì đường vào Bắt Còn Chèm, thôn ở cực Tây Bắc của huyện Ba Vì đồng thời cũng là cực Tây Bắc của Thủ đô, đã được trải bê tông phẳng phiu, quanh co uốn lượn lãng mạn như một khúc chiêng Mường. Phong cảnh vô cùng hữu tình với những vạt đồi xanh ngút ngàn, ruộng vườn nhấp nhô qua những thung lũng và dòng suối. Sắp đến Tết nên dọc con đường dẫn đến nhà văn hóa thôn còn thơm mùi ngói mới là những bà, những mẹ xúng xính trong bộ váy áo Mường.

Ông Phạm Đức Sinh - Giám đốc Hợp tác xã Điện Bắt Còn Chèm, kể rằng, thế hệ con ông phải theo học bên Kỳ Sơn, Hòa Bình là do đi lại không thuận tiện muốn học đúng tuyến thì phải trèo đèo, lội suối mới đến được trung tâm xã Khánh Thượng, nhưng các cháu ông thì đã được thụ hưởng thành quả trên nhiều lĩnh vực phát triển của Thủ đô khi cây cầu Suối Giữa và con đường trải nhựa được xây dựng, phá thế “ốc đảo” của Bắt Còn Chèm. Có đường, có điện nên đời sống người dân Bắt Còn Chèm cũng khấm khá dần lên. Bà con mang nông sản địa phương đi bán và ngược lại người nơi khác đến Bắt Còn Chèm để giao thương, không còn phải vòng qua xã Kỳ Sơn, Hòa Bình mà cứ thẳng đường về trung tâm xã Khánh Thượng.

Khánh Thượng gần núi Tản, sông Hồng, có lẽ vì thế mà con người nơi đây cũng có khí chất. Thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Thượng, Nguyễn Hoàng Sâm là một người như vậy. Có điểm trường khang trang, mới khánh thành ngay trung tâm xã nhưng thầy Sâm vẫn hằng ngày miệt mài “bám trụ” tại điểm trường cũ giờ mang tên Trường Tiểu học Khánh Thượng B nằm heo hút trong thôn Gò Đình Muôn để quản lý cả hai cơ ngơi giáo dục tiểu học của Khánh Thượng. Lý do thầy Sâm đưa ra hết sức nhân văn, đó là vì ở điểm trường cũ giáo viên và học sinh chủ yếu là người dân tộc Mường, Dao, “còn chưa quen với con đường rải nhựa” và quan trọng là “hằng ngày phải ra trung tâm xã thì sẽ xa xôi, vất vả”.

Đã nhiều năm “cõng chữ” lên các bản làng người Mường, thầy Sâm “trót yêu” văn hóa Mường lúc nào không hay. Theo thầy Sâm, phong tục đón Tết của đồng bào Mường ở Khánh Thượng chứa đựng tín ngưỡng văn hóa đặc sắc, phần lớn được lưu giữ theo lối truyền khẩu. Ngoài chuẩn bị đầy đủ các đồ thờ cúng, rượu, thịt, bánh chưng thì trong dịp đón Tết, vui xuân không thể không có tiếng cồng chiêng. Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các gia đình Mường đều đánh ba hồi chiêng để mời tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu. Vào ngày mùng một Tết, sau khi sắp lễ, bày cỗ cúng tổ tiên, đồng bào Mường sẽ diện quần áo mới đi chúc Tết, chơi xuân. Trong những ngày Tết, âm thanh cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng như khẳng định sức sống mạnh mẽ cũng như bản sắc văn hóa không mờ phai của vùng đất dưới chân non thiêng Ba Vì...

Ở xã Khánh Thượng, trong những ngày đầu xuân năm mới diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như diễn tấu cồng chiêng, múa sênh tiền, hát ví, ném còn, bắn nỏ... Các hoạt động vui chơi diễn ra suốt mấy ngày Tết mang lại không khí vui tươi, phấn chấn cho người dân sau một năm lao động vất vả, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng bà con các dân tộc trong xã.

Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Hữu Thịnh chia sẻ, từ một xã miền núi khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, thu nhập và mức sống của người dân còn thấp, đến nay, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư nâng cấp, đường giao thông nông thôn, trạm y tế... được xây dựng khang trang. Toàn xã có 3 thôn đang hưởng lợi ích từ chương trình 135 giai đoạn 2 và 3 thôn đã bước vào giai đoạn 3 của chương trình. Với hơn 2.000 hộ dân, trong đó hơn 60% dân số là người dân tộc Mường, Dao..., Khánh Thượng giờ đã đổi khác, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm xuống dưới 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30,8 triệu đồng/người/năm… Xuân Canh Tý này, bà con các dân tộc ở Khánh Thượng tạm gác lại những bộn bề lo toan, cùng nhau nô nức đón Tết, vững tin vào một năm mới ấm no, sung túc hơn.

Còn say nhịp điệu cồng chiêng

Vừa gặp nhau, Chủ tịch UBND xã Minh Quang Phạm Tiểu Long, đã phấn khởi chia sẻ, hội thi Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường năm 2019, với những nội dung như biểu diễn cồng chiêng; tìm hiểu kiến thức, bản sắc văn hóa dân tộc Mường; mở mang kiến thức về các nghề phụ, nghề thủ công, trang phục, xuất xứ của người Mường Minh Quang..., vẫn còn để lại ấn tượng tốt đẹp cùng niềm vui trong lòng người dân Minh Quang. Cũng hiếm nơi như ở Minh Quang, trước khi đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2015 - 2020” được triển khai thì xã Minh Quang đã thành lập 2 câu lạc bộ cồng chiêng ở thôn Lặt và thôn Cốc Đồng Tâm. Đến nay Câu lạc bộ Cồng chiêng thôn Cốc Đồng Tâm có tới 30 thành viên, là những người còn giữ các bộ cồng chiêng, biết múa và biết đánh cồng chiêng.     

Chuyện của Chủ tịch xã Minh Quang làm tôi nhớ tới lúc ở bên xã Vân Hòa. Từ nhiều năm nay, ông Đinh Hữu Tiễn ở thôn Mồ Đồi, xã Vân Hòa được mệnh danh là “người đưa tiếng cồng chiêng vang xa”. Cái xã nằm ở phía Đông Bắc của huyện Ba Vì hiện có tới 3 đội cồng chiêng, trong đó có một đội toàn thanh niên, thuộc thế hệ cháu con của ông Tiễn. Ông Tiễn hồ hởi khoe, từ năm 2008, đội cồng chiêng mới được thành lập đã được mời tham gia biểu diễn tại những sự kiện quan trọng của các tổ chức, doanh nghiệp...

Một nét văn hóa đặc sắc nữa của người Mường thể hiện rõ vào dịp lễ tết là ẩm thực. Chủ tịch UBND xã Minh Quang Phạm Tiểu Long cho biết, dịp Tết ở Minh Quang nhiều gia đình vẫn làm cỗ truyền thống của người Mường. Thành phần chủ yếu trong mâm cỗ là thịt lợn do chính tay bà con nuôi, chung nhau chế biến. Mâm cỗ Mường ngày Tết được bày theo hình tròn, trong cùng là lòng, tim, gan, dồi đã luộc chín, xung quanh là thịt rọi, thịt nạc, thịt nướng sả... mang ý nghĩa trời đất giao hòa để bày tỏ lòng thành đối với tổ tiên đã mang đến cho làng bản cuộc sống ấm no. Cỗ Tết thường bày trên lá chuối hơ lửa cho thơm mùi sơn cốc gắn với quan niệm về thế giới người sống và thế giới người chết, thường gọi là Mường Sáng và Mường Tối hay Mường Ma. Khi bày mâm cúng, ngọn lá chuối hướng ra ngoài và khi thụ lộc thì ngọn lá chuối hướng vào trong…

Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa - bà Nguyễn Thị Ngọc Hà cũng hào hứng chia sẻ, kết thúc những ngày hội là lúc bà con thể hiện mâm cỗ Mường truyền thống. Ngoài món lợn Mường hay còn gọi lợn Mán được luộc nướng theo bí quyết truyền khẩu thì còn phải kể đến món cơm lam nướng trong ống nứa mang phong vị riêng của núi rừng Ba Vì. Những năm gần đây, món cơm lam được xác định là “mũi nhọn ẩm thực” của Vân Hòa để phục vụ khách du lịch…

Câu chuyện về những phong tục mang đậm bản sắc của đồng bào Mường còn đang rôm rả thì bỗng nghe tiếng cồng chiêng từ đâu đó dội về. Nhịp điệu rộn ràng, náo nức như báo hiệu một mùa xuân mới đang về với những bản làng dưới chân non Tản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tết Mường ấm no