Diện mạo nông thôn mới ở xã Kim Hoa

Ánh Dương| 21/01/2020 12:45

(NSHN) - Nhờ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch những vùng chuyên canh sản xuất rau, hoa, quả cho thu nhập cao, diện mạo xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) ngày càng khởi sắc. Đến nay, xã không còn hộ nghèo, đời sống nhân dân được nâng cao.

Nghề trồng cây đào cảnh, đào thế giúp nông dân xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) có thu nhập cao. Ảnh: Việt Trung

Trước đây, các thôn: Bạch Đa, Yên Phú (xã Kim Hoa) chủ yếu phát triển kinh tế thuần nông và không có nghề phụ nên thu nhập của nhân dân bấp bênh. Tích cực tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, ngay sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, hai thôn thống nhất thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phú Đa. Giám đốc Hợp tác xã, ông Nguyễn Tiến Thỉnh cho biết: "Năm 2013, hợp tác xã triển khai đưa giống lúa chất lượng, năng suất cao vào sản xuất. Nhờ đó, hai thôn đã quy hoạch được vùng chuyên canh lúa chất lượng cao trên tổng diện tích 50ha, không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng gạo ngon, mà còn đạt tiêu chuẩn để làm thóc giống và giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần so với cấy lúa truyền thống".

Tương tự, trên cơ sở địa thế vùng đồng trũng, các thôn: Bảo Tháp, Kim Tiền, Bến Già đã phối hợp, thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kim Ngọc Bảo và tập trung chuyển đổi theo mô hình vườn - ao - chuồng. Điển hình như gia đình ông Hà Minh Tuệ (thôn Kim Tiền), từ khi thực hiện mô hình trồng cây ăn quả, nuôi gà, chim bồ câu trên tổng diện tích hơn 5.000m2 ở xứ đồng Đầm Phá, gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Còn tại thôn Phù Trì, đồng đất nơi đây phù hợp với cây đào nên đa số hộ dân của thôn phát triển kinh tế bằng nghề này với tổng diện tích 50ha, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Gia đình ông Nguyễn Văn Kiên có 5 sào trồng đào, chủ yếu là đào thế. Ông chia sẻ, gia đình ông tập trung trồng, chăm sóc những gốc đào thế theo nhu cầu của khách hàng, cho thu nhập khá cao. Có những cây đào thế được khách mua với giá hàng chục triệu đồng. Hiện, vườn đào của gia đình ông tạo việc làm cho 8-10 lao động với thu nhập 200.000-300.000 đồng/người/ngày. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Nghị cũng mạnh dạn đầu tư, trồng đào cảnh trên diện tích tới 3ha. Ngoài ra, còn nhiều hộ trồng đào trên diện tích từ một mẫu trở lên, như gia đình ông Nguyễn Trọng Phú, ông Ngô Văn Cầu… 

Trưởng thôn Phù Trì Nguyễn Thế Lực cho hay, không chỉ trồng đào cảnh, đào thế, nông dân thôn Phù Trì còn xen canh rau ngắn ngày do cây đào chỉ cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Việc trồng xen canh vừa góp phần cải tạo đất, vừa giúp các hộ dân có nguồn thu quanh năm do rau trồng khoảng 50-60 ngày được thu hoạch một lứa. Đặc biệt, Phù Trì đã được cơ quan chức năng công nhận 50ha trồng rau an toàn. Nhờ đó, thu nhập trên diện tích canh tác ở đồng đất Phù Trì khá cao, từ 5 đến 8 triệu đồng/sào/năm.

Theo Chủ tịch UBND xã Kim Hoa Lê Xuân Trường, đến nay, toàn xã đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung cho năng suất cao. Từ năm 2018 trở về trước, toàn xã có 50ha trồng đào tập trung ở thôn Phù Trì, sau do hiệu quả kinh tế từ cây đào mang lại khá cao nên năm 2019, xã phát triển thêm 30ha. Ở các thôn: Ngọc Trì, Bảo Tháp, Kim Tiền, Bến Già…, ngoài tập trung phát triển kinh tế theo mô hình trang trại chăn nuôi, nông dân còn trồng hoa hồng, hoa cúc, đào cảnh, quất cảnh, bưởi cảnh. Nhờ kinh tế phát triển, đến nay, toàn xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. 

Thời gian tới, xã Kim Hoa sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng sản phẩm hàng hóa có nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc; tạo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ hàng hóa…, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, chất lượng sống cho nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diện mạo nông thôn mới ở xã Kim Hoa