Giữ lấy hồn quê

Hoàng Thu Phố| 23/01/2020 08:05

(HNMCT) - Cuối năm, có nhiều cuộc trở về. Làng là “sân ga” có nhiều người về nhất. Bởi từ làng, rất nhiều người đã ra đi. Và trong câu chuyện của những đứa con quanh năm xa làng, xa quê luôn vang lên những kỷ niệm ấu thơ, những tiếc nhớ về bóng dáng làng Việt nay đã có nhiều biến đổi. Nhiều người trong câu chuyện trên “sân ga” chiều cuối năm ấy cứ thao thiết: Làm gì để giữ hồn quê?

Cây bồ đề trước cổng chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai.

Cây, vườn thưa vắng

Xin bắt đầu từ những gốc cổ thụ đầu làng - những “biểu tượng sống” từng gắn bó với nhiều ngôi làng Việt, trong đó có những ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội. Những gốc gạo già nua, sần sùi u mấu; những gốc đa buông rễ trùm phủ cả một không gian rộng lớn bên mái đình cổ kính; những cây trôi vững chãi đứng thẳng với tán lá tròn tỏa bóng trên những gò đất cao... Những biểu tượng sinh động ấy đã ghim cài vào tâm trí nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên từ làng. Vậy nhưng về làng bây giờ, những gốc đa, cây gạo ấy đang ngày một thưa vắng. Chúng biến mất nhanh đến mức khiến người ta ngỡ ngàng. Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân, do già nua, do sâu bệnh..., nhưng cũng có nơi, do việc bảo vệ, chăm sóc không được chu đáo, hay buộc phải chặt bỏ vì mục đích xây dựng công trình hạ tầng xã hội.

Vùng đất Hà Tây trước khi về với Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều cổ thụ. Theo kết quả điều tra của đề tài khoa học “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản cây cổ thụ” do Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tây thực hiện năm 2007, trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) có 1.140 cổ thụ được phân bố rải rác, trong đó gần 70%, nằm trong khuôn viên các di tích lịch sử, văn hóa, còn lại ở các khu dân cư, làng xóm hay ngoài đồng... Vậy mà mấy năm trước, nhiều cây gạo cổ thụ ở xứ Đoài đã chết. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - người sinh ra, lớn lên và gắn bó với làng Chùa (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội),  đã ví von những cây cổ thụ như những “công dân chính thức” của một vùng đất, có tính cách và có cả linh hồn, và khi một cây biến mất thì nó để lại một lỗ thủng, sự trống rỗng không bù đắp được.

Một mất mát đáng tiếc nữa của làng Việt chính là những mảnh vườn quê, ở đó thường có ít cây thuốc nam, ít rau húng, rau mùi và những cây ổi, chanh, bưởi, đào... cùng vài luống hoa theo kiểu “mùa nào thức ấy”. Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện cho rằng: Cây và vườn là bạn của con người. Với người Việt, cái vườn là không thể thiếu. Song thực tế thì cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội, cư dân của làng Việt tăng lên nhiều, kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng lên. Do vậy, đất làng giờ cũng phải “phân lô”, cũng phải chia năm, xẻ bảy. Vườn quê từ chỗ phổ biến đến giờ trở thành một khái niệm xa xỉ ở một số ngôi làng.

Di sản hư hao

Làng đang mất dần khoảng xanh khiến lòng người xao xác. Về làng bây giờ nhiều lúc giật mình không còn nhận ra những lối đi quen thuộc nữa. Cái cổng làng cũng đang mai một, biến dạng hoặc khuất lấp sau những dãy nhà tầng thấp, tầng cao. Kiến trúc sư Nguyễn Địch Long có nhiều năm nghiên cứu về cổng làng. Ông cho rằng, từng có nơi, có lúc, có những người coi cổng làng như một “di sản phong kiến”, thẳng thừng phá bỏ. Bên cạnh đó, các làng nghề phát triển với tốc độ chóng mặt, nhu cầu sản xuất đòi hỏi đưa xe tải, thậm chí container... vào tận nhà, tận xưởng lấy hàng. Cổng làng nhỏ quá, không đi qua được, đành phải phá, mở rộng. Rồi thì đô thị hóa xâm nhập, làm biến đổi không gian văn hóa làng... Nhìn những chiếc cổng làng dấu tích hàng trăm tuổi, ghi dấu bao thăng trầm của làng quê nay biến mất mà không khỏi tiếc nuối.

Đến các làng quê xứ Đoài bây giờ vẫn có thể tìm thấy những chiếc giếng làng. Có giếng to, giếng nhỏ. Có giếng hình tròn, to như cái ao; lại có cả giếng hình vuông, hình chữ nhật. Có giếng thành cao để tránh trẻ sảy chân ngã xuống, có giếng thành thấp, lòng giếng bé con con. Đa phần những chiếc giếng ấy đã không còn chức năng cung cấp nguồn nước cho cộng đồng dân cư. Người dân giữ lại giếng làng như để nhắc nhở con cháu về một di sản gắn bó với làng quê. Thế nhưng, không ít giếng đã bị hàn kín miệng để tránh lá rơi và rác rưởi, khiến nó như “đã chết” hoặc bị “mất hồn”. Bởi trong ký ức của những người con đi xa, giếng làng là nơi người dân tới lấy nước về sinh hoạt, là nơi đám thanh niên và trẻ con chiều chiều hay ra tắm mát. Cuối năm, đây còn là nơi tụ tập rửa lá dong gói bánh chưng, mổ lợn ăn Tết. Ở làng Yên Thôn (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội) còn có tục vào đêm 30 Tết, người dân ra giếng làng gánh nước về lấy may. Hoặc cũng có nơi ngày nay vẫn còn giữ tục lệ là trai đi lấy vợ phải ra giếng làng lấy nước về thổi xôi làm sính lễ...

Gìn giữ hồn làng

Vẫn biết không thể “bảo tàng hóa” tất cả những ngôi làng Việt. Nhưng cũng không nên vì phát triển quá nhanh, quá “nóng” mà lãng quên những biểu tượng của làng quê. Bởi những di sản do cha ông trao truyền vẫn còn nguyên giá trị, nó làm nên văn hóa, lịch sử của làng, hun đúc những tính cách của cư dân sống trong ngôi làng ấy.

Thời gian qua, người dân của nhiều ngôi làng Việt đã chung tay đóng góp dựng mới cổng làng, dựng mới đình, chùa... Đó là những việc làm đáng biểu dương, khích lệ, nhưng không ít ý kiến cho rằng, việc xây mới cổng làng, đình chùa là không đơn giản. Không phải cứ huy động được tiền là có được cổng làng, đình chùa đẹp, hài hòa với cảnh quan, tôn vinh ngôi làng. Cũng không phải cứ có tiền là dựng lên được một cổng làng hay một ngôi đình chùa mang dấu ấn riêng, thể hiện được tiếng nói của cộng đồng dân cư trong ngôi làng đó. Trên thực tế, thời gian gần đây, chúng ta đã phải chứng kiến những chiếc cổng làng, ngôi chùa được dựng lên một cách thô vụng, chỉ thấy sự bề thế mà không có cảm xúc, thiếu đi hồn làng, nếp làng...

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, cổng làng xưa được làm cùng thông số với kiến trúc đình đền chùa, không quá cao to. Nhưng, hiện ở nhiều làng quê đang xuất hiện việc đua nhau xây to, với đủ các hình thức, chất liệu, màu sắc, làm mất đi những giá trị văn hóa nội tại. “Chức năng của cái làng và kiến trúc làng ngày nay đã khác. Việc xây dựng một cổng làng kiểu cổ xưa không còn phù hợp. Nếu còn cổng cũ thì nên giữ nguyên làm di sản văn hóa, nếu xây mới, cần nghiên cứu và thiết kế cẩn thận, bảo đảm phù hợp, hài hòa với khung cảnh kiến trúc” - ông nhấn mạnh.

Ở thôn quê nhiều nơi giờ khó nhận ra sự khác biệt so với thị thành. Và trên “sân ga” làng chiều cuối năm, những câu hỏi “hồn quê đâu rồi?” vẫn man mác thì thào bên tai như lời nhắc nhở trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa, vẻ đẹp làng Việt của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ lấy hồn quê