Chuyện người An Phú

Ngọc Quỳnh| 22/01/2020 16:09

(HNM) - Một ngày giáp Tết, chúng tôi về với xã An Phú (huyện Mỹ Đức), nơi những năm trước vốn bị coi là nghèo nhất Thủ đô. Nay, An Phú đã đủ đầy, sung túc hơn. Xuân này, người An Phú đón Tết vui hơn và những câu chuyện về người An Phú vươn lên thoát nghèo, rồi cùng với làm kinh tế, chuyện họ vẫn thao thiết, vẫn nâng niu, giữ gìn bản sắc văn hóa làng, xã... sẽ còn đọng mãi.

Hạ tầng nông thôn xã An Phú (huyện Mỹ Đức) ngày càng khang trang. Ảnh: Linh Ngọc

Đến An Phú vào lúc không khí của mùa xuân ngập tràn khắp làng quê, trước mắt chúng tôi, những đám trẻ tung tăng tíu tít vui đùa khoe những bộ quần áo mới. Trong nếp nhà nhỏ thấp thoáng bóng cô gái Mường mải miết bên những tấm thổ cẩm. Người già lúi húi với nào gạo, nào gà… cho một cái Tết sung túc, đủ đầy hơn. 

Gia đình bà Lê Thị Việt, ở thôn Đồi Dùng - trước đây được liệt vào diện nghèo lâu năm của xã, nhưng giờ đã có “của ăn, của để”. Bà Việt tâm sự: “Từ những năm 2003, được Nhà nước hỗ trợ một con bò sinh sản để chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, quen với vất vả khuya sớm, lại có chút ít kinh nghiệm tích lũy trong quá trình chăn nuôi, gia đình đã có một đàn 7 con bò… Dần dần thoát nghèo rồi xây dựng nhà cửa khang trang, cuộc sống ngày càng ấm no hơn. Có đồng ra, đồng vào, năm nay, gia đình tôi nuôi thêm mấy con lợn để thịt cho con cháu ăn Tết”.

Rời thôn Đồi Dùng, chúng tôi tới thăm gia đình ông Nguyễn Bá Minh, một trong những hộ nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng sen tại thôn Đồng Văn. “Trước đây, nhắc đến An Phú, ai cũng nghĩ đó là vùng quê nghèo khổ, khó khăn nhất của Thủ đô, bởi người dân quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” với mấy sào ruộng lúa... Giờ thì đã khác…” - ông Minh kể tiếp: “Năm 2000, khi xã triển khai chuyển đổi cơ cấu kinh tế, gia đình tôi mạnh dạn nhận thầu gần 7ha ruộng trũng và chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng sen. Mùa hè vừa qua, khách đến tham quan, chụp ảnh rất đông, lại mua thêm sản phẩm (hạt sen, ngó sen…) nên thu nhập ngày càng khá hơn. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm thu vài trăm triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi sẽ ăn Tết thật to...”.

Nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mường đã qua thời kỳ khó khăn với cái nghèo, cái đói. Những ngôi nhà tầng, nhà mái ngói đỏ tươi san sát mọc lên. Giờ đây, người dân không còn đơn thuần dựa vào cây lúa trên những thửa ruộng, mà năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm kinh tế trang trại hoặc kinh doanh dịch vụ. Thu nhập cao hơn và ổn định hơn. Theo Trưởng thôn Đồi Dùng Nguyễn Hoàng Hân, toàn thôn có 162 hộ, 50% là đồng bào dân tộc Mường… “Ngày trước, hầu hết trẻ nhỏ phải bỏ học giữa chừng, nay hầu hết các gia đình đều cho con cái học hành đầy đủ. Dân trí nâng cao, việc tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng thuận lợi hơn so với trước đây” - vị Trưởng thôn cho biết thêm.

Đời sống vật chất đã có nhiều đổi mới, nhưng những nét đặc sắc trong ngày Tết vẫn được người dân An Phú bảo vệ gìn giữ. Kể về những phong tục đẹp của đồng bào mình trong ngày Tết, ông Dương Thanh Hưng, ở thôn Rộc Éo, tâm sự: Cũng giống như người Kinh, đối với người Mường, Tết Nguyên đán là cái Tết quan trọng nhất trong năm, bởi vậy bà con chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Dù có thế nào đi chăng nữa thì năm hết, Tết đến, các gia đình vẫn lo bằng được vài chục cân gạo nếp nương để gói bánh chưng, mấy cân thịt lợn, đôi con gà trống… để thắp hương tổ tiên. Nhiều người quan niệm, gia đình nào có cả một con lợn thịt trong dịp Tết thì năm đó sẽ ăn nên, làm ra.

“Có lẽ vì thế mà đến nay người dân ở thôn Rộc Éo nói riêng và xã An Phú nói chung vẫn duy trì nét truyền thống của mình. Năm nào cũng vậy, chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị đón Tết từ những ngày cuối tháng Chạp. Việc làm đầu tiên là dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng nhà cửa tạo không khí Tết, rồi cả đàn ông, đàn bà tập trung gói bánh chưng, tối đến thì uống rượu và trông bánh chưng đến khi chín để dâng lên ban thờ tổ tiên. Trong những ngày Tết, người dân thường hát dân ca Mường, chơi cồng chiêng, đánh bóng chuyền hoặc thăm thú bà con xa gần, tham dự các lễ hội trong xã…” - ông Dương Thanh Hưng hào hứng kể.

Lúc làn điệu dân ca Mường trong buổi tập văn nghệ chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Canh Tý tạm ngưng, chúng tôi trò chuyện với bà Nguyễn Thị Huê, ở thôn Gốc Báng, và được biết, vào ngày mùng Một Tết, sau khi sắp lễ, bày cỗ cúng tổ tiên, đồng bào Mường sẽ diện quần áo mới đi chúc Tết, chơi xuân. 

“Ở An Phú, vào những ngày đầu xuân năm mới diễn ra rất nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao mang đậm nét văn hóa dân tộc. Những hoạt động này không chỉ mang lại không khí vui tươi, phấn chấn sau một năm lao động vất vả mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng. Cùng với đó là những nghi lễ mang tính tâm linh, cầu mong cho mọi người luôn dồi dào sức khỏe để sang năm mới lao động tốt, làm ra nhiều lúa, chăn nuôi phát triển thuận lợi...” - bà Huê nói với chúng tôi như vậy.

“Bây giờ đời sống kinh tế của người dân An Phú đã thay đổi nhưng nếp sống, tập tục ngày Tết vẫn được giữ nguyên. Cùng với những hoạt động thăm hỏi, chúc tụng gia đình, xóm giềng, còn có các sinh hoạt vui chơi cộng đồng cho người dân vào dịp Tết đến, Xuân về. Hy vọng sang năm Canh Tý sẽ có nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả hơn, chăn nuôi được nhiều trâu, bò để An Phú thoát nghèo bền vững...” - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Hoán cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện người An Phú