Khởi sắc ở Xuân Canh

Ánh Dương| 15/01/2020 07:29

(HNM) - Nhờ nỗ lực trong chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, nhân cấy nghề mới, phát huy nội lực, kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) đã có nhiều khởi sắc. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn đổi thay cơ bản, chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây từng bước được cải thiện.

Vườn cam Canh của gia đình chị Đặng Thị Oanh (thôn Xuân Canh, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh) cho thu nhập cao. Ảnh: Việt Trung

Từ năm 2013 trở về trước, xã Xuân Canh chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp với các mô hình trồng hoa, cây cảnh, cấy lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nắm bắt nhu cầu thị trường, nông dân xã Xuân Canh đã chuyển đổi sang mô hình trồng cây ăn quả các loại như: Cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, ổi, chuối; chăn nuôi trâu bò, gà vịt, chim cút… Nhờ đó, nhiều hộ giàu lên, điển hình như gia đình anh Trương Hữu Chiến ở thôn Xuân Canh. Từ năm 2013, gia đình anh trồng cam Canh, cam Vinh trên diện tích 10ha vùng đất bãi của thôn. Đất không phụ công người, mô hình trồng cây ăn quả mang lại cho gia đình anh doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

Cũng mạnh dạn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, gia đình anh Phạm Mạnh Hùng ở thôn Lực Canh thực hiện mô hình thả cá, chăn nuôi gia súc và trồng bưởi Diễn trên tổng diện tích 8.000m2. Anh Hùng cho biết, sau khi trừ mọi chi phí, trang trại cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm; đồng thời, tạo việc làm cho 8-10 lao động với thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Không dừng lại ở chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp, người dân Xuân Canh còn chăm chỉ lao động, nhân cấy nghề mới. Điển hình như gia đình bà Ngô Phương Lan ở thôn Xuân Trạch, mở xưởng may công nghiệp, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động nữ của thôn. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, gia đình bà còn phối hợp với đơn vị chức năng mở lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 30-35 học viên/năm. Đến nay, Xuân Canh đã có hơn chục hộ gia đình mở xưởng may công nghiệp, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Canh Nguyễn Văn Tạo cho biết: Hiện trên địa bàn xã còn khoảng 900 hộ sản xuất nông nghiệp trên tổng số hơn 3.000 hộ dân. Ngoài trồng lúa, các gia đình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất tập trung mang lại giá trị kinh tế cao, như: Vùng trồng cây ăn quả ở các thôn Lực Canh, Xuân Canh, Xuân Trạch và Văn Tinh; khu chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản tập trung (quy mô từ 1 đến 3ha).

"Xã cũng đang hỗ trợ 8/13 hộ nông dân thực hiện quy trình xây dựng mô hình cam Xuân Canh có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu, tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, xã có khoảng hơn 50% số lao động trong độ tuổi làm công nhân tại khu công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh", ông Nguyễn Văn Tạo thông tin.

Nhờ có việc làm, thu nhập ổn định, kinh tế khá giả, đời sống ngày một nâng cao, người dân Xuân Canh có điều kiện đóng góp tiền của, công sức để xây dựng quê hương. Chỉ tính từ năm 2016 đến năm 2019, nhân dân Xuân Canh đã ủng hộ hàng chục tỷ đồng, hiến hàng trăm mét vuông đất ở, đất nông nghiệp để làm đường, xây dựng nhiều công trình phúc lợi công cộng, công trình văn hóa... của địa phương. Đến nay, 100% tuyến giao thông khu dân cư, liên thôn, liên xã ở Xuân Canh đã được bê tông hóa; đường trục chính giao thông nội đồng được cứng hóa.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Canh Nguyễn Văn Tạo, hiện thu nhập bình quân ở Xuân Canh khá cao, gần 60 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã sẽ vận động các hộ gia đình, hợp tác xã tích cực chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang những mô hình trồng cây, chăn nuôi có ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo giá trị kinh tế cao, tăng nguồn thu nhập, nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc ở Xuân Canh