Chuyện về những tỷ phú nhà nông

Ngọc Quỳnh| 11/01/2020 07:51

(HNM) - Khi mùa xuân chạm vào từng căn nhà, góc phố, làng quê thì cũng là lúc những tỷ phú nhà nông ở các vùng ngoại thành Hà Nội tất bật với những đơn hàng cùng thành quả sau một năm vất vả và cả những kế hoạch cho tương lai.

Chăm sóc cây bưởi cảnh tại xã Kim An (huyện Thanh Oai). Ảnh: Giang Sơn

Nỗ lực vượt khó vươn lên

Những ngày đầu năm 2020, chúng tôi về thăm trang trại chăn nuôi của tỷ phú Nguyễn Văn Thanh ở xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa). Ông bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về một bản hợp đồng cung cấp thịt lợn cho một siêu thị trên địa bàn thành phố vừa được ký xong. Thế nhưng, để có được bản hợp đồng trên, không phải ai cũng hiểu được ông đã trải qua những khó khăn thế nào.

Qua câu chuyện, chúng tôi mường tượng về những ngày đầu ông bắt đầu sự nghiệp. Năm 2000, ông Thanh nhận thầu 8,84ha, xây dựng 72.000m2 chuồng trại tổng hợp, vừa nuôi lợn nái để bán giống, vừa chăn nuôi lợn thịt thương phẩm và ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam để cung ứng thức ăn cũng như dịch vụ về chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, thời điểm đó, vốn liếng không nhiều nên vẫn chăn nuôi nhỏ, chủ yếu “lấy công làm lãi”. Nhận thấy mình có cơ duyên với công việc này nên năm 2006, ông Thanh tiếp tục vay mượn ngân hàng, bạn bè, dồn lực đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn. Cùng với đó, ông còn thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ với 36 hộ nuôi lợn. Hợp tác xã đã áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, hiện đại từ khâu sản xuất con giống, cung ứng thức ăn đến tiêu thụ sản phẩm.

“Từ mô hình chăn nuôi khép kín này, hợp tác xã ngày càng phát triển, đến nay đã có 22ha trang trại với 3.000 lợn nái, 70.000 lợn thương phẩm, mỗi năm cung cấp khoảng 3.000 tấn thịt lợn hơi cho thị trường Hà Nội. Năm 2019, bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, việc bảo toàn đàn lợn vất vả hơn, nhưng vì kiểm soát chặt chẽ được quy trình chăn nuôi nên hợp tác xã không bị thiệt hại. Dự kiến, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, hợp tác xã sẽ cung cấp khoảng 500 tấn thịt lợn hơi cho thị trường” - ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.

Không chút đắn đo khi nói về “người hùng” trong chăn nuôi của huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho rằng, ông Nguyễn Văn Thanh là điển hình tiên tiến về nghị lực vươn lên làm giàu. Mô hình trang trại chăn nuôi của ông đã thu hút nông dân nhiều địa phương tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Thực tế, nghề chăn nuôi không bao giờ dễ dàng, luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nhưng với bí quyết "nhà nghề" cùng mô hình đầu tư theo chuỗi khép kín nên liên tiếp những năm qua, trong khi các hộ chăn nuôi khác gần như kiệt quệ bởi "cơn bão" giảm giá mạnh và bệnh Dịch tả lợn châu Phi, thì trang trại của ông Thanh vẫn phát triển. Mỗi năm, doanh thu của hợp tác xã đạt hơn 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 60 lao động với mức lương bình quân quân 6 triệu đồng/người/tháng…

Rời xã Vạn Thái, chúng tôi tới thăm vườn bưởi của một trong những đại gia “chân đất” ở xã Kim An (huyện Thanh Oai). Bên vườn bưởi cảnh sai trĩu quả, chúng tôi được nghe ông Nguyễn Văn Mùa kể về những tháng ngày đầy vất vả của cả gia đình. Cách đây 12 năm, gia đình ông bắt tay vào trồng hơn 1ha cam Canh, sau nhiều năm thu hoạch, cây gần như bị thoái hóa bởi sâu bệnh. Đến năm 2015, ông Mùa quyết định chặt bỏ toàn bộ số cam này, chuyển sang trồng bưởi Diễn cảnh. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm nên phải chấp nhận không ít thất bại. Nhưng không chịu dừng bước, ông mày mò, học, cập nhật kiến thức tại các lớp hướng dẫn kỹ thuật do huyện tổ chức và tìm tòi, tham khảo sách chuyên ngành... Từ đó, ông biết cách tạo thế đẹp cho cây bưởi, quả nhuốm màu vàng óng và hội tụ đầy đủ những yếu tố của cây trưng bày trong ngày Tết theo thị hiếu khách hàng…

“Dịp Tết Nguyên đán năm nay, thời tiết thuận lợi nên bưởi cho màu đẹp và sai quả. Dự kiến, giá bưởi cảnh cũng sẽ cao hơn khoảng 5-10% so với năm ngoái. Hiện, vườn bưởi gần 300 gốc đã bán gần hết cho khách đến mua tại vườn, còn khoảng 30 gốc sẽ bán từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020…" - ông Nguyễn Văn Mùa hồ hởi chia sẻ niềm vui.

Về mô hình trồng bưởi Diễn cảnh của ông Nguyễn Văn Mùa, Phó Chủ tịch UBND xã Kim An Nguyễn Văn Hải nhận xét: "Nhạy bén với nhu cầu tiêu dùng, khi cam Canh trở nên bão hòa, ông Nguyễn Văn Mùa là một trong những người đầu tiên trong xã chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn cảnh. Mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế, cho thu nhập từ 2,5 đến 3 tỷ đồng/năm".

Nối dài những dự án mới

Dám nghĩ, dám làm, chịu thương, chịu khó và đã gây dựng được "thương hiệu" trên thương trường, nhưng không chịu bằng lòng với những gì đã có, những nông dân "đại gia" vẫn đau đáu về những dự án dài hơi cần hiện thực hóa trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ đề nghị được tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn vay, mở rộng quy mô sản xuất trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, tiến tới xây dựng lò mổ, khu cấp đông để cung cấp thực phẩm theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. "Chúng tôi mong các cơ quan chức năng nghiên cứu, có cơ chế cho các tổ chức, cá nhân được thuê đất dài hạn, giúp các hợp tác xã yên tâm đầu tư phát triển sản xuất… " - ông Nguyễn Văn Thanh đề xuất.   

Còn với Lê Tiến Thành (sinh năm 1992) - một trong những người trẻ thành đạt của xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) thì ước muốn năm tới là thuê được khoảng 1ha đất nông nghiệp để xây dựng trang trại sản xuất nấm khép kín. Anh Thành đã đầu tư gần 2 tỷ đồng, xây dựng trang trại chế biến nấm ăn và nấm dược liệu cung cấp cho các siêu thị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Anh Thành thông tin, những tháng ngày chật vật học hỏi kinh nghiệm về kinh doanh, sản xuất nấm đã qua, giờ thì trung bình mỗi tháng cơ sở của anh có thể cung cấp khoảng 8 tấn nấm ra thị trường… Vào dịp Tết Nguyên đán, lượng hàng sẽ tăng thêm 10%.

"Tôi mong được vay thêm vốn ưu đãi để mở rộng quy mô trang trại, đầu tư các hạng mục theo hướng đồng bộ, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, với mục tiêu mỗi tháng cung cấp khoảng 20 tấn nấm ra thị trường..." - Lê Tiến Thành nói.

Để tiếp sức cho những tỷ phú nhà nông, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2020, Sở sẽ đề xuất thành phố ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của hợp tác xã, người dân về nguồn vốn; đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đưa công nghệ cao vào sản xuất, phát triển chuỗi, liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ... Từ đó tạo động lực mới để các vùng quê có thêm nhiều tỷ phú, tạo việc làm cho lao động địa phương và góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, góp phần giúp vùng nông thôn Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những tỷ phú nhà nông