Đổi thay ở làng cổ Xuân Lai

Minh Phú| 03/01/2020 07:48

(HNM) - Thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn) là một làng cổ, người dân có truyền thống làm nông nghiệp. Những năm gần đây, nhờ có nghề mới, Xuân Lai chuyển mình nhanh chóng, đời sống người dân ngày một nâng cao.

Ảnh minh họa.

Nằm ven sông Cà Lồ, Xuân Lai là một làng cổ có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Ở vùng đất này hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà và công trình kiến trúc cổ như đình, chùa... Theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thu Nguyễn Thái Bình, xã có 3 thôn: Thu Thủy, Xuân Lai, Yên Phú với 2.558 hộ dân. Trong đó, thôn Xuân Lai đông dân nhất với 1.560 hộ. Xuân Lai trước đây có nghề nấu rượu, chăn nuôi và giỏi trồng trọt. Ngày nay, nghề nấu rượu giảm mạnh, nghề nông ở Xuân Lai phát triển khá hiệu quả.

Riêng với trồng trọt, ngoài hai vụ lúa, người dân Xuân Lai còn làm vụ đông với cây chủ lực là khoai tây, cho thu nhập cao. Trên cánh đồng ven trục đường về xã, bà Đinh Thị Nguyệt (thôn Xuân Lai) vừa chăm sóc ruộng khoai tây xanh tốt vừa chia sẻ với chúng tôi: “Trong thôn, nhiều nhà trồng khoai tây diện tích lớn. Nhà tôi neo người nên chỉ trồng 2 sào. Để chuẩn bị cho vụ đông, gia đình đã ủ phân gà hoai mục bón lót nên khoai phát triển tốt. Dự kiến vụ khoai năm 2019, mỗi sào khoai sẽ có sản lượng khoảng 6 tạ củ". Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thái Bình, cả thôn Xuân Lai hiện có khoảng 20ha khoai tây. Năm 2019, ít mưa rét nên khoai phát triển tốt. Dự kiến, bà con thu hoạch khoai trước Tết Nguyên đán Canh Tý để kịp quay vòng sản xuất vụ xuân.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, khoảng 8 năm trở lại đây, người dân Xuân Lai còn phát triển nghề mộc, giúp đời sống nhân dân thay đổi căn bản. Thôn Xuân Lai kề cận các xã: Liên Hà, Thụy Lâm (huyện Đông Anh) là nơi có nghề mộc phát triển.

Ban đầu, người dân Xuân Lai đến những địa phương này làm thuê. Dần dần, tay nghề vững, các hộ về quê mở xưởng sản xuất riêng. Theo Trưởng thôn Xuân Lai Hoàng Quang Cậy, hiện nay thôn có 700 hộ làm nghề mộc, chiếm khoảng 1/2 số hộ toàn thôn. Trong đó, gần 300 hộ có xưởng sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại theo hướng chuyên môn hóa, thuê thêm nhiều nhân công. Tính bình quân, thu nhập từ nghề mộc khoảng 10-12 triệu đồng/người/tháng; những hộ làm chủ xưởng, thu nhập cao hơn nhiều...

“Đơn cử như anh Hoàng Văn Chiến ở xóm giữa vừa sản xuất trực tiếp, vừa thu gom bàn ghế thành phẩm từ các hộ trong thôn, đưa đi các nơi tiêu thụ, doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng. Ở thôn Xuân Lai, hộ gia đình trẻ, năng động, thu nhập tiền tỷ mỗi năm như anh Chiến không phải là hiếm. Tất cả đều nhờ nhanh nhạy phát triển nghề phụ”, Trưởng thôn Xuân Lai Hoàng Quang Cậy dẫn chứng.

Nhận xét về địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thu Nguyễn Thái Bình cho hay, so với các thôn khác trên địa bàn xã, người dân thôn Xuân Lai có thu nhập ổn định, kinh tế phát triển bền vững. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân trên địa bàn thôn là 48,8 triệu đồng/người/năm.

Mặc dù kinh tế phát triển nhưng ở thôn Xuân Lai, hầu hết các hộ có nghề mộc vẫn đang sản xuất trong khu dân cư với diện tích chật chội, bị bó hẹp sản xuất, ảnh hưởng không tốt tới môi trường… Mong muốn của người dân Xuân Lai là chính quyền và các cơ quan chức năng sớm có điểm sản xuất tập trung để đưa sản xuất ra xa khu dân cư. Đặc biệt, Xuân Lai vốn là ngôi làng cổ, do vậy, cùng với việc nâng cao đời sống, người dân Xuân Lai hy vọng những ngôi nhà cổ được bảo tồn bài bản trong sự phát triển hài hòa với xu thế đô thị hóa hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở làng cổ Xuân Lai