Bước chuyển mạnh mẽ ở các làng quê

Nguyễn Mai| 01/01/2020 07:57

(HNM) - Đến nay, Hà Nội đã có 6 huyện, 355 xã (91,9%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt kế hoạch trước hai năm so với mục tiêu. Đây là tiền đề quan trọng, tạo đà thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội vươn lên tầm mức mới, đạt được nhiều thành tựu lớn hơn trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Nông thôn mới nâng cao của Hà Nội đang tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ ở các làng quê ngoại thành.

Người dân xã Kim An (huyện Thanh Oai) thu hoạch cam. Ảnh: Giang Sơn

Những bước chuyển tích cực

Xã Kim An (huyện Thanh Oai) những ngày cuối năm 2019, người dân rộn ràng vào vụ thu hoạch cam. Sản phẩm cam Kim An được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Cam đường Kim An”. Nhờ trồng cam, nhiều hộ dân có thu nhập, cải thiện cuộc sống. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Kim Thụ, thôn Tràng Cát (xã Kim An) có hơn 300 gốc cam, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Kim An Đoàn Văn Huỳnh phấn khởi nói: "Với hơn 206ha đất nông nghiệp, xã đã hình thành vùng trồng cây ăn quả với diện tích 130ha, vùng rau an toàn 20ha, diện tích còn lại trồng lá dong, nhờ đó đời sống người dân ngày càng khởi sắc. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 52,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%".

Rời Kim An đến xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), vùng nông thôn trù phú đang từng bước chuyển mình từ nông nghiệp thuần túy sang phát triển du lịch, dịch vụ. Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, cuối năm 2018 xã được công nhận là điểm du lịch của thành phố. Năm 2019, xã đã đón hơn 7 vạn lượt khách về tham quan, trải nghiệm đời sống nông thôn, mang lại nguồn thu hơn 10 tỷ đồng...

Đó là hai trong số nhiều địa phương trên địa bàn thành phố xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trên cơ sở tiêu chí chung, các xã đã tìm cho mình hướng đi riêng, cách làm riêng để đến đích cuối cùng là xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng phong phú.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, năm 2019, Hà Nội có 26 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thời điểm hiện tại, thành phố đã đánh giá, chấm điểm và có 8 xã đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn, gồm: Liên Hà, Tân Hội, Trung Châu, Phương Đình, Đồng Tháp và Tân Lập (huyện Đan Phượng); Kim An (huyện Thanh Oai) và Hồng Vân (huyện Thường Tín).

Cùng với 3 xã của huyện Đan Phượng (Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung) đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018, đến nay thành phố có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nâng tầm xã nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Trên tinh thần đó, Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai, thực hiện.

Dựa vào kết quả thực hiện 19 tiêu chí (như bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới), tháng 8-2018, Hà Nội đã ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020 với những yêu cầu cao hơn. Ví như, với tiêu chí thu nhập, “thu nhập bình quân đầu người phải cao gấp 1,2 lần trở lên so với quy định của thành phố Hà Nội tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.

Hay tiêu chí trường học quy định, "cả 3 cấp trường đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có tối thiểu 1 cấp trường mầm non hoặc tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học". Rồi "tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn dưới 1%"... Bộ tiêu chí cũng đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó có thêm tiêu chí về cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp...

Qua thực tế triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương, Chủ tịch UBND xã Kim An Đoàn Văn Huỳnh cho biết, xã đã rà soát từng tiêu chí, đánh giá đúng thực trạng để có giải pháp thực hiện. Năm 2019, yêu cầu đối với xã nông thôn mới nâng cao là, thu nhập bình quân đầu người phải lớn hơn hoặc bằng 54 triệu đồng/người/năm...

Do vậy, Kim An đã tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Xã tạo điều kiện cho các hộ khó khăn, hộ chính sách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Nếu như năm 2018, thu nhập bình quân của xã là 43 triệu đồng/người/năm thì đến 2019 đã đạt 52,4 triệu đồng/người/năm, cơ bản đạt tiêu chí.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới nâng cao, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng thông tin, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã đặt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành xã “du lịch, sinh thái, làng nghề”.

Để thực hiện mục tiêu này, xã quy hoạch không gian sáng, xanh, sạch, đẹp; giữ gìn vệ sinh môi trường; tổ chức các hội chợ, hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương. Đồng thời, phát động và triển khai 2 phong trào: Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp và xây dựng người Hồng Vân thân thiện, mến khách...

Đan Phượng là một trong những huyện dẫn đầu thành phố về xây dựng nông thôn mới nâng cao với 9/15 xã đạt chuẩn. Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch, ban hành đề án và có mức hỗ trợ cho các xã như: Xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố; hỗ trợ kinh phí gắn biển chỉ dẫn, tên đường và biển số nhà trên địa bàn huyện; hỗ trợ 500 triệu đồng/xã để thực hiện các dự án nông thôn mới nâng cao...

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn thành phố phấn đấu đến hết năm 2020, có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội tiếp tục tham mưu cho thành phố có những hỗ trợ cụ thể để các huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ, nâng tiêu chí, nâng chất lượng xã nông thôn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước chuyển mạnh mẽ ở các làng quê