Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai

Kim Nhuệ| 30/12/2019 08:40

(HNM) - Thực hiện chỉ đạo của thành phố, năm 2019, nhiều địa phương thuộc Hà Nội đã tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Thông qua hoạt động này, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng và người dân đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai…

Thuộc khu vực thấp, trũng và thường chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, xã Hoàng Văn Thụ là một trong 10 xã ở vùng trọng điểm về thiên tai của huyện Chương Mỹ. Mặc dù năm nào xã cũng lập kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai nhưng do kinh phí còn khó khăn nên chưa tổ chức diễn tập công tác phòng, chống thiên tai... Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Lê Trung Hà chia sẻ, chưa được luyện tập, thực hành phương án nên một số thành viên trong lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai của xã không nắm được kỹ năng phát hiện sự cố và hộ đê, sơ cấp cứu người bị nạn… Còn người dân cũng chưa biết hướng xử lý để tự bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của gia đình, cộng đồng…

Để tăng cường tính chủ động, kịp thời ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, vừa qua, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã phối hợp với các xã thuộc huyện Chương Mỹ (gồm Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Hữu Văn, Quảng Bị, Mỹ Lương) tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai năm 2019. Với tình huống giả định, do ảnh hưởng của mưa, bão nên một số khu vực tại các xã trên bị ngập úng, sạt lở, vỡ đê. Bám sát kịch bản, các lực lượng tham gia diễn tập đã thực hành về công tác thông tin liên lạc, cảnh báo thiên tai cho cộng đồng; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra các công trình phòng, chống thiên tai, nơi trọng điểm, xung yếu; hướng dẫn sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; xử lý sự cố tràn và sạt trượt mái đê hữu Bùi…

Ông Trần Văn Tĩnh ở xã Hoàng Văn Thụ cho biết, trước đây, mỗi khi di dời tài sản, người dân thường mang tất cả những gì có thể, trong đó có cả vật dụng cồng kềnh. Nhưng sau khi tham gia diễn tập phòng, chống thiên tai, tôi và bà con đã thay đổi quan niệm. “Tài sản, vật dụng thì nên kê cao lên. Mình chỉ mang theo những thứ cần thiết, càng đơn giản càng tốt. Tính mạng quan trọng hơn…”, ông Trần Văn Tĩnh nói.

Về phía chính quyền, việc thực hành diễn tập phòng, chống thiên tai đã giúp bộ phận chuyên môn có thêm kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức và triển khai các phương án ứng phó… “Buổi diễn tập đã giúp cho xã nhiều kinh nghiệm liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, đặc biệt là kỹ năng truyền tin cảnh báo thiên tai…”, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Lê Trung Hà cho biết.

Cùng với huyện Chương Mỹ, nhiều địa phương khác cũng tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Nói về hiệu quả công tác diễn tập phòng, chống thiên tai, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết: Huyện đã rút ra nhiều bài học, trong đó, đặc biệt là công tác phối hợp và phân công lực lượng làm nhiệm vụ hộ đê, di dời người và tài sản, bảo đảm an ninh trật tự... 

Theo Phó Trưởng phòng Phòng, chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai (Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội) Nguyễn Vinh Nguyên, diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nội dung đặc biệt quan trọng trong kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các quận, huyện, thị xã… Năm 2019, Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội đã phối hợp, tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai với sự tham gia của 3.150 người là cán bộ và nhân dân 90 xã thuộc các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Ứng Hòa… Phát huy hiệu quả công tác này, năm 2020, đơn vị sẽ tham mưu với các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức diễn tập công tác phòng, chống thiên tai cho các địa phương còn lại trên địa bàn thành phố…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai