Đan Phượng: Sáng tạo xây dựng nông thôn mới nâng cao

Nguyễn Mai| 27/12/2019 07:37

(HNM) - Đan Phượng là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới (năm 2014). Đến nay, huyện tiếp tục dẫn đầu thành phố trong xây dựng nông thôn mới nâng cao với 9/15 xã đạt chuẩn. Để đạt được kết quả ấn tượng đó, Đan Phượng đã có nhiều cách làm sáng tạo...

Những ai đã từng đến khu vực hồ nước trước trụ sở UBND xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) sẽ cảm nhận được không khí vui tươi, thanh bình của người dân khi tại đây thường xuyên có nhiều người đi bộ, tập thể dục. Ông Nguyễn Bá Lộc ở thôn Đoài (xã Liên Hà) cho biết, địa phương đã cải tạo hồ, dựng lan can bảo vệ, trồng cây xanh, lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao... khiến bà con rất phấn khởi.

Theo Chủ tịch UBND xã Liên Hà Lê Thị Tuyết, triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao vẫn trên cơ sở 19 tiêu chí như nông thôn mới nhưng các chỉ tiêu đều đòi hỏi cao hơn. Liên Hà xác định bên cạnh mũi nhọn phát triển kinh tế, xã đầu tư cải tạo cảnh quan môi trường để người dân có đời sống ngày càng tốt hơn. Trên tinh thần đó, xã Liên Hà đã xây dựng kế hoạch cải tạo các ao, hồ hiện có kết hợp xây dựng vườn hoa. Đến nay, xã đã hoàn thành cải tạo 2 ao, hồ với số tiền đầu tư 14 tỷ đồng; xây dựng 1 vườn hoa, khu vui chơi công cộng trị giá 1,5 tỷ đồng... Đến hết năm 2019, xã Liên Hà đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Sự đổi thay tích cực cũng đang đến với nhiều xã khác trên địa bàn huyện. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện chỉ đạo các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến hết năm 2018, có 3 xã: Liên Trung, Song Phượng và Đan Phượng đã hoàn thành - đây cũng là 3 xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của thành phố Hà Nội. Phát huy vị thế dẫn đầu, năm 2019, huyện tiếp tục triển khai, nhân rộng và đã có thêm 6 xã đạt chuẩn, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 9/15 xã.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng chia sẻ: "Mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao được huyện khái quát thành khẩu hiệu: “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”. Từ đó, huyện đã biến mục tiêu thành hiện thực, tạo đột phá trong nông thôn mới nâng cao".

Cụ thể, để nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, huyện triển khai đề án “Xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020”. Huyện hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho các nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với mức từ 4 đến 5 triệu đồng/nhà văn hóa. Hiện tại, các nhà văn hóa đã có quy chế hoạt động, chất lượng phục vụ ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân.

Năm 2019, với những xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Đan Phượng hỗ trợ 500 triệu đồng/xã để thực hiện các dự án. Phong trào trồng cây xanh, vẽ bích họa tiếp tục được triển khai. Đến nay, mỗi xã đã có từ 1 đến 2 tuyến đường trồng hoa, cây xanh, vẽ bích họa. Huyện cũng đầu tư xây dựng 56 ao môi trường, lắp đặt hệ thống chiếu sáng đến các đường trục thôn, ngõ xóm.

Đến nay, Đan Phượng đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch, hỗ trợ kinh phí 550 triệu đồng để gắn biển chỉ dẫn, tên đường, biển số nhà. Chủ trương, cách làm này của huyện đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân. Theo đó, người dân các địa phương đã chung tay hoàn thành các phần việc để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Điển hình như xã Tân Hội, riêng việc gắn biển số nhà, nhân dân trong xã đóng góp 263 triệu đồng; năm 2019, toàn xã vẽ được 1.024m2 tranh tường; trồng hơn 200 chậu hoa với số tiền hơn 250 triệu đồng...

“Những công trình hạ tầng được đầu tư khang trang đang tạo niềm tin và khí thế phấn đấu trong nhân dân; khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao” - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội Trần Quang Anh khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đan Phượng: Sáng tạo xây dựng nông thôn mới nâng cao