Sức vươn của miền sơn cước Thủ đô

Triệu Dương| 27/12/2019 06:28

(HNMCT) - Trong những năm qua, các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo được triển khai hiệu quả, góp phần mang đến sức sống mới cho 14 xã khu vực miền núi của các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, nơi có hơn 90.000 đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống... Mỗi đổi thay cũng ghi dấu sự vươn lên của chính người dân nơi đây.

Toàn cảnh Ba Vì hôm nay.

Bức tranh kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc

Xã An Phú, huyện Mỹ Đức được biết đến là một trong những xã cuối cùng ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn của thành phố Hà Nội vào năm 2018. Kể từ khi hạ tầng được đầu tư đồng bộ, có đường sá phát triển là giao thương nhộn nhịp, những mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều, đời sống nhân dân ở những bản làng người Mường của xã An Phú đổi thay trông thấy, không còn những con đường đất lầy lội, những căn nhà xiêu vẹo hễ cứ mưa giông là chực chờ bị gió cuốn đi...

Trưởng thôn Thanh Hà Lê Văn Tiến cho biết, Thanh Hà vốn là thôn đặc biệt khó khăn của xã An Phú. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của Thành phố, đến nay hạ tầng thiết yếu của thôn đã cơ bản đồng bộ, đặc biệt là tuyến đường từ trung tâm xã đến thôn được bê tông hóa giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Trước đây, đồng bào Mường nơi đây chỉ trông vào mảnh ruộng mà cứ đến tháng 7, tháng 8 hằng năm khi nước lũ đổ về, lại ngập trắng. Ruộng canh tác được 1 vụ, lại không có nghề phụ nên cảnh nghèo vẫn đeo bám An Phú mà chưa thể đổi thay trù phú như cái tên của xã. Thế nhưng giờ đây, người dân trong thôn đã được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, nhiều mô hình trang trại hình thành giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước ổn định đời sống.

Ngược lên với những bản người Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì càng nhận thấy rõ sức vươn nơi miền sơn cước của Thủ đô. Theo thống kê, xã Ba Vì có đến 98% dân số là người dân tộc Dao. Nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội, mấy năm gần đây, cơ sở hạ tầng của xã bước đầu được nâng cấp với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. 90% hệ thống đường sá đã được cứng hóa; hệ thống thủy lợi được đầu tư; trường học được xây dựng khang trang; trạm y tế đạt chuẩn.

Người dân nơi đây không chỉ phát triển sản xuất nông nghiệp mà còn có nghề thuốc nam đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, điển hình như gia đình ông Lý Văn Phủ có thu nhập từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng/năm từ nghề thuốc nam gia truyền. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ về nhà ở, giống/vốn sản xuất để giảm nghèo. Hiện tại nghề làm thuốc nam của người Dao đã trở thành nghề truyền thống mũi nhọn của địa phương. Hằng năm người Dao Ba Vì vẫn đem thứ nghề đặc thù này đến các hội chợ và đi khắp các miền quê vừa để quảng bá sản phẩm vừa để bảo tồn và phát huy một nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Cũng như các xã Ba Vì, An Phú nêu trên, ở các xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì), xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai), Tiến Xuân (huyện Thạch Thất)..., bức tranh kinh tế - xã hội cũng đang có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành, trong 3 năm trở lại đây, thành phố đã đầu tư tới 850 tỷ đồng để thực hiện 47 dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, đến nay toàn thành phố giảm được hơn 2.600 hộ nghèo ở các xã miền núi, dân tộc thiểu số, đưa tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này giảm xuống còn 3,7%.

Trăn trở cho tương lai

Thu hoạch chè ở Ba Trại, Ba Vì.

Không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt ở vùng dân tộc thiểu số của Hà Nội, song câu chuyện sinh kế của đồng bào An Phú, Ba Vì cũng như các xã vùng dân tộc miền núi của Thủ đô vẫn là bài toán nan giải. Thực tế tại xã An Phú, tuy đã có nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiệu quả nhưng do nơi đây thường xuyên chịu hậu quả nặng nề của lũ rừng ngang nên người dân mong muốn tiếp tục được đầu tư cứng hóa kênh mương và giao thông. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền tiếp tục tạo điều kiện để bà con tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, được hỗ trợ thêm vốn vay từ ngân hàng chính sách và hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Còn tại xã Ba Vì, do diện tích đất nông nghiệp khá hạn hẹp nên mặc dù thu nhập từ nghề trồng, chế biến, chữa bệnh bằng cây thuốc nam chiếm gần 50% tổng số nguồn thu của xã nhưng nghề này cũng khó phát triển, mở rộng vì lý do thiếu đất trồng cây thuốc. Để các hộ có nguồn sinh kế tạo dựng cuộc sống ổn định hơn, lãnh đạo UBND xã Ba Vì kiến nghị quy hoạch vườn thuốc tập trung, ưu tiên bảo tồn các loại cây thuốc quý...

Có thể nói, những chủ trương, chính sách đúng hướng, kịp thời của Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội đã từng bước hỗ trợ cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào khu vực dân tộc miền núi. Tuy nhiên, những khó khăn nội tại vẫn khiến sinh kế của đồng bào còn “chông chênh”. Bởi vậy, miền sơn cước của Thủ đô vẫn cần được tiếp sức để phát huy và vươn lên mạnh mẽ hơn. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã phân tích, đánh giá nguyên nhân nghèo của từng hộ, từng địa phương, từ đó đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp. Với hướng đi này, mục tiêu toàn thành phố cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020 sẽ trở thành hiện thực.

Phải khẳng định, một trong những kết quả nổi bật trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của thành phố Hà Nội thời gian qua là công tác lãnh đạo và chỉ đạo. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô. Trên cơ sở đó, HĐND và UBND Thành phố đã ban hành nghị quyết và kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện: Giai đoạn 2014 - 2019 Thành phố đã bố trí gần 1.700 tỷ đồng đầu tư 250 công trình phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào sinh sống trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi Thủ đô. Đó là những con số biết nói, cho thấy thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc một cách bài bản, căn cơ; có trọng tâm, trọng điểm; chính sách đi liền với ngân sách; phân cấp mạnh, có sự giám sát của người dân, hướng tới lợi ích của cộng đồng.

Đánh giá về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ, Thành phố Hà Nội đã quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị 40/CT-TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Giai đoạn vừa qua Thành phố đã bố trí gần 2.500 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho 7.300 lượt hộ dân tộc thiểu số, hộ yếu thế vay phát triển sản xuất và giải quyết một số yêu cầu bức thiết trong cuộc sống. Đồng thời, bố trí hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Đó là cách làm đúng đắn, hài hòa, có lý có tình, sát với thực tiễn, hợp lòng dân...

Trong bối cảnh khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển, cơ sở hạ tầng giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang có chiều hướng gia tăng thì riêng thành phố Hà Nội, khoảng cách về mức sống và trình độ phát triển giữa địa bàn vùng dân tộc và miền núi so với nông thôn đồng bằng của thành phố đã dần được thu hẹp. Đó thực sự là những tín hiệu vui trước thềm năm mới 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức vươn của miền sơn cước Thủ đô