Một nét văn hóa mới ở nhiều vùng quê

Huyền – Dương| 21/12/2019 06:53

(HNM) - Những năm gần đây, cùng với việc tích cực triển khai tang văn minh, tiến bộ ở nhiều huyện, việc hỏa táng người đã khuất đã góp phần làm nên một nét văn hóa mới ở nhiều làng quê trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Khánh Hà (huyện Thường Tín) tổ chức hội nghị tuyên truyền thực hiện tang văn minh trên địa bàn xã.

Bà Ngô Hoa Vân ở thôn Vực, xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) chia sẻ: "Hồi giữa năm 2019, gia đình tôi có người thân qua đời. Nhận thấy việc địa táng mất rất nhiều thời gian, công sức, nên cả nhà thống nhất thực hiện tang lễ theo phương thức hỏa táng và thấy rất thuận tiện, đơn vị làm dịch vụ thực hiện nhanh, gọn...". Cũng như gia đình bà Vân, hiện ở xã Thanh Liệt đã có 100% người qua đời được thực hiện bằng hình thức hỏa táng.

Hiện nay, với nhiều cách làm, trong đó trọng tâm là thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về việc hỏa táng để người dân hiểu việc làm này văn minh, bảo vệ môi trường, giảm chi phí cho gia đình có người thân qua đời… Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, thành phố và huyện còn có cơ chế hỗ trợ cho hộ gia đình thực hiện hỏa táng người đã mất, nên đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. 

Tương tự, tại huyện Mê Linh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đặng Văn Cường cho biết, các địa phương trên địa bàn huyện thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền về hỏa táng trên hệ thống truyền thanh, trong các hội nghị của xã, thôn. Đặc biệt, khi hộ dân có người mất, cán bộ xã, thôn trực tiếp đến tận nhà để vận động và hỗ trợ gia đình liên hệ với đơn vị thực hiện dịch vụ hỏa táng...

Theo thống kê sơ bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, năm 2018, tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn thành phố là hơn 60%, dự kiến năm 2019 tăng cao hơn và giai đoạn 2020-2025 sẽ đạt hơn 65%. Những địa phương ở khu vực ngoại thành có tỷ lệ cao về hỏa táng có thể kể ra: Đông Anh gần 90%; huyện Thanh Trì đạt gần 66%, Mê Linh đạt hơn 54% (nhiều xã, thị trấn đạt tỷ lệ 78-100% như: Chi Đông, Kim Hoa, Tam Đồng…)...

Trao đổi thêm về việc này, Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua - chủ dự án Công viên Vĩnh Hằng Nguyễn Mạnh Thản khẳng định, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, những năm qua, tỷ lệ hỏa táng người đã mất đã tăng đáng kể. Năm 2019, số ca hỏa táng ở Công viên Vĩnh Hằng là hơn 10.000, trong đó có hơn 6.000 ca của người qua đời có hộ khẩu Hà Nội.

Việc thực hiện tang văn minh, tiến bộ đã tạo chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân ở nhiều làng quê, song tỷ lệ địa táng vẫn còn gần 40%. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh Đỗ Ngọc Bích, hỏa táng là việc làm khó vì đụng chạm đến phong tục, tập quán lâu đời của người dân địa phương... Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần nêu cao vai trò của mình trong việc vận động cộng đồng thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.

Đồng tình với quan điểm trên, ở góc độ cơ sở, Trưởng thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (huyện Đông Anh) Hoàng Đức Minh cũng nhấn mạnh đến các biện pháp tuyên truyền phải dễ hiểu, đến được với người dân để họ hiểu rõ lợi ích, ý nghĩa tích cực của việc làm này đối với đời sống xã hội. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hoa (huyện Mê Linh) Nguyễn Tiến Thược đề xuất, nên có hình thức hỗ trợ cơ sở mời báo cáo viên là những nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa lịch sử… để tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu về hỏa táng.

Thực hiện tang văn minh, tiến bộ và hỏa táng người đã mất là hết sức cần thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Do vậy, rất cần sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, sự đồng thuận của người dân đối với việc xóa bỏ các hủ tục, qua đó xây dựng những nét văn hóa mới ở các làng quê.

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Hán - Nôm 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một nét văn hóa mới ở nhiều vùng quê