Làng cổ Đông Khê

Bài và ảnh: Lam Viên| 19/12/2019 09:06

(HNMCT) - Trong ngôi làng cổ ấy là cả một hệ thống di sản quý giá bao gồm đình Đông Khê, chùa Đông Khê, đền Thanh Khê, cổng cũ, nhà cổ, giếng đá cổ độc đáo, những cây cổ thụ lên tới 900 năm tuổi... Ngôi làng như bản thân các di sản đã định danh kể trên, có tên là làng Đông Khê, ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

Người dân thôn Đông Khê nghỉ ngơi, thư giãn dưới bóng cây đại già 900 tuổi.

Dấu xưa còn đó

Đông Khê là ngôi làng Việt cổ tồn tại hàng nghìn năm trước Công nguyên, nay thuộc xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Theo huyền tích, vì làng Đông Khê nằm giữa 9 làng của vùng đất chim phượng đỏ, tức tổng Đan Phượng thượng, lại là nơi thần Tích Lịch Hỏa Quang giáng trần dẹp tà trừ dịch cho cả vùng từ thời Hùng Vương thứ 18, nên được vua Hùng giao cho trọng trách lập đền chính hương khói thờ thần Tích Lịch Hỏa Quang và được suy tôn là anh cả của 9 làng.

Đình Đông Khê chính là nơi thờ thần Tích Lịch Hỏa Quang. Có lẽ vì ngài xuất hiện cùng lúc với cơn sấm chớp giữa lúc dân làng đang lập đàn tế trời cầu cho bệnh dịch tiêu trừ nên đã ra đời duệ hiệu Thượng đẳng thần Tích Lịch Hỏa Quang. Sau đó, Thượng đẳng thần Tích Lịch Hỏa Quang từng linh ứng giúp nhà Trần, nhà Hậu Lê đánh thắng giặc xâm lược phương Bắc. Vua Trần từng phong Thần Tích Lịch là “Hào quang huyền hiệu, hộ quốc an dân, anh linh Thượng đẳng thần”. Cụ Nguyễn Xuân Tương, Phó Trưởng ban Quản lý di tích đình, chùa làng Đông Khê cho biết: “Trải qua biến thiên của lịch sử, ngôi đình Đông Khê, di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc cấp quốc gia, vẫn bảo tồn khá nguyên vẹn kiến trúc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Những mảng chạm khắc gỗ đặc sắc trong đình được họa theo nội dung huyền tích của vị thần Hào Quang. Đó là các mảng rồng mây bay lượn, tiên nữ múa vui; phía dưới là ba mặt trời tỏa ánh hào quang. Bên cạnh những kiến trúc cổ, trong đình còn lưu giữ khối lượng di vật phong phú gồm: Thần phả, sắc phong, hương án, hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị, bia đá... có giá trị lịch sử và mỹ thuật”.

Cùng với đình Đông Khê, cây đại cổ thụ ở xóm Ngõ Giữa là niềm tự hào của người dân nơi đây. Bà Nguyễn Thị Bao, một người dân xóm Ngõ Giữa cho biết, từ khi về làm dâu 50 năm trước, bà đã được nghe các cụ trong xóm kể về sự tồn tại của cây đại. Cây đại cổ thụ này đã được các chuyên gia của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam xếp hạng là cây đại thụ quý hiếm từ thời thượng cổ và xác định có tuổi đời khoảng 900 năm. Gốc cây có đường kính 1,3m, từ đó chĩa ra hai thân cây gồ ghề những u bướu mốc trắng, xanh rì do tầng tầng, lớp lớp địa y. Vào mùa xuân, từ bóng cây rộng khoảng 100m2 trổ ra những lớp lá xanh mướt. Những chùm hoa đại vàng cũng đâm bông, nở rộ, tỏa hương thơm ngát cả một vùng. Hết thu sang đông, cây đại già rụng hết lá, trơ ra những thân cành rêu phong, cổ lão.

Nói về di sản làng Đông Khê, không thể không nói tới giếng đá cổ của làng có niên đại từ thế kỷ XII. Giếng nằm ở xóm giữa, làm bằng đá xanh nguyên khối, khoét đục khá cầu kỳ theo kiểu chậu úp, được cho là ở xứ Đoài không có chiếc thứ hai. Cổ giếng cao 78cm, phần thành giếng cao 40cm, chân cao 38cm, đường kính giếng là 1,2m. Sát chân cổ giếng có 2 lượt đá xanh, tạo thành thềm giếng hình tròn. Lòng giếng gồm những thanh đá có mặt cắt hình chữ nhật, được chế tác hơi cong để tạo hình tròn cho giếng, xếp so le nhau xuống tận đáy giếng. Những thanh đá này tạo thành lòng giếng vững chắc và có tác dụng như một bộ lọc nước. Hiện tại, nước giếng vẫn rất trong, chất lượng nước tốt. Bên trong, phía trên miệng giếng, người xưa đã đục những rãnh nhỏ liền nhau, song song chạy dọc xuống, có mặt cắt hình chữ V. Đây là kỹ thuật làm cho cổ giếng bền vững không bị nứt vỡ trong điều kiện thời tiết thay đổi. Theo ông Tạ Đăng Sáng, cán bộ văn hóa xã Đan Phượng, thời gian qua, các nhà khoa học đã về khảo sát giếng làng và chưa thể đoán định chắc chắn được tuổi của chiếc giếng cổ này. Còn các cụ trong làng thì cho rằng, giếng làng có trước cả cây đại cổ thụ ở Ngõ Giữa.

Bảo lưu “báu vật” ngàn đời

Bà Nguyễn Thị Bao, người có nhà liền kề cây đại cổ thụ thuộc xóm Ngõ Giữa là một trong hai người cung tiến mảnh đất 28m2 vốn là một phần ao gần gốc đại để tôn tạo không gian xung quanh cây đại quý hiếm này. Theo bà Bao, có năm mưa lũ, phần bờ ao bị sạt lở khiến rễ cây trơ ra. Vì thế, gia đình bà cùng một hộ liền kề đã quyết định hiến tổng cộng gần 50m2 phần đất ao quanh gốc đại để tôn tạo không gian, cảnh quan cho cây đại cổ thụ. Gần đây, người làng còn đóng những thanh sắt vững chãi làm giá đỡ để thân cây khỏi sà xuống đường. Bà con còn cung tiến hàng chục chiếc ghế đá đặt quanh gốc cây làm nơi nghỉ ngơi cho người làng. Cây đại được dân làng gìn giữ, bảo vệ như một báu vật. Tương tự cây đại cổ, giếng đá cổ từ lâu cũng được chính quyền xã Đan Phượng bảo vệ bởi hàng rào sắt hình bát giác khá vững chắc. Việc bảo tồn, tôn tạo các di sản, đình, chùa Đông Khê luôn được chính quyền và người dân quan tâm, cùng thực hiện. Vì thế, đến nay, dù đã trải qua nhiều thế kỷ cũng như nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, nhưng đình, chùa Đông Khê vẫn giữ gìn được gần như nguyên vẹn những dấu ấn kiến trúc đặc trưng.

Hằng năm, lễ hội truyền thống làng Đông Khê được tổ chức vào các ngày 11 - 13 tháng Ba âm lịch. Các nghi lễ trong lễ hội vẫn được thực hành theo nếp truyền thống với sự chuẩn bị chu đáo từ việc lựa chọn thành viên ban tế, người viết văn, đội rước kiệu... Ông Tạ Đăng Sáng, cán bộ văn hóa xã Đan Phượng cho biết, bên cạnh phần lễ, dân làng Đông Khê cũng tổ chức phần hội với các trò chơi dân gian như: Đánh đu, leo cầu ao trước cửa đình, bắt vịt, thả chim bồ câu, chơi gà chọi, cờ bỏi, cờ người, thổi cơm thi, nấu bánh đúc, bánh tẻ... Các hoạt động này thường xuyên thu hút đông đảo nhân dân Đông Khê và du khách gần xa về dự hội.

Mặc dù xã Đan Phượng nằm trong vùng có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh song nhờ nhận thức rõ giá trị văn hóa, lịch sử quý giá cùng với những nguy cơ xâm hại, chính quyền và người dân nơi đây đã thực hiện nhiều biện pháp bảo tồn, tôn tạo di sản. Song song với đó, xã cũng lên kế hoạch phát huy giá trị di sản nhằm thu hút du khách về tham quan, vãng cảnh tại quê hương Đan Phượng giàu tiềm năng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng cổ Đông Khê