Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang lễ: Chuyển biến từ nhận thức của người dân

Lam Giang| 12/12/2019 09:07

(HNMCT) - Những năm gần đây, nhờ những cách làm hay, dân vận khéo, việc thực hiện tang văn minh ở các huyện ngoại thành có những chuyển biến tích cực, đặc biệt nhận thức, ý thức của người dân đã thay đổi rõ nét. Thực tế ghi nhận ở huyện Đan Phượng và Hoài Đức cho thấy, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục thì sự nêu gương của cán bộ, đảng viên chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy thực hiện tang lễ văn minh ở các địa phương này.

Những cách làm hay

Nói về việc thực hiện tang văn minh, ông Tạ Văn Huế, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Thu Quế (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng) cho biết, trước kia, chuyện hỏa táng được xem là điều "cấm kỵ" đối với nhiều người dân, nhất là những người cao tuổi. Khi có tang lễ, gia chủ phải lo chuyện cỗ bàn ăn uống cùng các tập tục không những gây lãng phí, tốn kém mà còn ồn ào, ảnh hưởng tới xóm giềng. Tuy nhiên, kể từ khi xã Song Phượng đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất nâng lên rõ rệt, nhận thức của bà con cũng có nhiều thay đổi, do đó việc thực hiện nếp sống văn minh, trong đó có việc tang cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Tranh thủ các hoạt động của thôn, Chi ủy, Ban Công tác mặt trận kết hợp với các tổ chức đoàn thể đã lồng ghép tuyên truyền tới các hội viên và nhân dân các nội dung tang văn minh. Mỗi khi trong thôn có người qua đời, các cán bộ thôn, đoàn thể đến thăm hỏi, hỗ trợ tổ chức tang lễ, rồi vừa nắm tình hình vừa làm công tác tư tưởng, chỉ rõ sự tốn kém tiền của, công sức, đất đai và ô nhiễm môi trường của tập quán chôn cất, cải táng theo cách cũ, rồi vận động thực hiện tang lễ theo cách mới. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần người dân cũng nhận thấy nét tiến bộ của tang lễ văn minh và làm theo, đến nay trong thôn đã có 83% số ca qua đời thực hiện hỏa táng. Bà Tạ Thị Kim Lân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Song Phượng, huyện Đan Phượng cho biết, nhiều hủ tục trong tang lễ cũ cơ bản đã được đẩy lùi. Đến hết tháng 11 năm nay, toàn xã có khoảng 70% đám tang thực hiện hỏa táng và tang văn minh.

Còn ông Nguyễn Tiến Phú, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Minh Khai, huyện Hoài Đức thì thẳng thắn chia sẻ: “Từ trước năm 2015, việc vận động người dân trong xã thực hiện tang văn minh rất khó khăn, mỗi năm chỉ có vài trường hợp hỏa táng. Song chúng tôi vẫn kiên trì vận động, nhấn mạnh tới tính khoa học, văn minh, lợi ích về chi phí, công sức trong việc thực hiện hỏa táng, đặc biệt là với đối tượng người cao tuổi nên người dân dần chuyển biến về nhận thức”.

Ông Nguyễn Duy Lại, Trưởng thôn Minh Hiệp 2, xã Minh Khai kể, do quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”, không có mặt không được nên chỉ việc đào huyệt cho người quá cố cũng có tới 30 - 40 người tham gia, rất lãng phí về thời gian và nhân công. Bên cạnh đó là nhiều hủ tục khác. Trước thực tế này, các cán bộ thôn đã họp bàn và thành lập sẵn tiểu ban tổ chức tang lễ vừa giúp đỡ gia chủ, vừa tuyên truyền vận động thực hiện tang văn minh. Nhờ mô hình thiết thực này, đến nay thôn Minh Hiệp 2 đã có gần 70% đám tang thực hiện hỏa táng. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của thành phố và huyện cũng như xã Minh Khai với tổng số tiền lên tới 8 triệu đồng/ca hỏa táng cũng được tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Theo thời gian, ngày càng có nhiều người dân, nhất là người cao tuổi vượt lên những quan niệm lạc hậu, đồng thời mong muốn giảm bớt tốn kém, vất vả cho người thân nên dặn dò con cháu thực hiện tang văn minh sau khi qua đời.

Cán bộ, đảng viên nêu gương

Nhờ thực hiện những giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng tuyên truyền vận động, mà năm 2018, tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức có 53% số người qua đời thực hiện hỏa táng. Đến thời điểm ngày 10-12, con số này đã nâng lên 88% với 15/17 ca hỏa táng. Đáng chú ý, có 5/7 thôn đã có 100% số ca hỏa táng. Có được bước tiến rất đáng kể này, ông Nguyễn Tiến Phú cho rằng: “Kinh nghiệm rút ra là việc tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức, tập trung vào đối tượng người cao tuổi để nội dung tuyên truyền thật sự ngấm và thấm, từ đó sớm có nhận thức tốt. Song quan trọng nhất là việc nêu gương của cán bộ, công chức và gia đình, người thân”. Trên thực tế, nhiều năm qua 100% đám tang của người thân cán bộ, công chức trong xã thực hiện tang văn minh và hỏa táng, từ đó việc vận động nhân dân thực hiện hỏa táng văn minh cũng rất thuận lợi.

Đối với huyện Đan Phượng, việc tuyên truyền thực hiện tang văn minh được triển khai rất cụ thể như chiếu phim phóng sự của huyện về "Hỏa táng, lưu trữ tro cốt, hình thức mai táng văn minh" tại 100% thôn, phố, cụm dân cư. Hội nghị đại biểu nhân dân bàn về xây dựng nếp sống văn hóa ở cấp xã, thôn, cụm dân cư đã tổ chức tuyên truyền về những hủ tục cần loại bỏ trong tang lễ, đồng thời tuyên truyền thực hiện di chúc về hỏa táng của người cao tuổi. Các xã, thị trấn phối hợp chức sắc Phật giáo trên địa bàn vận động thực hiện tang văn minh, trước hết trong cán bộ, hội viên của các tổ chức, đoàn thể, sau đó lan rộng tới nhân dân.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đan Phượng cho biết, việc thực hiện tang văn minh tiến bộ ở huyện Đan Phượng tiếp tục có sự chuyển biến tích cực cả về tư tưởng và nhận thức của nhân dân. Nhiều gia đình tang chủ đã tổ chức chu đáo, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và hoàn cảnh gia đình. Đa số đám tang không làm cỗ mời khách. Các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ. Huyện cũng quan tâm tu sửa, xây dựng nghĩa trang, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà lưu giữ tro cốt tại xã Liên Trung, triển khai xây dựng nhà lưu trữ tro cốt tại xã Liên Hà. Nhiều xã trong huyện làm tốt công tác tang văn minh như Liên Trung, Liên Hà, Song Phượng, thị trấn Phùng..., đưa tỷ lệ số ca hỏa táng trên toàn huyện đến hết tháng 11 năm 2019 đạt 59,8%.

Từ thực tế tại hai huyện Đan Phượng và Hoài Đức, có thể thấy, ngoài những hình thức hỗ trợ kinh phí mai táng, công tác tuyên truyền vận động thường xuyên, bền bỉ thì sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên chính là yếu tố then chốt để việc tang văn minh được đẩy mạnh, góp phần xây dựng đời sống xã hội ở các vùng ngoại thành ngày càng văn minh, đổi mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang lễ: Chuyển biến từ nhận thức của người dân