Giảm rủi ro thiên tai từ cộng đồng

Kim Nhuệ| 09/12/2019 08:05

(HNM) - Cụ thể hóa chủ trương giảm rủi ro thiên tai từ cộng đồng, xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) đã thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cấp xã, bước đầu đạt một số kết quả tích cực…

Nằm ven hồ Quan Sơn, cứ đến mùa mưa bão, nhân dân ở xã Hồng Sơn, đặc biệt là các gia đình neo người, có người già, trẻ nhỏ… lại thấp thỏm nỗi lo xảy ra lũ rừng ngang, sự cố đê hồ. Bà Vũ Thị Hoa ở thôn Vĩnh An (xã Hồng Sơn), hộ đơn thân còn nhớ như in trận mưa lũ xảy ra năm 2017. Năm đó, lũ rừng ngang đổ về khiến mực nước hồ Quan Sơn dâng cao có nguy cơ tràn vào làm ngập nhà và tài sản. Trong lúc bà Hoa loay hoay không biết làm thế nào để bảo vệ hơn 2 tấn phân đạm và cám chăn nuôi chưa bán hết không bị ngập nước thì Tổ xung kích phòng, chống thiên tai của thôn đã đến hỗ trợ gia đình bà di chuyển tài sản.

Diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Mỹ Đức.

“Năm đó, không riêng gia đình bà Vũ Thị Hoa mà hơn 30 hộ gia đình neo người trong xã cũng được Đội xung kích phòng, chống thiên tai hỗ trợ kê cao tài sản, di chuyển người đến nơi an toàn. Ngoài ra, Đội xung kích phòng, chống thiên tai của xã còn phối hợp hiệu quả với lực lượng vũ trang của huyện chống tràn hơn 400m đê hồ Quan Sơn…”, Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn Đặng Minh Đức nhớ lại.

Theo ông Đặng Minh Đức, những năm trước đây, Hồng Sơn thường xuyên bị thiệt hại về tài sản do lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về. Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, xã đã thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai, với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, dự bị động viên, đoàn viên thanh niên, lao động nông nhàn có sức khỏe, biết bơi… Riêng 3 thôn nằm ven hồ: Bình Lạng, Thanh Lợi, Vĩnh An còn thành lập tổ xung kích của thôn, mỗi tổ có từ 10 người trở lên.

Các tổ/đội xung kích được giao nhiệm vụ hỗ trợ chính quyền xã, thôn tổ chức sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn, sơ/cấp cứu tại chỗ ngay từ giờ đầu khi xảy ra các sự cố, thiên tai; trong đó, ưu tiên giúp đỡ gia đình neo người, người già, trẻ em, người khuyết tật… Bên cạnh đó, các tổ/đội xung kích còn phối hợp với lực lượng chuyên trách của huyện tổ chức cứu trợ, giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống…

Theo ông Cao Xuân Tưởng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã Hồng Sơn, Đội xung kích của xã hiện có hơn 100 thành viên. Khi nhận được tin khẩn cấp về nguy cơ xảy ra mưa lũ, úng ngập trên địa bàn, ngay lập tức, Đội xung kích được huy động và triển khai các bước hỗ trợ nhân dân sơ tán người, di dời tài sản đến nơi an toàn theo phương án phòng, chống thiên tai của địa phương… Đội xung kích còn tư vấn cho các gia đình trong việc tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men trong những ngày úng ngập, cách phòng tránh tai nạn về điện, đuối nước…

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, ông Lê Hải Hồng, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mỹ Đức cho biết: Đây là lực lượng gắn bó với nhân dân, nắm vững những tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn. Duy trì, phát triển lực lượng này chính là cách giúp địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…

"Hiện, 22/22, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai với tổng số 1.465 người tham gia. Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các tổ/đội xung kích phòng, chống thiên tai, huyện Mỹ Đức đẩy mạnh rà soát, vận dụng cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành, trang bị dụng cụ, bảo hộ lao động, thực hiện chế độ bồi dưỡng cho lực lượng xung kích tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở cấp xã…", ông Lê Hải Hồng thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm rủi ro thiên tai từ cộng đồng