Xây dựng nông thôn mới: Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các huyện khó khăn

Nguyễn Mai| 06/12/2019 07:39

(HNM) - Bên cạnh những địa phương đạt kết quả cao, vẫn còn một số huyện chậm tiến độ trong xây dựng nông thôn mới do gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Hỗ trợ nguồn lực cho các huyện này là một trong những ưu tiên của thành phố Hà Nội nhằm thúc đẩy tiến độ, thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương trong xây dựng nông thôn mới, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân.

Khó vì thiếu vốn

Ba Vì là huyện xếp “cuối bảng” của thành phố Hà Nội về số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện mới có 15/30 xã được công nhận đạt chuẩn; 3 xã đang trình thành phố xem xét, đánh giá để công nhận trong năm 2019. Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến, tiến độ xây dựng nông thôn mới ở Ba Vì chậm, nhiều tiêu chí chưa hoàn thành, đặc biệt là các tiêu chí về hạ tầng. Nguyên nhân do thu ngân sách của huyện rất thấp, trong khi đó, đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới không thuận lợi bởi nhu cầu thị trường không cao. Mặt khác, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khó huy động vốn xã hội hóa.  

Việc huy động nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới tại các huyện xa trung tâm còn gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Xây dựng đường giao thông nội đồng tại xã Tản Hồng (huyện Ba Vì). Ảnh: Thái Hiền

Tương tự, Mỹ Đức cũng mới có 11/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, Mỹ Đức phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn. Nếu “về đích” đúng hẹn, huyện vẫn còn 8/21 xã phải tiếp tục đầu tư. Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: Khó nhất với xã là thực hiện nhóm tiêu chí về hạ tầng... Để đầu tư một trường đạt chuẩn cần hàng chục tỷ đồng, nếu không được hỗ trợ, Mỹ Thành sẽ rất khó để hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Với huyện Phúc Thọ, dù đã có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, song vẫn cần kinh phí để đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí. Bí thư Đảng ủy xã Trạch Mỹ Lộc Khuất Duy Kim thông tin, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2016 nhưng đến nay, nhiều tiêu chí như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa vẫn phải đầu tư để duy trì chuẩn...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ so sánh, những huyện ven đô có nhiều điều kiện để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới hơn các huyện thuần nông, xa trung tâm thành phố. Ví như, tại huyện Đông Anh, từ năm 2011 đến nay đã huy động được 7.523 tỷ đồng, huyện Gia Lâm huy động được hơn 5.015 tỷ đồng..., trong khi huyện Ba Vì chỉ huy động được hơn 2.123 tỷ đồng, Phúc Thọ được hơn 3.456 tỷ đồng... nên ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng.

Theo ông Chu Phú Mỹ, hiện ngoài huyện Ba Vì, Mỹ Đức, các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín cũng còn nhiều xã chưa hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới.

Huy động nhiều nguồn vốn

Theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh, năm 2020, huyện cần tổng kinh phí khoảng 1.276 tỷ đồng để đầu tư các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Cũng về kinh phí, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn kiến nghị thành phố đầu tư cho huyện các tuyến đường trục nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế... Đây cũng là mong muốn chung của các huyện thuần nông, thu ngân sách hạn chế, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn...

Để tạo nguồn lực cho các địa phương còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Đức cho biết, hằng năm khi phân bổ vốn đầu tư cho các quận, huyện, thị xã, thành phố đều ưu tiên, tăng mức hỗ trợ cho các huyện khó khăn. Đối với các xã vùng đồng bào dân tộc, thành phố có kế hoạch hỗ trợ riêng... Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn lực ấy chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt ra. 

Cũng liên quan đến cơ chế hỗ trợ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin thêm, căn cứ vào lợi thế của từng địa phương, Sở sẽ triển khai các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp phù hợp, trong đó ưu tiên cho các huyện khó khăn.  

Qua kiểm tra thực tế việc xây dựng nông thôn mới tại huyện Phúc Thọ và Ba Vì mới đây, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02- CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” khẳng định, thành phố sẽ ưu tiên bố trí vốn cho các huyện khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, kêu gọi các quận nội thành tiếp tục hỗ trợ các huyện ngoại thành đầu tư những công trình cụ thể như trường học, nhà văn hóa... Được biết, giai đoạn năm 2021-2025, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là 89 nghìn tỷ đồng; trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp khoảng 20 nghìn tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách khoảng 12 nghìn tỷ đồng, vốn từ các chương trình lồng ghép của thành phố khoảng 25 nghìn tỷ đồng…

Như vậy, có thể thấy, thành phố Hà Nội đã, đang và tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho các huyện khó khăn để thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ của thành phố, các địa phương cũng cần chủ động hơn trong việc đẩy mạnh xã hội hóa, để huy động được nhiều nguồn lực; đồng thời cần tính toán để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Sự đổi mới, sáng tạo, cũng như cách làm bài bản sẽ giúp các địa phương vượt qua khó khăn, sớm hoàn thành mục tiêu đề ra trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới: Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các huyện khó khăn