Tự hào với “đất trăm nghề”

Nguyễn Văn Học| 05/12/2019 14:37

(HNMCT) - Thường Tín là huyện ngoại thành gần trung tâm thành phố, được xem là “đất trăm nghề”. Gần như ở xã nào cũng có nghề truyền thống. Có xã kinh tế phát triển nhờ có nhiều nghề. Ở những nơi đó, có rất nhiều nghệ nhân vẫn hằng ngày cần mẫn gìn giữ, truyền lửa tinh hoa cho thế hệ sau. Mồi lần có dịp về các làng nghề, tôi lại được chứng kiến mạch nguồn truyền thống vẫn không ngừng tuôn chảy, không ngừng tiếp nối.

Nghệ nhân chính là linh hồn của làng nghề.

Người phải nuôi nghề

Những bức tranh thêu tuyệt tác của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã “hớp hồn” bao du khách về với làng nghề Quất Động, huyện Thường Tín. Được sinh ra ở vùng đất nghệ nhân, vốn đã quen với chuyện thêu thùa, nhưng những đường nét tinh hoa, tay nghề của ông Sự khiến tôi luôn có tâm thế muốn về làng, để được đắm mình trong những bức tranh thêu của lão nghệ nhân và những người thợ lành nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự năm nay đã hơn 70 tuổi. Ông vẫn điều hành Công ty cổ phần Thêu tay Quốc Sự, vẫn trực tiếp làm những bức tranh thêu tay kỳ công, sản phẩm của ông được bày bán ở nhiều cửa hàng trên phố lớn. Hỏi chuyện, ông ví von: “Nếu con chữ bầu nên nhà văn nhà thơ thì sản phẩm thủ công mỹ nghệ bầu nên nghệ nhân”. Ông giải thích thêm: “Đã là nghệ nhân thì phải có thành quả. Mà thành quả đó không chỉ là giữ được nghề tổ, truyền được tay nghề cho thế hệ sau, mà phải chứng tỏ khả năng bằng những tác phẩm cụ thể, có thể đi triển lãm, đạt các giải thưởng. Tôi đã dành nhiều năm để làm tranh chân dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị lãnh tụ trên thế giới, các nhân vật nổi tiếng”.

Chiêm ngưỡng những bức tranh lớn của một nghệ nhân “vẽ” tranh bằng chỉ uy tín trong vùng, mỗi người sẽ có một cảm nhận riêng, nhưng đều trầm trồ thán phục bởi những đường nét tươi mới, sinh động, ánh lên cái thần thái của tranh. Những sợi chỉ màu, qua đôi bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng, hình người, cảnh vật hiện lên sáng rõ. Có lẽ tranh chân dung tốn nhiều công sức và khiến ông Sự trăn trở nhất. Ông nói: “Tôi khác với các thợ thêu khác bởi đã được học căn bản về hội họa. Phải hiểu rõ cơ mặt biểu hiện trên khuôn mặt như thế nào, chẳng hạn tìm được đúng điểm cơ rung trên mặt một người đang cười để thêu cho đúng thì mới thể hiện được nụ cười của người ta”. Riêng bức thêu mô phỏng tranh Nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo da Vinci, được đánh giá là đẹp đến kỳ diệu. Để có bức này ông Sự đã dùng cả trăm màu, đồng thời phải bỏ ra gần 3 năm trời mới thêu xong. Một “tay chơi” đã trả giá gần 300 triệu đồng nhưng ông Sự chưa ưng bán. Nhiều du khách nước ngoài đến thăm thấy ngạc nhiên. Họ từng được thấy nhiều bức tranh chép Nàng Mona Lisa, nhưng tranh thêu mà làm được như vậy thì hiếm có.

Chính ông Sự là người đã mạnh mẽ dành nhiều tâm sức, động viên các con thành lập công ty gia đình. Đến trụ sở Công ty cổ phần Thêu tay Quốc Sự lúc nào cũng tấp nập khách vào ra. Để có thành công ấy chẳng hề đơn giản. Lúc đầu công ty chỉ có 10 người làm. Đến nay đã có hơn 200 nghệ nhân giỏi nghề, làm việc ổn định. Cơ sở của ông được đánh giá là công ty sản xuất hàng thêu tay hàng đầu Việt Nam.

Sự tài hoa của nghệ nhân làng thêu truyền thống Nguyễn Quốc Sự khiến tôi nhớ đến nghệ nhân Lê Văn Kinh - chủ xưởng tranh thêu Đức Thành ở 82 Phan Đăng Lưu (thành phố Huế). Tôi đã tìm gặp và được biết nghệ nhân Lê Văn Kinh vốn xuất thân ở làng thêu Quất Động. Ông Kinh vào Huế lập nghiệp, mang theo nghề thêu, truyền dạy cho con cháu và bao lứa học trò. Ông Kinh cũng là nghệ nhân lập nhiều kỷ lục với nhiều bộ tranh thêu độc đáo. Đó là bộ tranh thêu bài thơ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền sư trên vải lụa bằng 14 thứ tiếng.

Tiếp đó là bộ Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật. Tháng 5-2014, ông xác lập kỷ lục thứ ba với tác phẩm thêu tay hai bài thơ Tẩu lộ và Hoàng hôn - hai bài thơ trong tập Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Kinh bảo, yêu nghề nên giữ và truyền nghề, nhưng nghệ nhân cũng phải tăng giá trị của sản phẩm để nghề được sống. Nghề sống được trong thời buổi kinh tế thị trường là do nghệ nhân nuôi. Nghệ nhân truyền lan tình yêu nghề thì nghề mới có sức sống. Những gì ông Kinh làm, đều là sự tiếp nối truyền thống và công việc mà Tổ nghề thêu - cụ Lê Công Hành vun đắp. Cụ Lê Công Hành từng được cử đi sứ Trung Quốc, học được nghề thêu rồi trở về nước và truyền lại nghề cho dân làng Quất Động. Từ thế kỷ XVII, nghề thêu phát triển rộng khắp cả nước, Tổ nghề thêu làng Quất Động trở thành Tổ nghề thêu của cả Việt Nam.

Thương hiệu làng nghề Thường Tín

Vậy điều gì đã tạo nên thương hiệu làng nghề của Thường Tín? Theo cơ quan chức năng huyện Thường Tín, toàn huyện có 48 làng nghề đã được thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Toàn huyện cũng đã có 32 nghệ nhân được công nhận, trong đó nhiều người còn khá trẻ. Thợ giỏi nghề truyền thống ở các lĩnh vực thì có hàng nghìn người. Riêng nghệ thuật sơn mài độc đáo của làng nghề Hạ Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể...

Sản phẩm của các làng nghề truyền thống Thường Tín không chỉ đi vào tranh thêu, mà đi vào thơ, ca, nhạc, họa và sách cổ. Trong sách Nam quốc địa dư của Lương Trúc Đàm ca ngợi sản phẩm của làng nghề thủ công của huyện Thường Tín: “Bút Bạch Liên, thợ mộc Nhân Hiền, thợ sơn Văn Giáp, thợ tiện Nhị Khê, thợ thêu Tử Dương...”. Ca dao cổ có bài ca về Thường Tín: “Xâm Động là đất trồng hành/ Mễ Hòa chẻ nứa đan mành ta mua/ Quýt Đức thêu quạt, thêu cờ/ Nhị Khê tiện gỗ đền thờ chạm hoa/ Làng Giai tơi lả che mưa/ Trát Cầu bông sợi kém thua gì người/ Lược thưa Thụy Ứng chàng ơi/ Trăm nghề quê thiếp, thiếp mời chàng mua”...

Cuốn sách Các nhà khoa bảng, trí thức và nghệ nhân tiêu biểu huyện Thường Tín (1075 - 2015) cũng chép: “Với vị trí địa lý là cửa ngõ phía Nam của kinh thành Thăng Long xưa, những sản phẩm thủ công của Thường Tín làm ra đều được bày bán ở 36 phố phường Hà Nội. Người Tràng An lại sành những mặt hàng bền đẹp, mang tính mỹ nghệ. Để đáp ứng được đòi hỏi trên, các làng nghề ở Thường Tín trước đây và hiện nay đã xuất hiện nhiều thợ giỏi, nhiều nghệ nhân có bàn tay vàng đã kiên trì cải tiến mẫu mã, sáng tạo ra sản phẩm mỹ nghệ có nét độc đáo riêng”.

Hiện nay Thường Tín trở thành điểm đến của không ít nhiếp ảnh gia, họa sĩ. Họ tìm về những ngôi làng, chụp chân dung các nghệ nhân, vẽ tranh về những người vẫn cần mẫn bám làng, bám nghề. Vẻ đẹp này góp phần sinh sôi vẻ đẹp và sự sáng tạo khác, để cùng lan tỏa.

Tự hào phải gắn trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ

Có thể nói không ngoa, nghệ nhân chính là linh hồn của làng nghề mà người ta quen gọi là “báu vật nhân văn sống”. Thế nhưng rất nhiều năm chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với các nghệ nhân, giúp họ tiếp tục có những cống hiến, sản sinh ra những sản phẩm có hàm lượng văn hóa, tinh thần đặc sắc. Có người đã cho rằng, thời gian dài chúng ta bỏ bẵng, khuyết thiếu việc vinh danh các nghệ nhân, thiếu sự động viên, quan tâm về mặt tinh thần cũng như vật chất. Song, nhiều nghệ nhân vẫn sống ở làng, sống với nghề. Tiếng thoi đưa của công việc dệt lụa, tiếng chạm, đục vẫn vang xa. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nhấn mạnh, mấy năm nay các nghệ nhân làng nghề nói chung, nghệ nhân ở Thường Tín nói riêng đã được quan tâm, điều đó rất tốt cho vùng đất này.

Nghệ nhân Vũ Huy Mến, làng nghề sơn mài Hạ Thái, thẳng thắn cho rằng: Trước làn gió thị trường, sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm công nghiệp, chúng ta phải nhìn vào thực tế là không ít sản phẩm làng nghề truyền thống bị mai một. Chúng ta tự hào, nhưng không thể tự hào suông. Tự hào phải gắn trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ. Trước hết là phải giúp nghệ nhân “tiếp lửa”.

Lời của ông Mến khiến chúng ta bùi ngùi, song cũng cho thấy từ mỗi làng nghề, các cấp chính quyền cần nhìn vào thực chất, chủ động hơn trong phát triển thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm. Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, thời gian tới huyện sẽ bố trí các điểm, cụm du lịch làng nghề để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa đa dạng hóa sản phẩm du lịch, quan tâm hơn đến các nghệ nhân.

Đã bước vào tháng cuối năm, các làng nghề Thường Tín bận rộn hơn. Người dân tất bật lo cho xong các hợp đồng đặt hàng. Hôm ở làng nghề điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang), nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc đã vui vẻ cho biết, đời sống kinh tế - xã hội phát triển, ngày càng có nhiều người bỏ tiền đầu tư xây dựng nhà cửa, nhiều người tìm đến các nghệ nhân làng nghề như ông để đặt hàng. Nhớ hôm đó trên đường làng, tôi đã gặp mấy thanh niên đang vừa làm, vừa hát: “Anh đưa em về Thường Tín quê anh/ Đất trăm nghề lưu danh bao huyền thoại…”. Nghe rất đượm, rất ấm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào với “đất trăm nghề”