Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới: Đa dạng hình thức xã hội hóa

Nguyễn Mai| 08/11/2019 07:36

(HNM) - 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, Hà Nội đã huy động được một nguồn lực rất lớn với 76.451 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều huyện, thị xã ngoài việc đa dạng hình thức xã hội hóa, còn có những giải pháp khai thác được lợi thế của từng địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư.

76.451 tỷ đồng vốn đổi mới nông thôn

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Hoàng Kim (huyện Mê Linh) đã huy động được 10 tỷ đồng vốn xã hội hóa. Đây là một con số mang nhiều ý nghĩa, nhất là với một vùng quê thuần nông, thu nhập của người dân chỉ ở mức trung bình. Chủ tịch UBND xã Hoàng Kim Lưu Văn Minh cho biết, tham gia xây dựng nông thôn mới, rất nhiều hộ dân đã có những đóng góp lớn. Ví dụ, gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Ban, Lưu Văn Năm... đã hiến từ 50m2 đất trở lên để địa phương mở rộng diện tích các công trình phúc lợi. Hay như gia đình anh Sái Công Triệu, bà Nguyễn Thị Phương Hoa, ông Bùi Đức Loãn... ủng hộ từ 100 triệu đồng trở lên để địa phương xây dựng các công trình giao thông ngõ, xóm...

Hạ tầng nông thôn mới xã Tân Hội (huyện Đan Phượng). Ảnh: Thái Hiền

Nói về phong trào hiến đất, ủng hộ kinh phí xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất quê hương, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng thông tin thêm, trong gần 10 năm qua, toàn huyện đã huy động được 2.865 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có 342 tỷ đồng vốn xã hội hóa do các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân đóng góp. Nhờ vậy, huyện đã đầu tư được hàng trăm kilômét đường giao thông nông thôn, xây dựng 6 trạm bơm, xây mới và cải tạo 135 trạm biến áp, hàng chục trường học, nhà văn hóa… Đến nay, huyện có 14/16 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Đông Anh - huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới - cũng là địa phương huy động được nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn mới. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, gần 10 năm qua, huyện đã huy động được 7.523 tỷ đồng, đạt 117% so với kế hoạch đề ra (trong đó có 5.217 tỷ đồng, chiếm 69,3% là vốn ngân sách huyện). Từ nguồn vốn trên, huyện Đông Anh đã đầu tư 1.785 tỷ đồng vào việc kiên cố hóa giao thông thôn thôn; bố trí 2.585 tỷ đồng cho các dự án thuộc tiêu chí giáo dục; 450 tỷ đồng đầu tư cho nhà văn hóa xã, thôn... Các dự án sau đầu tư đều phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân...

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, tính từ năm 2010 đến nay, toàn thành phố đã huy động được 76.451 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 58 tỷ đồng; ngân sách thành phố là 25.958 tỷ đồng; ngân sách huyện là 32.223 tỷ đồng; ngân sách xã là 3.471 tỷ đồng; vốn huy động ngoài ngân sách (bao gồm vốn đóng góp của doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân) là 14.741 tỷ đồng.

Xã hội hóa phù hợp với thực tế

Chia sẻ kinh nghiệm huy động nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết: Đông Anh đã chủ động khai thác lợi thế từ việc đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể, huyện giao cho các xã chủ động xây dựng hạ tầng các khu đấu giá xen kẹt. Nguồn thu từ đấu giá đất được phân bổ lại 100% cho các xã để thực hiện dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc này không chỉ tạo động lực, tăng tính chủ động cho các xã trong việc rà soát lại đất công có thể đấu giá, mà còn tạo nguồn thu và khai thác có hiệu quả đất xen kẹt, nhỏ lẻ. Nhờ vậy, trong gần 10 năm qua, toàn huyện đã thu được khoảng 3.900 tỷ đồng từ đấu giá đất xen kẹt, chiếm khoảng 51,8% tổng nguồn vốn.

Cũng về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô chia sẻ: "Xác định nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, còn có nguồn lực xã hội hóa, do vậy, huyện đã huy động sức dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Mê Linh đã quán triệt các xã thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra và dân hưởng thụ; đồng thời vận động, huy động các doanh nghiệp vào cuộc. Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Quang Minh (đóng trên địa bàn huyện) đã ủng hộ 140,3 tỷ đồng để xây dựng 19 trường mầm non, 13 trường tiểu học và 9 trường trung học cơ sở, trị giá mỗi công trình từ 2 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng".

Còn tại huyện Chương Mỹ, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đặng Viết Xuân cho biết, trong tổng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách của huyện, riêng ngành điện đã đóng góp 556 tỷ đồng thông qua việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện tại các xã.

Không chỉ Đông Anh, Mê Linh, Chương Mỹ, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, phù hợp với tiềm năng, lợi thế trong huy động vốn cho nông thôn mới. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, những năm qua, thành phố luôn ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư cho nông thôn mới. Cùng với đó là kết hợp huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về hạ tầng...

“Để có thêm nguồn lực, thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động các quận hỗ trợ các huyện, thị xã xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 12 quận đã hỗ trợ các huyện 633 tỷ đồng. Đó là kinh nghiệm hay trong huy động nguồn lực để Hà Nội và các địa phương tiếp tục phát huy trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tới...” - ông Nguyễn Văn Chí cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới: Đa dạng hình thức xã hội hóa