Tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp

Bài, ảnh: Ánh Dương| 06/11/2019 07:56

(HNM) - Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân huyện Đông Anh đã năng động phát huy lợi thế từ các mô hình sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.

Nông dân huyện Đông Anh chăm sóc cây quất cảnh.

Xã Tàm Xá (huyện Đông Anh) có 100% đất canh tác nằm ngoài bãi sông Hồng. Trước đây, người dân địa phương chủ yếu trồng rau, khoai, ngô... nên hiệu quả kinh tế thấp. Nỗ lực tìm hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Đông Anh đã hỗ trợ xã Tàm Xá tập trung chuyển đổi sang trồng cây quất cảnh và đầu tư cứng hóa giao thông nội đồng, lắp đặt hệ thống điện, khoan giếng nước tưới... với tổng kinh phí hơn 23,6 tỷ đồng. Các hộ dân ở đây cũng được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Chủ tịch UBND xã Tàm Xá Hoàng Hữu Vân cho biết, xã đã bảo lãnh tín chấp với các tổ chức tín dụng để nhân dân được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, dư nợ tổng nguồn vốn vay của nông dân Tàm Xá tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện khoảng 7,5 tỷ đồng, tại Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện hơn 12 tỷ đồng...

Hiện Tàm Xá có khoảng 500 hộ gia đình chuyển đổi sang trồng quất cảnh, quất thế trên diện tích 80ha (chiếm hơn 40% đất nông nghiệp của xã), đem lại giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Viết Ánh ở thôn Đoài cho biết, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm gia đình trồng 300-500 cây quất, thu nhập tăng dần, từ 150 triệu đồng đến 400 triệu đồng/năm. Hay như hộ gia đình các ông Lê Văn Huy (thôn Đoài), Hoàng Viết Thính và Lê Đức Tính (thôn Đông)... cũng có thu nhập 300-500 triệu đồng/năm nhờ trồng quất cảnh. Năm 2018, Tàm Xá được công nhận thương hiệu tập thể quất cảnh Tàm Xá. Hiện, bình quân thu nhập trên 1ha trồng quất cảnh, quất thế ở Tàm Xá đạt 1,7-2 tỷ đồng/năm.

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đến nay xã Xuân Canh có một số diện tích trồng bưởi và 23ha chuyên trồng cam với khoảng 20.000 gốc, trong đó có hơn 10.000 cây đã được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc. Là một trong số những hộ tiêu biểu trồng cam, bưởi của xã, gia đình ông Trương Hữu Chiến (thôn Xuân Canh) đã mở rộng diện tích trồng 10ha cây ăn quả. Ông Trương Hữu Chiến cho biết, các giống cam, bưởi ở trang trại của gia đình cho thu hoạch quả từ tháng Tám, tháng Mười âm lịch năm trước đến tháng Ba âm lịch năm sau, thu nhập hàng tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng.

Chọn hướng đi mới, xã Cổ Loa tập trung nhân rộng mô hình trồng khoai tây hữu cơ vụ đông. Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Thị Lương chia sẻ, hằng năm xã trồng 20-30ha khoai tây giống Đức lùn, lòng vàng, cho sản lượng 15-17 tấn/ha. Nhưng do kỹ thuật trồng của nông dân theo phương pháp truyền thống, trong khi thị trường tiêu thụ không ổn định nên thu nhập không cao. Để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông, năm 2018, xã triển khai thí điểm đề án trồng khoai tây hữu cơ trên diện tích 3,6ha. “Mô hình này rất khả quan, chất lượng khoai tốt hơn và được thị trường ưa chuộng. Vì thế, năm 2019, xã mở rộng diện tích lên 5,6ha, năng suất ước đạt 80 tấn. Dự kiến năm 2020, xã tăng diện tích trồng khoai tây hữu cơ lên 10ha, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng giúp nông dân kết nối các đơn vị, doanh nghiệp để có đầu ra ổn định cho sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Lương cho biết.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 1.505ha đất trồng lúa sang trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả... cho giá trị kinh tế cao. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ các xã nâng cao chất lượng các mô hình sản xuất nông nghiệp và kết nối tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp