Huyện Đan Phượng: Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần người dân

Tuyền Lâm| 24/10/2019 10:35

(HNMCT) - Những năm qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Đan Phượng đã được chú trọng với những bước đi đúng hướng, cách làm đột phá, có trọng tâm, trọng điểm đem lại hiệu quả thiết thực. Môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống mới văn minh từng bước được vun đắp, lan tỏa là cơ sở để huyện nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân nơi đây.

Ao làng xã Song Phượng luôn được giữ gìn xanh - sạch.

Đổi thay ở Song Phượng

Đến thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng những ngày này nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước cảnh quan sạch đẹp, đặc biệt là những hồ nước trong xanh, không chút rác thải. Theo ông Bùi Văn Trường, Trưởng thôn Tháp Thượng kết quả này có được là nhờ xã Song Phượng đã thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có việc cải tạo ao hồ, chỉnh trang đường làng ngõ xóm. Tuy nhiên, để duy trì những kết quả của phong trào không thể không nhắc đến vai trò nòng cốt của Chi hội Phụ nữ thôn. Chị Nguyễn Thị Thỏa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ đồng thời là tổ trưởng tổ xung kích vệ sinh môi trường thôn Tháp Thượng chia sẻ: "Thôn Tháp Thượng may mắn có 2 ao lớn giúp điều hòa không khí cho thôn xóm.

Chúng tôi đã đảm nhận phần việc giữ gìn vệ sinh tại các khu vực này. Tổ xung kích thường xuyên tổ chức vớt rác thải, giữ “ao môi trường” luôn sạch sẽ đồng thời tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân cùng chung tay giữ môi trường sống trong lành, sạch đẹp". Hằng tuần, chị em phụ nữ trong chi hội còn tổ chức chăm sóc tuyến đường hoa nở (dài 900m) là trục chính của thôn. Từ đây, mọi người dân trong các ngõ xóm đều hưởng ứng làm sạch lối ngõ quanh nhà, thực hiện bỏ rác đúng giờ, không xả rác xuống ao hồ như trước. “Ao sinh thái” trong lành, sạch đẹp thành địa điểm thu hút người dân trong thôn, xã tới dạo chơi, luyện tập thể thao mỗi ngày.

Còn ở thôn Thu Quế, xã Song Phượng, không gian sống đổi thay đã thực sự làm thay đổi nhịp sống của người dân nơi đây, trong đó sự ra đời của nhà văn hóa thôn đã giúp người dân “làm mới’ cuộc sống của mình. Chị Tạ Thị Nga là một trong những người thường xuyên sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn chia sẻ: “Trước kia không có điều kiện luyện tập, người tôi nhức mỏi rất khó chịu. Từ ngày có nhà văn hóa, được tham gia câu lạc bộ (CLB) bóng chuyền hơi, luyện tập đều đặn mỗi tối, sức khỏe tốt hơn mà tinh thần cũng phấn chấn”. Còn bà Tạ Thị Lý, 68 tuổi, Chủ nhiệm CLB dưỡng sinh thôn Thu Quế thì chia sẻ: “CLB dưỡng sinh của chúng tôi có hơn 50 thành viên, tập luyện không nghỉ ngày nào. Sức khỏe ai cũng ổn định mà quan trọng nhất là mọi người đều vui vẻ, đoàn kết, động viên nhau góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Nâng “chất” đời sống tinh thần người dân

Bà Tạ Thị Kim Lân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Song Phượng nhấn mạnh: “Những năm qua chính quyền xã Song Phượng đã chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với việc xây dựng và thực hiện quy ước làng văn hóa. Tại mỗi thôn, làng chính quyền và người dân chung sức làm đẹp cảnh quan, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa... đem đến môi trường văn hóa lành mạnh, chất lượng cuộc sống người dân cũng theo đó nâng cao”.

Không chỉ ở xã Song Phượng mà phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa còn tạo những chuyển biến rất rõ nét tại 15 xã, thị trấn khác trong huyện Đan Phượng, đem đến đời sống tinh thần ngày càng phong phú, lành mạnh cùng nếp sống mới văn minh, tiến bộ. Kết quả đó có được nhờ huyện đã đầu tư đúng hướng cho hệ thống thiết chế văn hóa, tập trung trọng điểm xây dựng làng văn hóa, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa tại từng địa bàn... Nổi bật nhất phải kể đến việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa trong toàn huyện.

Xác định vai trò của nhà văn hóa thôn là trọng điểm, nơi tập trung các hoạt động văn hóa, thể thao của đại đa số cộng đồng dân cư tại mỗi thôn xóm, khu dân cư, từ năm 2016 huyện Đan Phượng đã thực hiện đề án Nâng cao chất lượng hoạt động nhà văn hóa thôn, trong đó tập trung xây dựng và cải tạo, sửa chữa các nhà văn hóa thôn. Dự kiến đến hết năm 2019 này sẽ phủ kín toàn bộ 129 nhà văn hóa đạt chuẩn tại 129 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố trong toàn huyện. Không những thế mỗi ban chủ nhiệm nhà văn hóa thôn trong toàn huyện còn được hỗ trợ kinh phí 4 - 5 triệu đồng/năm, được tập huấn nâng cao nghiệp vụ và hoạt động ngày càng bài bản, hiệu quả. Đây được đánh giá là cách làm đột phá của huyện Đan Phượng trong phát triển đời sống văn hóa tại cộng đồng dân cư.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Đan Phượng cho biết: "Năm 2018 toàn huyện có 8/15 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 95/120 số làng, cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 98/132 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa, 37.480/41.278 số hộ gia đình văn hóa. 2 Quy tắc ứng xử do thành phố ban hành được triển khai và ngày càng đi vào đời sống, việc tổ chức lễ hội, tang lễ, cưới hỏi thêm phần văn minh, hoạt động thể thao, văn hóa phong phú, hấp dẫn. Điều quan trọng nhất là thông qua triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân với cộng đồng, xã hội từng bước củng cố, hoàn thiện, các giá trị văn hóa người xứ Đoài, phong trào xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch ngày càng được nâng tầm, nhân rộng, xứng đáng với vị thế một huyện đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của Thủ đô”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Đan Phượng: Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần người dân