Phú Xuyên phát triển làng nghề gắn với du lịch

Hạnh Nguyên| 23/10/2019 08:00

(HNM) - Tận dụng thế mạnh là huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng như khảm trai xã Phượng Dực, đan cỏ tế xã Phú Túc, may xã Vân Từ… những năm qua, huyện Phú Xuyên đặc biệt quan tâm phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch. Đến nay, huyện có 156 làng, cụm dân cư có nghề, trong đó 43 làng nghề được thành phố công nhận làng nghề truyền thống.

Một mô hình sản xuất làng nghề hiệu quả tại Phú Xuyên. Ảnh: Bá Hoạt

Làm tốt công tác quy hoạch

Theo ông Nguyễn Thế Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, thực hiện Chương trình số 05-CTr/HU của Huyện ủy về phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề huyện giai đoạn 2015-2020, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 3452/QĐ-UBND lấy ngày 26-10 là Ngày vinh danh Làng nghề truyền thống của huyện. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng kế hoạch từng giai đoạn và cụ thể cho từng năm để phát triển làng nghề gắn với du lịch đạt hiệu quả cao.

Dựa vào kế hoạch đã được huyện phê duyệt, các xã, thị trấn đã quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề. Hiện huyện có 3 cụm công nghiệp làng nghề (Đại Thắng, Phú Túc, Phú Yên) đang kêu gọi đầu tư để tập trung xây dựng hạ tầng và nhà xưởng sản xuất. Từ năm 2015 đến nay, huyện đầu tư hơn 1.262 tỷ đồng nâng cấp, bê tông hóa 450km đường giao thông; phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội mở 8 tuyến xe buýt trợ giá phục vụ nhu cầu đi lại tham quan, mua sắm tại các làng nghề, mở 73 lớp đào tạo nghề cho 2.551 học viên.

Toàn huyện đã có 7 sản phẩm làng nghề được xây dựng thương hiệu, năm 2017 thành phố công nhận danh hiệu 3 làng nghề, 1 nghệ nhân. Ngoài ra, Phú Xuyên cũng đã tổ chức 6 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành, kinh doanh, hướng dẫn áp dụng quy định an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP… cho 600 hộ, doanh nghiệp. 

Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Hằng năm huyện Phú Xuyên có hơn 200 đoàn khách trong nước, quốc tế đến tham quan các di tích lịch sử, làng nghề. Số lượng khách du lịch đến tham quan, mua sắm tại làng nghề năm sau tăng hơn năm trước.

Do làm tốt công tác đầu tư, quảng bá nên Lễ hội vinh danh Làng nghề truyền thống của huyện hằng năm (26-10) thu hút hàng vạn du khách từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, du khách quốc tế tìm về. Lễ hội đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về vùng đất, con người, làng nghề Phú Xuyên, góp phần giới thiệu sản phẩm làng nghề đến nhiều nơi trong và ngoài nước, nâng cao sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ được mở rộng, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân làng nghề.

Các làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng của mỗi làng nghề, có được chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và quốc tế như: Nga, Mỹ, Ba Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia...; góp phần giải quyết việc làm cho trên 80% lao động trong các làng nghề và vùng phụ cận. Đời sống của nhân dân các làng nghề được cải thiện rõ rệt, số hộ khá và giàu tăng nhanh, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của huyện.

Về phương hướng trong thời gian tới, bên cạnh việc quan tâm phát triển làng nghề, Phú Xuyên đặc biệt chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều lớp học nghề được mở nhằm cho ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng. Đặc biệt, sự kết tinh của tâm hồn, trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa của người thợ thủ công sẽ tiếp tục được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trên quê hương Phú Xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Xuyên phát triển làng nghề gắn với du lịch