Huyện Quốc Oai: Bước đi vững chắc trong phát triển chăn nuôi

Ánh Dương| 23/10/2019 07:53

(HNM) - Tập trung phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi gia cầm, thủy cầm đã giúp nông dân huyện Quốc Oai có bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập...

Ông Đỗ Mạnh Huê, ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), là một trong những hộ gia đình có thâm niên nuôi vịt đẻ trứng trên diện tích 6 sào ở xứ đồng Trảy của thôn. Theo ông Huê, nuôi vịt đẻ trứng không vất vả, bởi vật nuôi hiếm khi bị bệnh, chỉ cần lưu ý khi thời tiết thay đổi để không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Với quy trình chăn nuôi sạch, đàn vịt của ông Huê có tỷ lệ đẻ khá cao, từ 90 đến 95%, chất lượng trứng ngon, được các thương lái, nhà hàng thu mua ổn định. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông Huê thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Quang Khải cho biết: Hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn xã có 442.705 con, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2018. Toàn xã có 259 trang trại chăn nuôi gà, vịt đẻ, thương phẩm... với kinh phí đầu tư cho mỗi trang trại từ 2 đến 8 tỷ đồng, quy mô nuôi từ 5.000 con đến 30.000 con/hộ, cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/hộ/năm.

Hay như ở xã Phú Cát, ngoài hàng trăm hộ chăn nuôi gia cầm trong khu dân cư, số lượng từ 100 đến 1.000 con gà thương phẩm, xã còn có 2 điểm quy hoạch trang trại xa khu dân cư tại xứ đồng Làng Cốc và Gò Đống Vang với hơn chục hộ nuôi từ 5.000 đến 10.000 con gà đẻ trứng và ấp nở con giống. Ông Nguyễn Đức Thành, nhân viên thú y xã Phú Cát cho biết, tổng đàn gia cầm của xã hiện có hơn 253.000 con gà, vịt. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tự tìm nơi tiêu thụ gà thương phẩm. Riêng những trang trại chăn nuôi số lượng lớn đều có các công ty, đơn vị ký hợp đồng thu mua sản phẩm trứng ổn định, mang lại giá trị thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng/hộ/năm.

Cũng với mô hình chăn nuôi gà đẻ, gà thương phẩm, xã Đông Yên hiện có hàng trăm hộ chăn nuôi gà, trong đó có hơn 90 hộ nuôi từ 1.000 đến 20.000 con, tập trung ở các thôn Yên Thái, Việt Yên. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Yên Tô Xuân Toàn cho biết: Các hộ như gia đình các ông Bành Thế Trọng, Đỗ Hoàng Đạt, Lê Năm Thắng… ở thôn Yên Thái chăn nuôi gà thương phẩm từ 10.000 đến 15.000 con, mỗi năm cho thu lãi 600-800 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, hiện nay các hộ chăn nuôi gà ở Đông Yên vẫn phải tự tìm nơi tiêu thụ trứng và gà thương phẩm.

“Chúng tôi mong muốn được giới thiệu các công ty, đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm để nông dân Đông Yên yên tâm đầu tư chăn nuôi gia cầm và có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Tô Xuân Toàn bày tỏ.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc cho biết: Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, nên địa bàn huyện có nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung ở các xã: Cấn Hữu, Hòa Thạch, Đông Yên, Phú Cát... Tính đến nay, toàn huyện có tổng đàn gia cầm 2,5 triệu con, trong đó gia cầm sinh sản 1,2 triệu con. Nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm cho hiệu quả cao như: Mô hình chăn nuôi ấp nở gà công nghệ cao ở xã Cộng Hòa, mô hình nuôi gà đẻ trứng ở xã Cấn Hữu, gà thương phẩm nuôi thả đồi ở xã Đông Yên... đã giúp nông dân trên địa bàn huyện có thu nhập bình quân hơn 40 triệu đồng/người/năm.

Thời gian tới, huyện Quốc Oai sẽ tập trung hỗ trợ nông dân tham gia các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để có đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Quốc Oai: Bước đi vững chắc trong phát triển chăn nuôi