Những cánh đồng sạch ở Sơn Công

Ngọc Quỳnh| 19/10/2019 06:42

(HNM) - Những năm qua, nhiều cánh đồng ở xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) được gọi là cánh đồng sạch bởi không còn bóng dáng bao bì thuốc bảo vệ thực vật như trước. Có được những cánh đồng sạch ấy là do người nông dân nơi đây đã sử dụng thuốc sinh học, thảo dược chăm sóc cây trồng, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; đặc biệt, sức khỏe người dân trên địa bàn được cải thiện rõ rệt...

Nhờ trồng rau theo phương pháp an toàn nên nhiều cánh đồng ở xã Sơn Công xanh - sạch - trong lành. Ảnh: Quỳnh Dung

Những vườn dưa lưới của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng, xã Sơn Công mơn mởn lá non và hoa vàng rực nở, mang lại vẻ trong lành cho cánh đồng quê. Đang cùng bà con bắt sâu, tỉa lá, ông Nguyễn Xuân Nghĩa - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng cho hay, cách đây 10 năm, Vĩnh Thượng trồng các loại rau màu trên diện tích khoảng 30ha, chủ yếu là dưa chuột, su hào, hành củ… Những loại rau này thường có nhiều sâu bệnh, nên người dân sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Việc này kéo theo tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị một số hộ vứt bừa bãi trên cánh đồng, khiến làng quê thời điểm đó rất ngột ngạt. Trước thực trạng đó, xã cùng hợp tác xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác.

Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, để bà con “mục sở thị” việc không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà cây trồng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, năm 2017, được sự hỗ trợ của huyện, xã đã thí điểm đầu tư mô hình trồng rau sạch theo hướng VietGAP và 5.000m2 dưa vàng tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng. Sau một thời gian, nông dân thu hoạch được 5 tạ rau từ mô hình này với giá bán 15.000 đồng/kg, cao hơn 10% so với các loại rau trồng theo phương pháp truyền thống; cùng với đó, mô hình dưa vàng đạt 6 tạ quả/sào, bán được giá 40.000 đồng/kg... nhờ vậy, giá trị thu nhập đạt 250-300 triệu đồng/ha/năm. Từ hiệu quả của các mô hình trên, nhiều hộ dân trong xã chuyển hướng sang trồng các loại rau, củ, quả theo hướng an toàn. Đặc biệt, ý thức của người dân ngày càng nâng cao nên lượng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã giảm khoảng 80% so với 10 năm trước...

Để có được sự chuyển biến ấy, xã đã trực tiếp tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời, vận động nông dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tập kết đúng nơi quy định. Chủ tịch UBND xã Sơn Công Nguyễn Sỹ Tuấn cho biết: "Sơn Công là vùng đất bãi nên thuận lợi phát triển rau màu. Hiện, xã đã phát triển hơn 100ha rau, trong đó, 30ha áp dụng mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ở Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng; diện tích còn lại, nông dân cũng đang canh tác theo hướng an toàn. Vì thế, ở Sơn Công không còn cảnh phun thuốc bảo vệ thực vật như trước; người dân chuyển dần sang trồng rau màu theo hướng sử dụng chế phẩm sinh học cho cây trồng, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường…".

Vừa chăm sóc vườn dưa chuột mới gieo vụ đông 2019, bà Đỗ Thị Dung ở thôn Vĩnh Thượng vừa vui vẻ kể chuyện: “Trước đây, tôi thường phun các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây rau để phòng trừ sâu bệnh. Qua tuyên truyền của cán bộ xã về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật với môi trường, đất đai, nguồn nước, sức khỏe con người… tôi đã chuyển sang sử dụng các loại thuốc sinh học, không độc hại với môi trường và sức khỏe con người. Mặc dù, trồng rau an toàn khó hơn trồng rau thông thường nhưng chất lượng rau được bảo đảm, giá bán cũng cao hơn. Gia đình tôi có 5 sào trồng hành và dưa chuột, trừ chi phí, trung bình mỗi vụ, gia đình tôi thu lãi khoảng 10 triệu đồng".

"Để duy trì và nhân rộng mô hình canh tác sạch, mỗi năm xã phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện mở 3-4 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng rau an toàn cho người dân. Qua đó, người dân đã hiểu rõ sự nguy hại và tốn kém của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Đặc biệt, từ hiệu quả của mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng, nhiều hộ dân ở Sơn Công mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn để nâng cao thu nhập” - ông Nguyễn Sỹ Tuấn cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những cánh đồng sạch ở Sơn Công