Chuyện ở những miền quê đáng sống

Dương Hiệp| 16/10/2019 10:04

(HNNN) - Nếu như 10 năm trước, khái niệm xây dựng nông thôn mới còn khá lạ lẫm với chính người dân nông thôn thì bây giờ, đến khắp các vùng nông thôn ngoại thành của Thủ đô dễ nhận thấy thành quả xây dựng nông thôn mới chính là tạo nên được những miền quê đáng sống. Không chỉ nhà cửa, điện, đường, trường, trạm đổi thay mà cả nếp nghĩ, cách làm của những người dân quê chân chất giờ cũng đã có nhiều đổi mới.

Những điểm nhấn ở Đan Phượng

Nói về xây dựng nông thôn mới, người Hà Nội thường nhắc đến huyện Đan Phượng, bởi nơi đây được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của Hà Nội từ năm 2015 và cũng là địa phương có 3 xã Đan Phượng, Liên Trung, Song Phượng cán đích nông thôn mới giai đoạn nâng cao năm 2018... Gợi ý ấy của ông Lê Thiết Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, nguyên Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, đã thúc giục chúng tôi về huyện Đan Phượng vào thời điểm “quê hương người gái đảm” vừa rộn ràng kỷ niệm 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.

Ông Trần Trọng Quyết ở Liên Trung, Đan Phượng hiến đất mở rộng đường cho địa phương. Ảnh: Dương Hiệp

Đúng như lời ông Cương, thành công nhìn thấy được của quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng quê chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 cây số chính là những con đường thảm nhựa bốn làn xe rộng mênh mông, qua những cánh đồng xanh mướt mắt thấp thoáng những xóm làng trù phú. Dù đã xế trưa nhưng qua điện thoại giọng Phó Bí thư Đảng ủy xã Liên Trung Nguyễn Tiến Dũng vẫn tràn đầy niềm tin: “Cứ đi đi, đường đẹp lắm, chỉ một lúc là anh em mình gặp nhau thôi!”.

Ngồi trên xe cùng về xã Liên Trung với chúng tôi, anh cán bộ Huyện đoàn Đan Phượng phấn khởi “khoe” đường giao thông nông thôn thuận tiện là nhờ nỗ lực vận động bà con tự nguyện hiến đất làm đường trong nhiều năm qua. Có những cá nhân hiến cả trăm mét vuông đất mà theo giá thị trường bây giờ tương đương hàng tỷ đồng để con đường liên thôn, liên xã không ùn tắc, không bị tạo nút thắt. Đón chúng tôi ở cổng trụ sở Ủy ban xã vừa được xây dựng khang trang, có vườn hoa, có cả sân khấu ngoài trời, Phó Bí thư Đảng ủy xã Liên Trung Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: “Ở Liên Trung trước đây chỗ nào cũng có muỗi, vắt nhưng giờ không còn nữa vì không khí đã trong lành. Bức tranh nông thôn đã thay đổi nhiều, Đan Phượng giờ thưc sự là miền quê đáng sống...”.  

Đích thân Phó Bí thư Đảng ủy xã đưa chúng tôi tới nhà ông Trần Trọng Quyết ở thôn Trung 2, một tấm gương sáng trong phong trào hiến đất mở đường ở địa phương. Ngõ nhà ông Quyết trước đây chỉ rộng hơn 2m, đã thế lại có một khúc cua gấp nên thường xảy ra va chạm giao thông. Việc phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn không đáng có khiến ông Quyết rất trăn trở mà chưa biết làm cách nào. Đến đầu năm 2018, khi chính quyền, các đoàn thể xã Liên Trung kêu gọi nhân dân cùng chung sức, góp công góp của mở rộng các tuyến đường để xây dựng nông thôn mới, ông Quyết hưởng ứng đầu tiên. Ông tự nguyện hiến hơn chục mét vuông đất để mở rộng khúc cua đầu ngõ, giúp bà con đi lại thuận tiện hơn. Chỗ đất mà gia đình ông Quyết đóng góp ấy ước tính theo giá thị trường cũng phải tới 200 triệu đồng, đủ để mua một trang trại ven làng ở thời điểm đó.

Bên “hàng xóm” của Liên Trung - xã Thượng Mỗ, phong trào hiến đất, góp công, góp của xây dựng nông thôn mới cũng đạt kết quả nhanh đến bất ngờ. Ông Đặng Văn Hùng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã còn nhớ rõ thời khắc quan trọng lúc 8h30 sáng ngày 24-11-2013, khi đích thân ông cùng trai đinh trong họ phá bỏ bức tường trước cửa nhà dài 21m, căng dây lùi tường vào sâu 50cm để mở rộng đường ngõ. Từ một gia đình đi tiên phong, phong trào hiến đất ở xã Thượng Mỗ lan nhanh. Thôn nào cũng có hàng chục hộ tự nguyện cắt đất làm đường. Thôn Tân Thanh có hẳn mấy gia đình hiến hàng trăm mét vuông đất, mở hẳn con đường mới ô tô có thể đi vào đến cổng từng nhà. Không chỉ hiến đất thổ cư, người dân Thượng Mỗ còn tích cực hiến đất phần trăm để làm đường giao thông. Chỉ sau 2 tháng thực hiện, Thượng Mỗ đã trở thành “lá cờ đầu” của huyện Đan Phượng trong phong trào hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới. Đáng nói là Huyện ủy Đan Phượng đề ra thời hạn thực hiện trong 3 năm nhưng Thượng Mỗ hoàn thành chỉ trong 2 tháng! 

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng khẳng định, Đan Phượng - huyện đầu tiên của Thủ đô đạt chuẩn nông thôn mới, hiện đã triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở các xã Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung với những điểm nhấn “đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”. Tới đây, mô hình này sẽ được triển khai rộng ra các địa phương khác để công cuộc xây dựng nông thôn mới bảo đảm chất lượng, đồng bộ, hiệu quả, bền vững. 

Hạt giống cho tương lai

Trong tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới ở huyện Phúc Thọ, nổi bật thông tin về Hội Nghề trồng hoa xã Tam Thuấn quy tụ 34 hội viên mà ai cũng trẻ và sở hữu khối tài sản hàng tỷ đồng. Thế là chúng tôi tìm về thôn Táo 3, xã Tam Thuấn- nơi đóng trụ sở của Hội Nghề trồng hoa xã Tam Thuấn trong một ngày đầu tháng 10 để gặp gỡ các “tỷ phú chân đất”. Theo lời hẹn qua điện thoại với Chủ tịch Hội Nghề trồng hoa xã Tam Thuấn Lê Quang Dương, chúng tôi ra đồng xem các hội viên tưới nước cho những ruộng huệ mập bông sắp đến ngày thu hoạch. Tranh thủ cái nắng cuối thu gay gắt, Dương và mọi người nhanh tay vùi củ ly để  cho ra hoa vào dịp đón Tết. Những ruộng cúc giống cũng đã được che khéo để kịp bán dịp cuối năm. Vừa làm Dương vừa “kể khổ” rằng anh và các thành viên trong Hội Nghề trồng hoa xã Tam Thuấn phải thuê lại một số diện tích đất bên xã Tam Hiệp để có thêm đất canh tác chuẩn bị cho vụ hoa xuân. Anh bảo, mỗi buổi sớm mai, những chuyến xe hoa từ đây lại đều đặn tỏa về nội thành, chủ yếu tiêu thụ tại chợ hoa Quảng An và các chợ đầu mối khác, đủ các loại cúc, hồng, huệ... Dương chia sẻ, bà con Tam Thuấn đổi đời được là nhờ nông thôn mới. Những khu ruộng diện tích lớn, hạ tầng đường sá khang trang cùng với chính sách hỗ trợ cho vay vốn, khuyến khích các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Phúc Thọ suốt những năm qua chính là điểm tựa để Dương và bà con vươn lên thoát nghèo.

Mô hình trồng hoa trên địa bàn xã Tam Thuấn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Dương

Câu chuyện thoát nghèo của Dương mới thật đáng nể. Gia cảnh khó khăn nên lúc mới vào đời Dương phải đi làm phu hồ, công việc vất vả mà thu nhập bấp bênh. Cho đến một tối, trên đường từ nội thành về nhà, đi qua làng Đăm (khi ấy còn thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm) thấy đèn điện giăng trên mặt ruộng hoa sáng trưng như phố xá, Dương cứ mê mải ngắm và tưởng tượng sau này quê mình cũng rực sáng ánh đèn trên ruộng hoa như thế. Ý tưởng “học mót” nghề trồng hoa chợt lóe lên khiến Dương chẳng ngại ngần tạt ngay vào một ruộng hoa ven đường xin việc và được nhận ngay vào làm công việc tưới hoa, bốc hoa với mức lương 4 triệu đồng, còn “bèo” hơn cả công việc phu hồ. Chỉ sau 5 năm vừa học nghề vừa làm nhà vườn trồng hoa, năm 2012 Dương đã trả hết nợ, xây được nhà mới, chăm lo cuộc sống đủ đầy cho bố mẹ, vợ con. Nhà vườn của Dương còn mang lại thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng cho hàng chục lao động trong thôn. Nghề trồng hoa Dương mang về ngày nào giờ đã thay đổi hẳn diện mạo thôn Táo 3 khi làng quê có thêm nhiều tỷ phú, thêm nhiều nóc nhà khang trang, to đẹp được xây cất, nhiều ô tô được sắm mới... Từ “hạt giống” ở Tam Thuấn, nghề trồng hoa đã lan sang những xã khác, góp phần xây dựng quê hương Phúc Thọ ngày càng giàu đẹp.

Thành tựu xây dựng nông thôn mới ở Đan Phượng cũng như câu chuyện thoát nghèo của những ngườì trẻ dám nghĩ, dám làm ở Phúc Thọ có thể xem là minh chứng điển hình cho nhận định của ông Lê Thiết Cương, rằng khi nhận thức của các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thay đổi sẽ cuốn hút mọi người chung tay tạo dựng nên những miền quê đáng sống.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện ở những miền quê đáng sống