Đường Lâm - Giữ hồn cốt trong xây dựng nông thôn mới

Minh Phú| 11/10/2019 08:22

(HNM) - Làng quê Việt Nam, tự bao đời đã gắn với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình... Chính vì thế, gìn giữ nét đẹp của làng trong xây dựng nông thôn mới được xã Đường Lâm đặc biệt quan tâm.

Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Phan Văn Lợi giới thiệu: Đường Lâm gồm 9 làng, trong đó 5 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề, gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với những phong tục, tập quán và tín ngưỡng hàng nghìn năm nay không thay đổi.

Kể từ năm 2005, khi làng cổ Đường Lâm được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, chính quyền và nhân dân xã Đường Lâm đã làm rất nhiều việc để giữ gìn và tôn tạo những công trình kiến trúc cổ. Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ nhân ngôi nhà cổ gần 400 năm tuổi ở làng Mông Phụ cho biết: "Dưới nếp nhà này, nhiều thế hệ trong gia đình tôi sinh sống. Trải qua năm tháng, ngôi nhà xuống cấp nhưng đã được Nhà nước hỗ trợ trùng tu. Gia đình tôi giữ gìn cẩn thận để công trình được bảo tồn tốt nhất"... Đó chỉ là một trong số nhiều nếp nhà cổ, công trình cổ được xã Đường Lâm và người dân nơi đây bảo tồn nguyên vẹn, mang đậm nét văn hóa nông thôn truyền thống...

Triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Đường Lâm đã khai thác lợi thế, bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của làng quê. Đến hết năm 2015, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và được UBND thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dù có nhiều tuyến đường mới được mở rộng, bê tông hóa khang trang nhưng quanh co trong làng vẫn giữ được nét thân quen từ con đường cổ lát gạch; những công trình đình, đền, chùa, văn chỉ, các nhà cổ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn...

Làng cổ ở Đường Lâm còn có nhiều sản vật ngon, như: Gà Mía, kẹo lạc, kẹo vừng, chè lam, tương... được các hộ dân bảo tồn, phát triển. Ông Hà Văn Chiến, thôn Mông Phụ cho biết, có đặc sản gà Mía, từ năm 2009, gia đình đã tuyển chọn con giống, nhân giống để mở rộng chăn nuôi. Đến nay, đàn gà của gia đình có quy mô 4.000 con. Mỗi năm, từ chăn nuôi gà Mía, gia đình thu được hơn 100 triệu đồng. Bà Phan Thị Bao, chủ cơ sở bánh kẹo Hiền Bao cho biết, gia đình giữ gìn và phát triển nghề làm bánh kẹo truyền thống. Hiện nay, các sản phẩm kẹo lạc, chè lam... của cơ sở không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường mà ngay tại nơi sản xuất của gia đình đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách mỗi khi đến với làng cổ Đường Lâm.

Đường Lâm đang khai thác lợi thế, đặc biệt là sự khác biệt của nông nghiệp, nông thôn để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, coi đây là một trong những giải pháp tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Mông Phụ đã mở cửa đón khách đến tham quan. Như một người làm du lịch thực thụ, ông đã trực tiếp giới thiệu cho du khách về ngôi nhà; gia đình còn làm cơm với các món ăn dân dã của Đường Lâm phục vụ du khách. Cùng với đó, gia đình ông Hùng còn làm chè lam để du khách trải nghiệm nghề truyền thống và mua sản phẩm về làm quà... “Người Đường Lâm vẫn tự hào, dù đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở nhiều làng quê khác, nhưng các thôn nơi đây vẫn giữ được những phong tục, tập quán đẹp của vùng nông thôn truyền thống. Các gia đình đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và cuộc sống... Đây chính là yếu tố văn hóa, góp phần bồi đắp tinh thần, cổ vũ, động viên nhân dân trong xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Giang Mạnh Hoàng cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đường Lâm - Giữ hồn cốt trong xây dựng nông thôn mới