Nét đẹp văn hóa ở huyện Thường Tín

Bài và ảnh: Hà My| 03/10/2019 10:56

(HNMCT) - Với sự chung tay của các cấp ngành, đặc biệt là sự vào cuộc của đông đảo nhân dân, thời gian qua, hệ thống phòng đọc sách báo trong khu dân cư đã được phát triển rộng khắp ở huyện Thường Tín. Cũng từ đây nhiều cách làm hay và sáng tạo đã đưa phong trào đọc sách báo ở huyện Thường Tín đang ngày càng lan tỏa sâu rộng, góp phần không nhỏ nâng cao dân trí và đời sống văn hóa cộng đồng.

Một góc phòng đọc sách báo thôn Bình Vọng, xã Văn Bình huyện Thường Tín.

Đọc sách báo đã trở thành “nếp làng”

“Tôi nghĩ thư viện không chỉ hoạt động trong bốn bức tường mà phải mở rộng ra ngoài khu dân cư để nâng cao dân trí, đẩy mạnh văn hóa cộng đồng” - cụ Nguyễn Ngọc Giám, người thủ thư 89 tuổi chia sẻ về phương châm hoạt động của phòng đọc sách báo thôn Đống Chanh, xã Minh Cường, huyện Thường Tín. Không chỉ mở cửa phòng đọc hằng ngày để phục vụ người dân trong thôn đến đọc sách báo, nhiều năm qua cụ Giám còn có sáng kiến mang sách báo tới tận tay những độc giả không có điều kiện đến với phòng đọc. Chị Nguyễn Thị Mai, bán hàng ăn tại thôn Đống Chanh là một trong số đó. Hằng ngày dù rất bận bịu bán hàng và công việc đồng áng nhưng nhờ những tờ báo cụ Giám đưa đến tận nhà nên chị vẫn có thể nắm bắt mọi thông tin đời sống xã hội của thành phố và cả nước. Từ người thợ cắt tóc, chủ quầy tạp hóa hay bán hàng ăn như chị Mai, những tờ báo, cuốn sách tiếp tục được chuyền tay đến nhiều người khác.

Trải qua 37 năm phát triển, đến nay phòng đọc sách báo dưới mái đình thôn Đống Chanh sở hữu 1.200 cuốn sách cùng 4 đầu báo đem đến nguồn tri thức, thông tin dồi dào tới đông đảo người dân trong thôn. Trung bình mỗi năm phòng đọc sách báo thôn Đống Chanh thu hút khoảng 8.000 lượt bạn đọc. Tình yêu sách báo theo đó thấm sâu, lan rộng trong cộng đồng, đọc sách báo đã trở thành "nếp làng" ở thôn Đống Chanh và lan tỏa ra khắp các thôn khác ở xã Minh Cường.

Xét về quy mô, nhiều người cho rằng phòng đọc sách báo thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín có thể được coi là một trong những thư viện hàng đầu ở các vùng nông thôn hiện nay. Từ sự đóng góp nhiều nguồn thông qua xã hội hóa, thư viện thôn Bình Vọng hiện sở hữu kho sách lên tới khoảng 10.000 cuốn cùng 5 đầu báo, phục vụ nhu cầu đọc đa dạng của người dân trong thôn. Đây cũng được coi là thư viện cộng đồng có lượng thủ thư trông nom, quản lý nhiều nhất với 127 người. Họ là những cán bộ công chức về hưu, là những nông dân quen việc đồng áng nay trở thành những “viên chức không lương” tự nguyện chia thành 7 nhóm, thay phiên nhau quán xuyến để có thể mở cửa phòng đọc đều đặn cả 7 buổi chiều trong tuần.

Ông Lưu Kim Thiều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sách báo thôn Bình Vọng phấn khởi cho biết: “Trải qua biết bao khó khăn trong những ngày đầu ra mắt, song với quyết tâm xây dựng và phát triển phong trào đọc sách báo rộng rãi trong nhân dân, 20 năm qua chúng tôi đã bền bỉ duy trì và phát triển phòng đọc sách báo này. Hiện nay mỗi tháng phòng đọc đón khoảng 600 người tới đọc sách báo. Rất vui là phòng đọc đã trở thành địa chỉ thân quen để người dân lui tới mỗi ngày. Cũng từ đây thói quen đọc sách báo được gây dựng, nhất là trong lớp trẻ giữa bối cảnh công nghệ thông tin, mạng internet phát triển mạnh như hiện nay”. Cháu Trần Thị Thanh Thư, 13 tuổi, công dân “nhí” của thôn Bình Vọng cho biết: “Vào dịp hè cháu và các bạn thường đến phòng đọc sách suốt cả tuần, bây giờ vào năm học bận rộn hơn nên mỗi tuần cháu đến mượn 6 - 7 cuốn về nhà đọc. Cháu thấy đọc sách rất bổ ích mà lại rất vui”.

Nuôi dưỡng văn hóa đọc trong giới trẻ

Ông Nguyễn Văn Hiến, công chức văn hóa xã Văn Bình cho biết: “3/3 thôn trong xã Văn Bình hiện nay đều đã hình thành, duy trì các phòng đọc sách báo. Nhờ sự tham gia tích cực của người dân các thôn, đặc biệt là những người cao tuổi có tâm huyết, hoạt động tại các phòng đọc cộng đồng được đẩy mạnh, lượng người đọc tăng cao, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên”. Còn ông Đào Văn Ta, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Cường thì khẳng định: “4/4 phòng đọc sách báo trong xã đã góp phần thúc đẩy công tác giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong cộng đồng dân cư. Kết quả thấy rõ khi mỗi năm xã có 50 - 60 cháu đỗ các trường đại học, không khí xóm làng luôn đoàn kết, vui tươi, mọi người đều thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Phòng đọc cộng đồng thôn Bình Vọng, xã Văn Bình và thôn Đống Chanh, xã Minh Cường là hai trong số những mô hình tủ sách cơ sở thành công trong việc kêu gọi xã hội hóa có được lượng sách báo lớn, thu hút đông đảo bạn đọc thường xuyên tới đọc. Đến nay mô hình phòng đọc sách báo cơ sở đã được lan tỏa ra 29/29 xã, thị trấn trong toàn huyện với quy mô sách báo, lượng người đọc ngày càng tăng cao. Ngoài lượng sách hiện có, mỗi năm hai lần huyện phối hợp với Thư viện thành phố Hà Nội tổ chức luân chuyển hàng trăm đầu sách tới các tủ sách cơ sở làm phong phú về số lượng và chất lượng sách báo phục vụ bạn đọc tại các thôn, xã.

Ông Lê Mạnh Cường, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Tín cho biết: “Huyện Thường Tín sẽ tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt phát triển văn hóa đọc với lộ trình, kế hoạch cụ thể. Huyện cũng tiếp tục tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày đầu sách theo các chuyên đề về các ngày lễ, kỷ niệm trong năm; tổ chức ngày hội sách và văn hóa đọc, hội thi tuyên truyền giới thiệu sách hè, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống phòng đọc... Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục quan tâm kêu gọi xã hội hóa, đóng góp nguồn sách báo, trang thiết bị phòng đọc, đẩy mạnh hoạt động của hệ thống các phòng đọc sách, tủ sách cơ sở, thúc đẩy phong trào đọc sách trong cộng đồng ngày một phát triển, trong đó chú trọng định hướng và nuôi dưỡng văn hóa đọc trong giới trẻ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp văn hóa ở huyện Thường Tín