Phát huy thế mạnh ở vùng đất bãi

Ánh Dương| 02/10/2019 07:30

(HNM) - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất bãi ven sông Đáy, huyện Ứng Hòa đã đưa một số giống cây rau, quả vào sản xuất, như: Cam Canh, chuối tiêu hồng, táo chua, bưởi Diễn, rau an toàn… Nhờ vậy, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nông dân thôn Vĩnh Thượng (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa) chăm sóc cây dưa lê. Ảnh: Phương Uyên

Vùng đất bãi xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) có tổng diện tích hơn 40ha tập trung chủ yếu ở hai thôn Vĩnh Thượng và Vĩnh Hạ. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thượng (xã Sơn Công) Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết: Trước đây, nông dân thôn Vĩnh Thượng chủ yếu trồng dưa chuột và rau gia vị, cải bắp, su hào... nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2010, thôn thực hiện chuyển đổi cơ cấu, trồng dưa lê vụ xuân hè, dưa chuột lai vụ thu đông và các loại rau theo mùa...

Nhờ vậy, mỗi sào ruộng cho thu nhập từ 15 đến 18 triệu đồng/năm. Nhiều hộ trồng rau, củ, quả trên diện tích gần 2 mẫu, doanh thu tới hàng trăm triệu đồng/năm, như gia đình các ông Đỗ Văn Thắng, Ngô Văn Lợi, Ngô Văn Bảo... Do rau, củ, quả ở Vĩnh Thượng được sản xuất theo quy trình an toàn, nên thương lái đến tận ruộng thu mua, nông dân không phải tìm nơi tiêu thụ.

Tại thôn Vĩnh Hạ (xã Sơn Công), nông dân đã tập trung trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, như: Bưởi Diễn, táo chua, táo đào vàng... trên tổng diện tích hơn 40 mẫu. Ông Trịnh Quang Trưng ở thôn Vĩnh Hạ cho biết, gia đình trồng táo chua, táo đào vàng trên 5,5 sào, thu hoạch vào dịp trước Tết, cho thu nhập khá. Ngoài ra, khi hết mùa táo, gia đình ông lại tận dụng đất trống, trồng cây ngắn ngày nên cũng tăng thêm thu nhập.

Với hơn 100ha đất bãi ven sông Đáy, tập trung ở các thôn Thành Vật, Đoàn Xá, Giang Soi, nông dân xã Đồng Tiến đã trở thành điển hình trong chuyển đổi phát triển trồng cây ăn quả của huyện Ứng Hòa. Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến Dương Tuấn Anh cho biết: Từ năm 2003, nhân dân đã đưa các giống bưởi Diễn, bưởi Mỹ về trồng ở vùng đất bãi, cho năng suất cao, giá trị kinh tế đạt từ 400 đến 450 triệu đồng/ha/năm. Ban đầu có hơn 30ha trồng bưởi, đến nay, toàn xã đã phát triển diện tích trồng bưởi lên 57ha.

Nhiều hộ gia đình mạnh dạn trồng bưởi diện tích tới 1ha... "Xã đã thành lập Hợp tác xã Bưởi VietGAP Đồng Tiến với mục tiêu sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ. Đồng thời, UBND huyện cũng giao xã kết nối với các đơn vị nhằm hỗ trợ, nâng cao kỹ thuật cho các hộ trồng bưởi tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu đối với sản phẩm bưởi Đồng Tiến để từ đó nhân rộng ra các vùng bưởi khác trên địa bàn huyện”, ông Dương Tuấn Anh cho biết thêm.

Nhờ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng đất bãi ven sông Đáy nên đến nay, huyện Ứng Hòa đã có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập từ 350 đến 700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5-7 lần so với trồng các loại cây màu. Điển hình như mô hình cây bưởi Diễn tại các xã: Viên Nội, Đồng Tiến, Hòa Xá. Nhiều hộ trồng bưởi cho thu nhập cao, như hộ gia đình các ông Nguyễn Văn Dũng, Quản Văn Nhanh (xã Đồng Tiến), Nguyễn Hữu Hải, Nguyễn Hữu Hồng (xã Viên Nội), Cao Văn Hữu (xã Hòa Xá)...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho hay: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên vùng đất bãi để có thu nhập cao, huyện Ứng Hòa đặt mục tiêu mở rộng vùng trồng cây bưởi Diễn với diện tích 457ha ở các xã ven sông Đáy. Trên cơ sở vùng cây bưởi Diễn đã có, huyện chú trọng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và tập trung xây dựng nhãn hiệu bưởi VietGAP Đồng Tiến, Hòa Xá, Viên Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy thế mạnh ở vùng đất bãi