Huyện Thường Tín: Phát huy lợi thế từ sản xuất nông nghiệp

Đỗ Minh| 27/09/2019 08:05

(HNM) - Vùng đất trũng tập trung chuyển đổi sang mô hình vườn - ao - chuồng, vùng đất bãi phát triển trồng rau màu, cây ăn quả…, với định hướng này, huyện Thường Tín đã phát huy lợi thế từ sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Vùng đất trũng tập trung chuyển đổi sang mô hình vườn - ao - chuồng, vùng đất bãi phát triển trồng rau màu, cây ăn quả…, với định hướng này, huyện Thường Tín đã phát huy lợi thế từ sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nghiêm Xuyên là một trong những xã điển hình của huyện Thường Tín trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Là hộ gia đình tiên phong trong chuyển đổi phát triển sản xuất nông nghiệp của xã, ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Nghiêm Xá cho hay: Gần 2ha đất trồng lúa của gia đình đã chuyển đổi sang mô hình vườn - ao - chuồng.

Khởi đầu khu chuyển đổi của ông có 1 ao thả cá kết hợp với khu vườn trồng cây ăn quả, sau thời gian canh tác, thấy hiệu quả, ông đã thuê thêm ruộng của các hộ gia đình lân cận để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, khu chuyển đổi của gia đình ông có một ao thả cá giống và ao thả cá thương phẩm. Giống cá nuôi thả chủ yếu là trắm, chép, trôi… Xung quanh bờ ao, ông kết hợp trồng cây bưởi Diễn, nhãn… vừa tạo bóng mát cho ao nuôi cá và cho thu hoạch hoa, quả. Đến nay, mô hình vườn - ao - chuồng của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn cho thu nhập từ 600 triệu đồng trở lên/năm.

Không riêng hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, theo Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên Hoàng Xuân Hữu, hiện trong khu chuyển đổi của xã đã có 86 hộ nuôi trồng thủy sản với diện tích 80ha. Các hộ chuyển đổi đều tập trung đầu tư cải tạo ao nuôi cá bảo đảm kỹ thuật, chú trọng chất lượng con giống, áp dụng khoa học, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học. Nhìn chung các mô hình sản xuất bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, thấp nhất cũng đạt 200 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có mô hình cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm.

Còn tại xã Vân Tảo, tận dụng thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, nông dân ở đây đã chuyển đổi sang trồng hoa đào cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Bùi Văn Nguồn, thôn Đông Thai cho biết: Năm 2005, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1.800m2 sang trồng hoa đào. Đến nay, gia đình ông duy trì trồng, chăm sóc hơn 300 gốc đào. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, gia đình thu lãi từ 600 đến 700 triệu đồng. Theo thống kê, toàn xã Vân Tảo có khoảng 900 hộ gia đình với gần 100ha chuyên trồng hoa đào. Mô hình trồng hoa đào của xã cho thu nhập từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy thông tin, thời gian qua, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh, chất lượng cao. Vì vậy, huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, lúa hàng hóa ở các xã: Tự Nhiên, Chương Dương, Nghiêm Xuyên, Tân Minh, Thư Phú...

Cùng với chuyển đổi, huyện còn vận động các hộ gia đình xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất chất lượng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 14 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điển hình như: Nuôi trồng thủy sản ở xã Nghiêm Xuyên, trồng rau ở các xã Tân Minh, Thư Phú, trồng cam Canh ở xã Tự Nhiên... Các mô hình này hiện nay tuy quy mô còn nhỏ, nhưng bước đầu đã khẳng định ưu thế và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho hay, phát huy kết quả đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành thêm các cơ chế, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thường Tín: Phát huy lợi thế từ sản xuất nông nghiệp