Xây dựng nếp sống văn minh ở huyện Gia Lâm: Nhiều chuyển biến tích cực

Bài và ảnh: Chi Mai| 25/09/2019 16:21

(HNMCT) - Thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh được các cấp, ngành ở huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm, nhờ đó đã từng bước tạo được chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để nếp sống văn hóa, văn minh ngày càng bén rễ trong đời sống, đặc biệt là trước yêu cầu của một huyện ngoại thành sắp chuyển đổi thành quận, mỗi người dân và các ngành chức năng của huyện Gia Lâm cần chung tay thực hiện nhiều hơn những giải pháp đồng bộ.

Những bức bích họa làm làng quê Văn Đức thêm sạch đẹp.

Thấm sâu nếp sống văn minh

Đến xã Văn Đức những ngày này, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo mới lạ của một vùng quê thuần nông nằm ngoài đê sông Hồng. Giữa màu xanh ngút mắt của rau màu đang vào vụ đông, những ngôi làng ở Văn Đức hiện ra với nhà cửa khang trang, đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp... Nhưng hút mắt nhất chính là những bức bích họa đang ngày càng hiện diện ở các thôn làng của Văn Đức. Ông Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Văn Đức cho biết, từ tháng 6 đến nay, dự án tranh 3D “Nông nghiệp sạch - Thành phố xanh” nhằm tôn vinh văn hóa làng được thực hiện tại thôn Chử Xá đã đem đến bộ mặt hoàn toàn mới cho vùng quê Văn Đức. Từ đây, hiệu quả thực hiện các mô hình giữ gìn vệ sinh môi trường tại xã Văn Đức được nâng cao.

Chị Chử Thị Thiệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Văn Đức, cho biết: “Hội Phụ nữ xã đã tích cực tuyên truyền vận động chị em hội viên hằng ngày quét dọn, vệ sinh xung quanh nhà mình, vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần thì tham gia vệ sinh chung tại các địa điểm công cộng. Ngày rằm, mùng một âm lịch hằng tháng, tổ Phụ nữ tình nguyện vì môi trường xã Văn Đức lại tổ chức vệ sinh tại các di tích lịch sử, văn hóa. Chúng tôi cũng đang thực hiện 3 mô hình tuyến đường hoa nở, 2 mô hình Nhà văn hóa sáng - xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt từ khi có dự án vẽ tranh tường tại các không gian công cộng, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của bà con càng tăng lên”. Còn chị Đặng Hải Yến ở thôn Chử Xá thì cảm nhận: “Thời gian qua, người dân trong xã đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là từ khi có các bức bích họa quanh xã. Đường sá được quét dọn thường xuyên hơn, sạch sẽ hơn, tình trạng xả rác bừa bãi giảm đi rõ rệt”.

Đối với ông Trần Văn Chung (70 tuổi, thôn Chử Xá), nếp sống mới thể hiện rõ nhất ở việc cưới, việc tang. Ông Chung cho biết, ngày trước gia đình nào có con tổ chức đám cưới là phải lo sắm đủ vài ba buồng cau thật to để chia đủ tới tất cả các hộ trong làng. Rồi còn thêm chuyện thách cưới, ăn uống linh đình. Giờ những thủ tục rườm rà ấy đã bị lược bỏ, đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, gói gọn trong một ngày. Việc tổ chức tang lễ cũng đã ngày càng theo hướng văn minh khi số trường hợp đưa đi hỏa táng tăng dần.

Ông Trần Văn Điệu, Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết: “Quá trình xây dựng nông thôn mới cũng là quá trình chính quyền và nhân dân trong xã cùng nỗ lực giữ gìn, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử quý giá mà cha ông để lại, chung tay xây dựng không gian sống xanh - sạch - đẹp, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong cộng đồng... Cùng với sự tăng cao về thu nhập, hệ thống trường học, đường giao thông, nhà văn hóa được đầu tư, chỉnh trang, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao, từ đó nếp sống văn minh ngày càng thấm sâu, lan tỏa trong cộng đồng”.

"Thêm một khóm hoa, bớt một túi rác..."

Với mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với các tiêu chí phát triển đô thị, thời gian qua công tác xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh được các cấp, ngành ở huyện Gia Lâm chú trọng ngay từ cấp cơ sở và từng bước tạo được chuyển biến tích cực. Các xã, thị trấn trong huyện đã vận dụng sáng tạo, chủ động cụ thể hóa các định hướng phát triển đời sống văn hóa, các mục tiêu của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện đề án "Nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2018 - 2020", tích cực xây dựng “Thôn tổ dân phố an toàn - văn minh - sạch đẹp” và “Khu dân cư thân thiện với môi trường”...

Những định hướng đó được cụ thể hóa bằng các mô hình “Tuyến đường nở hoa”, phong trào “Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh”, phong trào “Câu lạc bộ tình nguyện vì môi trường”, phong trào thi đua thực hiện “3 nhóm mô hình, 10 phần việc” với khẩu hiệu: “Thêm một khóm hoa, bớt một túi rác, trồng thêm mỗi cây xanh, nông thôn ngày một sạch”... ở các xã Kim Sơn, Yên Viên, Đông Dư, thị trấn Yên Viên... Với những nỗ lực trong đầu tư, nâng cấp, hiện nay 192/192 thôn, tổ dân phố toàn huyện đã có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng; ngoài ra huyện có 128 sân bóng chuyền, 76 sân bóng đá, 348 sân cầu lông, 32 vườn hoa, sân chơi công cộng, 132 điểm lắp đặt thiết bị thể dục thể thao ngoài trời, vườn hoa, sân chơi công cộng tại các thôn, tổ dân phố. Từ đó các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức sôi nổi, trải đều suốt cả năm đã tạo không khí phấn khởi, đoàn kết trong nhân dân. Việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội văn minh được tuyên truyền sâu rộng và ngày càng được nhân dân hưởng ứng thực hiện.

Bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Gia Lâm khẳng định: “Từ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cấp huyện tới cơ sở, đời sống văn hóa, nếp sống văn minh đã hình thành và ngày càng được củng cố; lối ứng xử thân thiện với cộng đồng, môi trường từng bước trở thành thói quen thường nhật của người dân; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thêm bài bản, chất lượng hơn, lôi cuốn đông đảo người dân tham gia. Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả mang tính chiều sâu hơn nữa, chúng tôi đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, với nhiều đổi mới, sáng tạo.

Trong những giải pháp đó, huyện Gia Lâm xác định tập trung làm tốt công tác tuyên truyền vận động phù hợp thực tế, đảm bảo tính hiệu quả, tránh hoạt động mang tính hình thức, lãng phí; đồng thời nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, cụ thể hóa các tiêu chí, xây dựng con người văn hóa từ nền tảng gia đình văn hóa..., tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nếp sống, ứng xử, giao tiếp trong nhân dân; gắn kết và phát huy vai trò của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với chương trình xây dựng nông thôn mới; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và các phong trào thi đua ở địa phương”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nếp sống văn minh ở huyện Gia Lâm: Nhiều chuyển biến tích cực