Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở Sơn Tây

Ánh Dương| 25/09/2019 07:31

(HNM) - Cùng với việc hỗ trợ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thị xã Sơn Tây đã và đang có những hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có mô hình nuôi đà điểu và trồng cây gai, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Phùng Văn Chuy, thôn Thủ Trung, xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây), cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu chăn nuôi lợn, nhưng do bệnh dịch và hiệu quả kinh tế không cao nên đã chuyển sang chăn nuôi đà điểu. Theo tính toán của ông Phùng Văn Chuy, đà điểu nuôi khoảng 7-8 tháng sẽ có trọng lượng 90-100kg, cho thu nhập 8-8,5 triệu đồng/con, sau khi trừ chi phí thu lãi 2-3 triệu đồng/con. Quá trình chăn nuôi không vất vả do đà điểu chủ yếu ăn cỏ, rau tạp, cám gà. Chỉ cần một lao động là có thể chăm sóc được vài trăm con đà điểu…

Chăn nuôi đà điểu

Thời gian qua, mô hình chăn nuôi đà điểu thương phẩm đã phát triển rộng khắp trên địa bàn thị xã Sơn Tây. Đặc biệt là từ giai đoạn 2017-2018, thị xã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi đà điểu thương phẩm, đã thu hút 39 hộ gia đình ở các xã, phường như: Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ và Xuân Khanh đăng ký tham gia. Đợt đầu, thị xã xét duyệt 14 hộ đủ điều kiện, mỗi hộ nuôi 20-100 con. Mặc dù các hộ nuôi đà điểu tự tìm nơi tiêu thụ, nhưng do cung không đủ cầu nên thu nhập khá cao, tới hàng trăm triệu đồng. Đến nay, số hộ chăn nuôi đà điểu ở thị xã Sơn Tây tăng lên gần 60 hộ, mỗi hộ nuôi 20-450 con.

Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phan Thị Thu Hiền cho biết: Hiện thị xã có gần 10 hộ chuyển từ nuôi đà điểu thương phẩm sang nuôi đà điểu giống. Mỗi năm, các hộ này cung cấp cho thị trường khoảng 3.000-4.000 con đà điểu giống. Để chủ động nguồn cung con giống, một số hộ đã tập trung chăn nuôi đà điểu sinh sản với quy mô 100-120 con. Sau khi trừ chi phí, các hộ chăn nuôi đà điểu sinh sản, giống, thương phẩm thu lãi từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/hộ/năm.

Cùng với phát triển chăn nuôi đà điểu, đầu năm 2019, thị xã Sơn Tây triển khai thí điểm mô hình trồng cây gai trên địa bàn xã Thanh Mỹ, để lấy thân vỏ làm nguyên liệu cho ngành dệt. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Mỹ (xã Thanh Mỹ) Phùng Tuấn Anh chia sẻ: Được sự hỗ trợ của thị xã, hợp tác xã triển khai trồng thí điểm cây gai trên diện tích 1.000m2 tại khu ruộng thuộc địa bàn thôn Thủ Trung, đã cho thu hoạch 1 lứa. Ưu điểm của việc trồng cây gai là chỉ mất công làm đất, chăm sóc, nhổ cỏ trong 2 tháng đầu, sau khi cây được 3 tháng tuổi sẽ cho thu hoạch trong thời gian 50 ngày/đợt. Chu kỳ sinh trưởng và thu hoạch của cây gai kéo dài tới 8 năm. Như vậy, nông dân chỉ mất công đầu tư, chăm sóc một lần, nhưng được thu hoạch liên tục trong nhiều năm và cho thu nhập cao gấp 5-6 lần trồng rau màu/năm. “Hiệu quả mô hình trồng cây gai rất rõ rệt. Trong tháng 9-2019, hợp tác xã mở rộng diện tích trồng cây gai lên 2ha và tiếp tục khuyến khích các hộ chuyển đổi từ trồng lạc, sắn cho thu nhập thấp sang trồng cây gai. Hợp tác xã sẽ chịu trách nhiệm ký hợp đồng với đơn vị thu mua sản phẩm ổn định, lâu dài cho các hộ dân”, ông Phùng Tuấn Anh khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong cho biết: Nhằm tạo bước chuyển căn bản trong sản xuất nông nghiệp, thị xã đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai một số mô hình mới, như: Trồng hoa, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa, nhất là vận động nông dân chuyển sang chăn nuôi đà điểu và trồng cây gai, bởi các mô hình này cho thu nhập cao, ổn định. Đồng thời, thị xã tích cực hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, tạo điều kiện cho chuyển đổi, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước giúp nông dân vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở Sơn Tây