Thiết chế văn hóa cho trẻ em nông thôn: Tầm nhìn xa và giải pháp dài hạn

Lam Điền| 18/09/2019 16:17

(HNNN) - Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội những năm qua đã ghi nhận nhiều chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, chăm sóc trẻ em là câu chuyện dài, còn nhiều thách thức, trong đó có vấn đề thiết chế văn hóa cho trẻ em ở vùng nông thôn còn thiếu, nghèo nàn... chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ. Để giải quyết thấu đáo bài toàn này, giúp trẻ em nông thôn phát triển toàn diện, rất cần một tầm nhìn xa cộng với hệ thống giải pháp hiệu quả...

Vẫn luôn phải đối phó tình thế

Nhà giáo Đinh Công Phu, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Quang (huyện Ba Vì) cùng chúng tôi rảo bước trên sân trường và chia sẻ: “Trường có khuôn viên trên 10.000m2, sân chơi rộng trên 3.000m2, nhà thi đấu đa năng rộng trên 500m2…, nhưng trong các thôn bản thì các em lại rất thiếu chỗ vui chơi. Đó không phải là “chuyện riêng” của xã này mà nhiều nơi khác cũng vậy. Đã lâu lắm rồi, tình trạng này chưa được cải thiện...”.

Thiếu sân chơi, thanh thiếu niên phải thi đấu thể thao trong sân đình.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, hiện nay trên địa bàn toàn thành phố có hơn 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, nhưng phần lớn các điểm đó nằm ở các quận, thị xã hoặc các thị trấn, trong khi phần lớn các thôn, bản khu vực nông thôn ngoại thành, miền núi lại chưa có, đặc biệt là sân chơi cho trẻ em. Những nơi có không gian công cộng, nơi vui chơi miễn phí cho trẻ em thì chưa được đầu tư bài bản, thiếu trang thiết bị, thiếu nhân sự tổ chức sự kiện, hoặc thiếu sự quản lý chặt chẽ dẫn đến tình trạng người lớn lấn sân chơi của trẻ em, hoặc sân chơi bị thu hẹp do bị chiếm dụng làm nơi để vật liệu xây dựng, đỗ xe... Những nơi có khu vui chơi do tư nhân đầu tư thì vé vào cửa lại không “mềm” so với số đông trẻ em nông thôn. Một số cơ sở kinh doanh trang thiết bị vui chơi lưu động có chung khó khăn là thiếu địa điểm thuê mượn dài ngày, cũng không thu hút được số lượng lớn trẻ em tham gia do quy mô nhỏ, thiết bị kém thẩm mỹ và trò chơi đơn điệu...

Để “tạm” tháo gỡ vấn đề, nhiều thôn, bản khu vực nông thôn ngoại thành, miền núi ở Thủ đô  đã cho trẻ em vào “chơi chung” trong nhà văn hóa. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội thì hiện nay toàn thành phố có 2.330/2.528 (92,2%) thôn có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, chủ yếu mới bảo đảm về diện tích, chưa bảo đảm về trang thiết bị cũng như nội dung, phương thức hoạt động. Nhìn chung, thiết chế văn hóa ở các thôn, bản chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi của trẻ em. Ông Nguyễn Quang Thắng, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội đánh giá: “Hầu hết các nhà văn hóa đều thiếu quy chế hoạt động; nội dung sinh hoạt còn đơn điệu, nghèo nàn, chưa thường xuyên hoặc hoạt động phong trào theo thời vụ”.

Không khó để chỉ ra hai nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên. Trước hết là do thiếu sót trong quy hoạch. Nhiều địa phương “biện” lý do không có quỹ đất để xây dựng nơi vui chơi cho trẻ, trong khi việc quy hoạch là của chính q địa phương. Thứ hai là do nhận thức chưa đầy đủ, cho rằng nhu cầu vui chơi của trẻ em không phải nhu cầu lớn so với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác nên chưa đầu tư, hoặc đầu tư chưa tương xứng và nhìn chung còn thiếu tầm nhìn xa nên nhiều điểm vui chơi nhanh chóng quá tải hoặc lạc hậu...

Qua gần 4 năm thực hiện Văn bản số 8826/UBND-XDGT của UBND thành phố Hà Nội (ban hành ngày 10-12-2015) về việc quản lý, đầu tư vườn hoa, sân chơi công cộng trên địa bàn thành phố, trong đó, một yêu cầu quan trọng là “giải quyết vấn đề sân chơi, vườn hoa cho nhân dân, đặc biệt là các sân chơi trẻ em đảm bảo chất lượng và số lượng, phong phú về nội dung”, vấn đề thiết chế văn hóa cho trẻ em ở vùng nông thôn vẫn chưa thể mang lại hiệu quả như mong muốn. Thiếu sân chơi an toàn và bổ ích, trẻ em không tận dụng được thời gian ngoài giờ học để vui chơi, thư giãn, làm mới mình bằng cách vận động, sinh hoạt nhóm và cộng đồng để phát triển toàn diện. Cũng vì thế các em có thể sa đà vào các trò tiêu khiển vô bổ, thậm chí tiêu cực, chưa kể đến nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông, bơi tắm trên sông nước...

Kết hợp nhiều giải pháp

Thiết chế văn hóa cho trẻ em nói chung, đặc biệt là cho trẻ em vùng nông thôn - nói nôm na là “sân chơi” cho trẻ, tưởng là việc nhỏ nhưng thực sự là một vấn đề lớn. Trẻ em nông thôn có lợi thế khi gần gũi môi trường thiên nhiên hơn trẻ ở thành phố, song đô thị hóa và những mặt trái của kinh tế thị trường và đời sống hiện đại đang thu hẹp dần những không gian vui chơi lành mạnh, bổ ích của trẻ em nơi đây. Do đó, xây dựng, củng cố thiết chế văn hóa cho trẻ em nông thôn vừa là nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề chăm sóc giáo dục trẻ, vừa là việc làm có ý nghĩa tạo dựng nền tảng xây dựng, bồi đắp con người mới, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công ở Hà Nội...

Ngõ nhỏ trở thành "sân bóng đá"

Để làm được điều đó, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong cả nhận thức và hành động thì còn cần đến sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng với những giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Những đầu việc là không ít, từ quy hoạch, dành quỹ đất để xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, tạo không gian riêng cho các em cho đến huy động các đoàn thể cùng quản lý, xây dựng chương trình hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn cho trẻ...

Về các giải pháp ngắn hạn, ví dụ trong dịp hè vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở tạo điều kiện cho học sinh được vào ôn tập, đọc sách, vui chơi, tập luyện... tại thư viện, nhà thể chất, sân vận động, bể bơi... của các trường. Nhưng, theo nhà giáo Đinh Công Phu thì trong thực tế có rất ít nơi làm được như vậy. Để có thay đổi tích cực và hiệu quả, phải bổ sung, điều chỉnh quy chế phối hợp giữa nhà trường với đoàn thanh niên cơ sở nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục, rèn luyện thanh, thiếu niên trong hè. Hết hè, phải có kiểm định hiệu quả cụ thể chứ không chỉ “bàn giao trên giấy”.

Một giải pháp nữa là từng bước xã hội hóa các điểm vui chơi tư nhân để thu hút nhiều hơn số trẻ em được tham gia; khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư mở thêm điểm hoạt động thể thao, vui chơi cho trẻ em. Tuy nhiên, điều này không dễ vì phải giải quyết nhiều vấn đề: Làm sao cân đối giữa kinh doanh và phục vụ; quỹ đất ở đâu, liên quan đến quy hoạch chung ra sao... Ông Đinh Bá Tú ở thôn Nội (xã Minh Quang, huyện Ba Vì) đề xuất: Nên mở rộng công tác xã hội hóa các điểm vui chơi tư nhân dành cho trẻ em. Bước đầu, có thể đầu tư trang thiết bị vui chơi ngoài trời cho trẻ em, đặt ở sân nhà văn hóa, hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân mở cơ sở cung cấp dịch vụ vui chơi. Tuy nhiên, phải căn cứ vào tình hình cụ thể ở từng địa phương và phải có cơ chế phối hợp quản lý tốt.

Cùng với những việc trước mắt, lâu dài cần có giải pháp căn cơ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội cho rằng: Sở Văn hóa và Thể thao cần tham mưu cho UBND thành phố hoàn thiện và bổ sung cơ chế, chính sách cho các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao (kêu gọi nguồn xã hội hóa xây dựng các nhà văn hóa, trang thiết bị...; đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ việc thiết kế, xây dựng nội dung hoạt động cho các thiết chế văn hóa tại cơ sở...) để các thiết chế văn hóa cơ sở thực sự phát huy hiệu quả ở cộng đồng, khu dân cư.

Vui chơi thực sự là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển, hoàn thiện thể lực, trí lực ở trẻ em. Trẻ em nông thôn hôm nay lại càng có nhu cầu được chơi mà học, học mà chơi trong những điều kiện phù hợp với môi trường sống. Bằng từng việc làm cụ thể, kịp thời và bài bản như trên, hy vọng câu chuyện này sẽ được cải thiện rõ rệt, mang lại niềm vui thiết thực cho trẻ, vun đắp nền tảng văn hóa cộng đồng bền vững cho nông thôn mới Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiết chế văn hóa cho trẻ em nông thôn: Tầm nhìn xa và giải pháp dài hạn