Nhân dân - chủ thể xây dựng đời sống văn hóa nông thôn

Hà My Nguồn:  thực hiện| 17/09/2019 10:49

(HNNN) - Từ công cuộc xây dựng nông thôn mới, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, ngoại thành Thủ đô đã được khơi dậy mạnh mẽ. Ở đó, người dân đã thể hiện rõ hơn vai trò chủ thể của mình trong xây dựng đời sống văn hóa, nỗ lực cống hiến sức người, sức của cho quê hương. Đó là những chia sẻ của ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội xung quanh câu chuyện xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới 10 năm qua.

- Một trong những kết quả nổi bật qua 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” của Thành ủy Hà Nội là đã góp phần củng cố môi trường văn hóa nông thôn ngày càng văn minh, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân các vùng ngoại thành. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Việc thực hiện tiêu chí văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố trong những năm qua đã góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú cho người dân nông thôn, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Các địa phương đã quan tâm hơn đến nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, từ đó, tạo điều kiện thu hút người dân tham gia thường xuyên vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, chỉnh trang cảnh quan môi trường thôn quê.

Chưa bao giờ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các vùng ngoại thành lại phong phú như hôm nay. Nhiều nhà văn hóa hoạt động sôi nổi quanh năm, với nhiều loại hình câu lạc bộ (CLB) cho mọi lứa tuổi. Có những CLB rất mới như CLB Ký ức là nơi các cựu chiến binh kể về những năm tháng chiến tranh mà họ đã trải qua, CLB Tư vấn sức khỏe sinh sản và phòng chống bạo lực gia đình, CLB Phòng chống đuối nước... Từ những CLB này đã hình thành nên những giá trị mới về văn hóa nông thôn, giúp mỗi người tự trang bị kiến thức, kỹ năng và sinh hoạt trong môi trường văn hóa lành mạnh, rèn luyện sự tự tin đứng lên đấu tranh, lên án những cái xấu, cái ác, những tệ nạn xã hội... điều mà trước đây họ chưa từng làm với tâm lý “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Các CLB văn nghệ, thơ ca, dưỡng sinh, bóng chuyền hơi... thì hình thành ở khắp các thôn, làng. Hệ thống sân bóng đá cũng ra đời ở nhiều thôn quê. Vào các dịp lễ, tết người dân cùng nhau thưởng thức những tiết mục văn hóa, văn nghệ “cây nhà lá vườn” nhưng ai cũng náo nức, tươi vui.

Từ xây dựng nông thôn mới, bộ mặt, môi trường nông thôn thay đổi rõ nét. Nhiều điểm tập kết rác biến thành đường hoa, đường bích họa rất đẹp mắt. Tất cả đã đem đến không khí mới, môi trường sống lành mạnh, trong lành cùng sự gần gũi, gắn kết trong cộng đồng. Các tệ nạn xã hội cũng vì thế mà được hạn chế. Người dân đã nhận thức được giá trị của văn hóa trong đời sống, nắm rõ vai trò vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng thụ hưởng những giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy việc xây dựng, phát huy những giá trị văn hóa trở thành nền tảng cốt lõi, là tiền đề cho việc huy động sức người, sức của trong chương trình ý nghĩa này.

- Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, hẳn rằng sự đóng góp của nhân dân cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa các vùng ngoại thành, thưa ông?

- 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, hệ thống các thiết chế văn hóa nông thôn tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nông dân; cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp được tạo lập; các hủ tục được xóa bỏ, thuần phong mỹ tục được giữ gìn, nếp sống văn minh được củng cố; các di sản văn hóa được bảo tồn...

Người dân xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) chỉnh trang cảnh quan môi trường thôn quê.Ảnh: Bá Hoạt

Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của thành phố, của các tổ chức, đơn vị kết quả đó có được còn nhờ sự vào cuộc của chính người dân. 10 năm qua, đã có trên 1.000 hộ gia đình hỗ trợ bằng tiền và các hình thức quy ra tiền từ 100 triệu đồng trở lên để xây dựng hạ tầng thiết chế văn hóa nông thôn. Chúng ta biết đến gia đình bà Đinh Thị Bằng (ở thôn Trần Phú, xã Minh Cường, huyện Thường Tín) ủng hộ 23 tỷ đồng để xây dựng các công trình văn hóa, trụ sở UBND xã và các công trình phúc lợi khác của địa phương; hay ông Hoàng Văn Hùng (ở quận Hai Bà Trưng) đóng góp trên 10 tỷ đồng xây dựng các công trình của xã Mai Lâm, huyện Đông Anh; ông Phạm Thế Vinh (ở 362 phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng) hỗ trợ 6 tỷ đồng xây dựng một số công trình văn hóa quê nhà ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì... Có những hộ gia đình đóng góp tới cả 1.000m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương như gia đình ông Phùng Mạnh Thực ở xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai; bà Đinh Thị Tình và ông Nguyễn Văn Thơm ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất... Việc làm của họ có ý nghĩa rất lớn, góp phần lôi cuốn, cổ vũ đông đảo nhân dân chung sức, chung lòng xây dựng các miền quê ngày một trù phú, giàu đẹp.

- Bên cạnh những kết quả rõ ràng trong 10 năm qua, chúng ta cũng phải thừa nhận ở nhiều thôn, làng còn tình trạng thiếu thiết chế văn hóa, thể thao; tỷ lệ hộ gia đình văn hóa cao nhưng một số nơi còn thiếu tính thực chất, hay một bộ phận giới trẻ còn thờ ơ với các giá trị văn hóa truyền thống. Ông đánh giá ra sao về thực tế này?

- Thực tế hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở một số địa phương còn thiếu; chất lượng bình xét danh hiệu gia đình văn hóa còn hạn chế hay tình trạng một bộ phận thanh niên thiếu mặn mà với văn hóa truyền thống là có thực. Hiện vẫn còn 199 thôn chưa có nhà văn hóa phải sinh hoạt ghép với thôn khác hoặc tại các điểm di tích lịch sử. Ngay các thôn có nhà văn hóa thì nhiều nơi chủ yếu phục vụ cho hoạt động hội họp của địa phương dẫn đến hoạt động của nhà văn hóa chưa hiệu quả, gây lãng phí.

Nhiều địa phương do khó khăn về kinh phí nên chưa đầu tư cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa và tổ chức các hoạt động tại nhà văn hóa. Trình độ, năng lực của những người làm công tác phong trào ở cơ sở còn hạn chế nên các nội dung hoạt động của nhà văn hóa còn đơn điệu, nghèo nàn. Toàn thành phố có 86% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tuy nhiên chất lượng bình xét danh hiệu chưa cao, nhiều địa phương còn chạy theo hình thức, số lượng chỉ tiêu.

Quá trình đô thị hóa nông thôn đang tạo nên nhiều thách thức về văn hóa, lối sống. Lớn nhất là vấn đề thiếu việc làm, sự lung lay của nền tảng đạo đức gia đình, sự xuống cấp về ứng xử trong gia đình, cộng đồng, sự gia tăng những tệ nạn xã hội... Ở nông thôn, có nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng nhờ có tiền đền bù đất đai, nhờ  quy hoạch song lại thiếu việc làm nên nảy sinh nghiện hút, cờ bạc, lô đề, tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình... trong đó có một bộ phận giới trẻ. Ở một số địa bàn kinh tế đi lên nhưng văn hóa không phát triển tương xứng khiến một bộ phận giới trẻ còn thờ ơ với các giá trị văn hóa truyền thống, có lối sống thực dụng, hưởng thụ. Rõ ràng đây là những vấn đề hết sức đáng lo ngại và cần phải tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp khắc phục.

- Công cuộc xây dựng nông thôn mới đang bước sang giai đoạn mới, đi vào chiều sâu với những tiêu chí cao hơn. Theo ông thời gian tới chúng ta cần làm gì để người dân tiếp tục được thụ hưởng các giá trị tốt đẹp của môi trường văn hóa  lành mạnh?

- Theo chỉ tiêu của Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” thì đến hết năm 2020, 100% thôn, làng có nhà văn hóa. Như vậy, tới đây chúng ta cần tập trung đầu tư trang thiết bị bên trong các nhà văn hóa, hướng dẫn các hoạt động, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà văn hóa thôn.

Bên cạnh đó, cũng còn rất nhiều việc khác phải làm bởi đầu tư cho văn hóa và con người thực sự là việc làm đòi hỏi phải bài bản, lâu dài, và tương xứng. Song đáng chú ý là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tạo ra một xu thế văn hóa tích cực bằng các mô hình hay, cách làm tốt trong xây dựng đời sống văn hóa. Từ việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố thời gian qua, chúng ta đã tìm ra và tuyên dương những tấm gương tiêu biểu, có sáng kiến hay, những mô hình có ý nghĩa, tác động tốt tới xã hội nhằm nhân rộng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng. Chúng ta đấu tranh với cái xấu, cái ác, song không thể vì một hiện tượng, một vài vụ việc tiêu cực mà thổi phồng rồi che lấp những giá trị hết sức tốt đẹp đã được hun đúc, bồi đắp từ nhiều thế hệ và đang được phát huy, nhân rộng trong thời đại hôm nay.

- Trân trọng cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân dân - chủ thể xây dựng đời sống văn hóa nông thôn