Mê Linh vững bước xây dựng huyện nông thôn mới

06/09/2019 07:56

(HNM) - Sau gần 10 năm nỗ lực thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân (Chương trình số 02-CTr/TU) đến nay, “bức tranh” nông thôn của huyện Mê Linh đã đổi thay toàn diện. Hiện tại, Mê Linh đang vững bước trên lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh về vấn đề này.

Nông dân Mê Linh có thu nhập cao nhờ nghề trồng hoa. Ảnh: Mạnh Dũng

- Ông có thể đánh giá về những thành quả mà Mê Linh đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới?

- Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, bộ mặt nông thôn của Mê Linh đã có nhiều thay đổi đáng tự hào. Năm 2010, khi bước vào xây dựng nông thôn mới, huyện chỉ có 1/19 tiêu chí đạt chuẩn, các tiêu chí còn lại đều rất thấp: Chỉ có 9/74 thôn có nhà văn hóa, chiếm 12,2%; 21/73 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm hơn 28%; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm... Đến nay, toàn huyện đã có 67/74 thôn có nhà văn hóa, chiếm 90,5%; 50/73 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 68,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm. Huyện Mê Linh đã có 14/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã còn lại đang phấn đấu hoàn thành trong năm 2019 và huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

- Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân là mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, Mê Linh đã thực hiện nội dung này như thế nào, thưa ông?

- Thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, Mê Linh đã quyết liệt thực hiện dồn điền, đổi thửa. Đến hết năm 2013, huyện đã dồn đổi được 3.280ha đất nông nghiệp, đạt 100% kế hoạch. Ngay sau đó, huyện đã chỉ đạo đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất theo hướng tập trung, quy mô hàng hóa. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh như: Vùng hoa quy mô từ 20 đến 50ha ở các xã: Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh, Kim Hoa; vùng rau quy mô từ 20 đến 200ha ở các xã: Tráng Việt, Tiến Thắng, Tiền Phong, Văn Khê... Người dân tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đưa giống mới vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng và giá trị cao.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, Mê Linh còn tích cực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Do vậy, hầu hết lao động nông thôn trên địa bàn đều có việc làm và thu nhập ổn định, tỷ lệ hộ nghèo đến nay chỉ còn 1,4%, giảm 7,24% so với năm 2010.

- Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, bài học kinh nghiệm của huyện là gì, thưa ông?

- Thành công của Mê Linh trước hết nhờ sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ từ thành phố, tiếp đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành cũng như sự ủng hộ của toàn thể nhân dân.

Kinh nghiệm rút ra sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới là: Phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, tự giác chung tay, góp sức thực hiện. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện tới cơ sở. Mê Linh cũng đã tranh thủ được sự giúp đỡ của thành phố và các quận, huyện khác, đặc biệt là các quận hỗ trợ huyện trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, từ năm 2010 đến nay, nhân dân trong huyện đã hiến 1.022m2 đất để mở đường, góp 9.635 ngày công lao động và hơn 342,6 tỷ đồng phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới...

- Những kết quả trên là nền tảng cho Mê Linh vững bước cùng lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới, theo ông, Mê Linh còn khó khăn nào cần vượt qua?

- Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song chúng tôi nhận thấy, xây dựng nông thôn mới của Mê Linh còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục như: Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn yếu kém; sản xuất nông nghiệp chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương; việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã có nhưng chưa nhiều; nguồn lực xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là nguồn vốn đầu tư cho các tiêu chí hạ tầng…

Với mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2020, Mê Linh sẽ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị nông sản; ưu tiên phát triển cây trồng thế mạnh như rau an toàn, hoa chất lượng cao, cây ăn quả… Cùng với sự cố gắng của huyện, Mê Linh rất mong được thành phố quan tâm, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kinh phí cho huyện sớm hoàn thiện hệ thống giao thông, hệ thống tiêu thoát nước trong khu dân cư; chỉ đạo các doanh nghiệp sớm triển khai dự án cấp nước sạch cho 12 xã trên địa bàn theo quyết định phê duyệt đầu tư của thành phố. Ngoài ra, Mê Linh cũng mong muốn được các quận tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn mức độ 2 tại các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2020...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mê Linh vững bước xây dựng huyện nông thôn mới