Xã Phù Đổng chú trọng bảo vệ môi trường

Ngọc Quỳnh| 05/09/2019 08:01

(HNM) - Là một trong những địa phương chăn nuôi bò sữa quy mô lớn của thành phố Hà Nội, những năm qua, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) đã quy hoạch và vận động các hộ chăn nuôi đưa chuồng, trại ra ngoài khu dân cư. Cùng với đó, nhờ mô hình nuôi giun quế từ chất thải chăn nuôi, xã Phù Đổng vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường luôn sạch, đẹp...

Mô hình nuôi giun quế từ chất thải chăn nuôi bò sữa ở xã Phù Đổng (Gia Lâm) đang góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quỳnh Dung

Xã Phù Đổng hôm nay không chỉ là miền quê trù phú với những đồng cỏ xanh mướt, nhiều trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn mà không khí còn trong lành, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, không còn cảnh rác và chất thải tồn đọng như trước.

Ông Nguyễn Mạnh Hà ở thôn Phù Dực 2 (xã Phù Đổng) cho hay, chăn nuôi bò sữa tuy vất vả nhưng cho thu nhập cao. Gia đình ông nuôi bò sữa được gần 20 năm, hiện đàn bò của gia đình có 17 con, mỗi ngày bán được 2 tạ sữa với giá 10.000-12.000 đồng/kg. Song cũng vì chăn nuôi bò sữa nên trước đây, môi trường không khí ở xã Phù Đổng bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi phát sinh lớn. Từ 4 năm nay, khi mô hình nuôi giun quế của Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp và Dịch vụ Hiệp Thư triển khai, chất thải chăn nuôi được Hợp tác xã thu gom để nuôi giun quế, nên môi trường trong xã cải thiện hẳn, người chăn nuôi bò thêm nguồn thu nhập từ bán chất thải chăn nuôi. “Ngoài ra xã quy hoạch và vận động bà con đưa chuồng trại ra khỏi khu dân cư, nhờ đó, xã Phù Đổng hiện nay đã sạch, đẹp, người dân trong xã vui mừng vì kinh tế phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường" - ông Hà phấn khởi nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Thị Thúy, với tổng đàn bò sữa 1.560 con, trước đây chính quyền địa phương rất đau đầu với bài toán xử lý chất thải từ chăn nuôi. Ngoài một số hộ dân sử dụng hầm biogas, hầu hết chất thải đổ ra ao, hồ, mương, rãnh, vệ đê... gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, xã tuyên truyền, vận động người dân xây dựng được 1.000 hầm biogas nhằm xử lý chất thải. Đặc biệt, năm 2015, được sự nhất trí của xã và huyện, Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp và dịch vụ Hiệp Thư xây dựng mô hình nuôi giun quế từ chất thải của bò sữa, cung cấp thức ăn cho chăn nuôi gia cầm, thủy sản. Từ đó, toàn bộ chất thải từ chăn nuôi bò sữa được người dân thu gom và bán cho hợp tác xã nên chấm dứt được tình trạng xả thải ra môi trường.

Nói về mô hình nuôi giun quế, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi ở xã Phù Đổng, ông Nguyễn Xuân Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Phát triển nông nghiệp và dịch vụ Hiệp Thư cho biết, hợp tác xã phát dụng cụ, phương tiện thu gom và thu mua chất thải cho các hộ chăn nuôi. Hình thức này đã giảm thiểu phát tán mùi hôi nên môi trường được cải thiện hơn rất nhiều.

Theo ông Đinh Văn Quang, cán bộ môi trường của xã Phù Đổng, cùng với vận động người dân xây dựng hầm biogas, thu gom chất thải từ chăn nuôi bò sữa để bán cho hợp tác xã, hằng ngày, cán bộ môi trường xã còn phối hợp với các trưởng, phó thôn giám sát việc thu gom rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi. Hằng tháng, UBND xã nghiệm thu khối lượng thực hiện. Đến nay, trên các tuyến đường ở xã Phù Đổng không có rác thải, chất thải tồn đọng; đặc biệt, người dân còn trồng hoa để tạo điểm nhấn cho làng quê...

Tuy hiện nay chăn nuôi bò sữa ở Phù Đổng không phát triển rầm rộ như trước, nhưng chính quyền địa phương vẫn xác định nghề này là nguồn thu nhập chính của người dân. Bởi vậy, xã luôn tăng cường vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng song song với phát triển kinh tế; để mỗi khi tới đây, du khách luôn được thưởng thức ly sữa thơm ngọt trong không gian sạch sẽ, tươi mát của miền quê trù phú...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xã Phù Đổng chú trọng bảo vệ môi trường