Ô nhiễm môi trường cản trở Quảng Phú Cầu "về đích" nông thôn mới

Minh Huệ| 25/08/2019 22:03

(HNMO) - Đến nay, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã có 14 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, 4 tiêu chí cơ bản đạt. Tiêu chí duy nhất chưa đạt chuẩn nông thôn mới của Quảng Phú Cầu là tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm. Thực tế tại địa phương cho thấy, ô nhiễm môi trường làng nghề đang là thách thức lớn...

Xã Quảng Phú Cầu có 6 thôn, thì cả 6 thôn đều được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống với nghề chẻ tăm làm hương. Nhờ có nghề truyền thống phát triển nên đời sống kinh tế của nhân dân trong xã rất sung túc. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển của các làng nghề, nhiều năm qua, Quảng Phú Cầu phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng phải “căng mình” trong công tác bảo đảm an ninh trật tự bởi số lượng người lao động từ địa phương khác đến làm thuê cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn lớn (lúc cao điểm lên đến cả nghìn người).

Tràn ngập vỏ chai nhựa tại thôn Xà Cầu.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Lê Văn Dịu cho biết, vài năm trở lại đây, nhiều chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất là người Quảng Phú Cầu đã tỏa đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để mở xưởng sản xuất hương thắp. Theo đó, lượng người từ các địa phương khác đến làm thuê trên địa bàn xã cũng giảm mạnh, sức ép trong việc bảo đảm an ninh trật tự cũng bớt đi.

Cùng với đó, những năm gần đây, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tăm hương trên địa bàn xã đã tích cực triển khai, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xử lý phế thải, như thu gom vật liệu thừa từ tre, nứa để ép thành củi viên xuất khẩu sang Nhật, Trung Quốc. Nhờ đó, lượng rác thải phát sinh từ sản xuất tăm hương giảm đáng kể.

Phế liệu, rác thải chất thành đống khắp đường làng, ngõ xóm.

Lý giải vì sao đến nay, tiêu chí về môi trường của xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, ông Lê Văn Dịu cho biết, trong 6 thôn của xã được thành phố công nhận làng nghề truyền thống, thì thôn Xà Cầu được công nhận với nghề sản xuất hương đen. Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhiều hộ đưa máy móc vào sản xuất nên lượng lao động làm nghề trong thôn dôi dư nhiều nên nhiều người dân trong thôn đã chuyển sang nghề khác, trong đó có nghề thu gom và sơ chế phế liệu, rác thải.

Khoảng 5 năm trước, chỉ có vài ba hộ trong thôn làm nghề này, dần dần, thấy nghề cho thu nhập khá, số hộ tham gia ngày càng đông. Cao điểm là các năm 2017, 2018, có hơn 150 hộ trong thôn Xà Cầu làm nghề này, phát sinh lượng rác thải lớn khiến môi trường trong thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Phế liệu lấn chiếm cả hành lang an toàn giao thông trên quốc lộ 21B.

Đủ các loại phế liệu, rác thải, nhất là vỏ chai nhựa được người dân Xà Cầu thu gom từ khắp các nơi về chất thành đống, để khắp đường làng, ngõ xóm, tràn ra cả hành lang an toàn giao thông trên quốc lộ 21B. Hằng ngày, lượng rác thải phát sinh trong quá trình sơ chế phế liệu ở Xà Cầu rất lớn. Để xử lý lượng rác thải này, người dân đem đổ ra các bãi đất trống quanh làng rồi đốt, khiến không khí trong làng ngột ngạt. Đốt cũng không xuể, trong khi rác lại không được vận chuyển về nơi tập kết, xử lý tập trung nên tích tụ thành những đống rác, gây ô nhiễm môi trường.

Rác thải phát sinh sau khi sơ chế phế liệu, gây ô nhiễm môi trường tại Xà Cầu.

Theo thống kê, mỗi năm lượng rác thải phát sinh từ nghề sơ chế phế liệu, rác thải ở thôn Xà Cầu là khoảng 70 tấn. Thời gian đầu, chính quyền xã trích ngân sách thuê vận chuyển rác về bãi tập kết của thành phố để xử lý (giá 3.000 đồng/kg). Về sau, do ngân sách xã có hạn, nên cả thôn đành chấp nhận sống chung với rác, với ô nhiễm môi trường. Mặc dù lực lượng Cảnh sát môi trường đã xử phạt hành chính hơn 50 trường hợp về hành vi xả rác, đốt rác, nhưng tình hình chưa được cải thiện.

Việc chở phế liệu thu gom về nơi sơ chế còn gây mất an toàn giao thông qua khu vực này.

Trước thực trạng đó, ngoài sự cố gắng của địa phương, UBND xã Quảng Phú Cầu kiến nghị các cấp, các ngành thành phố hỗ trợ địa phương giải pháp xử lý rác thải công nghiệp làng nghề ở thôn Xà Cầu. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện mở rộng 2 cụm công nghiệp Xà Cầu và Cầu Bầu trên địa bàn xã để phát triển sản xuất làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm môi trường cản trở Quảng Phú Cầu "về đích" nông thôn mới