Để làng nghề “Đệ nhất may comple ở miền Bắc” phát triển bền vững

Hưng Thịnh| 23/08/2019 06:49

(NSHN) - Cách đây khoảng một trăm năm về trước, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên đã nổi tiếng gần xa với nghề may comple, veston. Hiện nay, nhờ có nghề may, người dân xã Vân Từ thêm gắn bó với quê hương, “ly nông không ly hương”.

Cả xã làm nghề

Vào khoảng thập niên 20 của thế kỷ trước, nhiều thanh niên ở Vân Từ đã tìm lên Hà Nội để học nghề may. Thế hệ những người thợ đầu tiên của làng là các cụ: Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Lai, Đào Thanh Dự… Nhờ sự chăm chỉ, khéo léo, họ đã cho ra những bộ comple, veston nức tiếng chốn kinh kỳ.

Tuy nhiên, giai đoạn đó, nghề may comple, veston chưa phát triển ở Vân Từ, bởi những người thợ khéo tay của làng đi đây đó để làm nghề. Nhiều người trong số họ đã trụ lại, mở tiệm may ở các phố: Khâm Thiên, Bạch Mai, Lương Văn Can, Hàng Gai, Hàng Ngang… Những hiệu may Toàn Thuận Anh, Toàn Thuận Em, Thuận Thịnh… trên phố cổ của Hà Nội khi ấy đều do người làng Từ Thuận (Vân Từ) làm chủ.

Hiện nay, cả 10 thôn trong xã Vân Từ đều làm nghề may comple, veston.

Sau một thời gian dài chìm lắng, năm 1992, được chính quyền địa phương quan tâm, lớp thợ có “bàn tay vàng” trong xã đã hợp sức mở hai lớp dạy may comple, veston cho thế hệ trẻ với gần 70 học viên tham gia. Từ hai lớp học này, nhiều thợ trẻ tài hoa của Vân Từ đã bắt tay vào lập nghiệp, quyết tâm khôi phục nghề. Những hiệu may: Thuận Hà, Duy Hùng, Thuận Đạt, Thuận Toàn… xuất hiện đầu tiên tại xã Vân Từ đã mở đường và đánh dấu sự hưng thịnh của nghề may comple, veston ở đây. Thương hiệu comple, veston Vân Từ ngày một lớn mạnh, được người tiêu dùng khắp cả nước biết và tìm đến.

Với bàn tay khéo léo của mình, người thợ Vân Từ làm ra những bộ comple, veston được khắp nơi trong cả nước biết đến.

Hiện nay, xã Vân Từ có 10 thôn thì cả 10 thôn đều làm nghề may comple, veston, trong đó có hai thôn chủ lực là Chung và Từ Thuận. Phó Chủ tịch UBND xã Vân Từ Dương Hồng Việt cho biết, trên địa bàn xã có hơn 1.500 hộ, trong đó có tới 70-80% số hộ làm nghề may comple, veston. Đây chính là nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân Vân Từ. Đáng nói, nghề may comple, veston vừa là công việc dành cho lao động chính, vừa tạo việc làm thêm cho lao động phụ, từ người đang trong độ tuổi lao động đến người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất. Bình quân thu nhập mỗi tháng của người làm nghề này ở Vân Từ đạt 5-7 triệu đồng/người.

Nghề may comple, veston vừa là công việc dành cho lao động chính, vừa tạo việc làm thêm cho lao động phụ ở Vân Từ.

Ông Dương Hồng Việt cho biết thêm, nếu như những năm trước, người Vân Từ làm hàng đại trà hoặc nhận may gia công cho nhiều cửa hàng lớn ở Hà Nội, Hà Nam, Nam Định hoặc sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thì đến nay, nơi đây đã có một lớp chủ mới đứng đầu những hợp tác xã may, doanh nghiệp may, xưởng may gia công, công ty TNHH có tên tuổi. Mỗi doanh nghiệp thu hút hàng chục công nhân làm ra những sản phẩm comple, veston cao cấp. Bên cạnh đó, những người thợ may Vân Từ còn mở cửa hàng, đại lý ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ cao nguyên Lâm Đồng đến phố thị Sài Gòn, phố cổ Hà Nội, Cần Thơ, Nam Định, Hải Dương…, ở đâu cũng có các cửa hiệu lớn làm và bán comple, veston mang thương hiệu Vân Từ. Không chỉ có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, sản phẩm may của Vân Từ còn xuất sang nhiều nước ở châu Á, châu Âu.

Cần sớm xây dựng cụm công nghiệp làng nghề

Nghề may comple, veston ở Vân Từ đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, làng nghề cũng gặp phải không ít khó khăn như thiếu hệ thống hạ tầng về giao thông, thương mại; chưa xây dựng được cụm công nghiệp làng nghề; chưa có các chương trình xúc tiến quảng bá thương hiệu…

​ Nghề may comple, veston ở Vân Từ cho thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng. ​

Ông Nguyễn Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Vân Từ cho biết, năm 2018, UBND huyện Phú Xuyên đã đầu tư nâng cấp và mở rộng tuyến đường Phúc Tiến - Vân Từ. Đây là trục đường chính nối từ quốc lộ 1A vào địa bàn xã. Dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành giai đoạn 1, góp phần cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Vân Từ.

Trục đường chính nối từ quốc lộ 1A vào xã Vân Từ đang được nâng cấp mở rộng.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của làng nghề trên địa bàn xã Vân Từ, UBND huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo xã triển khai xây dựng cụm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, việc xây dựng cụm công nghiệp làng nghề liên quan đến thu hồi đất giải phóng mặt bằng, vì thế đòi hỏi các hộ sản xuất trên địa bàn xã phải đăng ký được hơn 60% diện tích quy hoạch thì mới có thể triển khai tiếp các bước theo quy trình. Nhưng do đa số hộ làm nghề may comple, veston ở Vân Từ đều làm tại nhà và giao cho các hộ "vệ tinh" mang hàng về làm gia công, nên đến nay, diện tích các hộ đăng ký chưa đủ. Xã đang tuyên truyền, vận động các hộ làm nghề để tạo sự đồng thuận trong xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Vân Từ.

Đến nay, tiềm năng du lịch làng nghề ở Vân Từ vẫn còn bỏ ngỏ.

Ông Nguyễn Ngọc Dương cho rằng, xây dựng cụm công nghiệp làng nghề là rất cần thiết đối với xã Vân Từ, bởi khi mặt bằng sản xuất được mở rộng, các hộ làm nghề sẽ có điều kiện để đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, hướng đến sản xuất tập trung và chuyên nghiệp hóa, tạo được nhiều công ăn việc làm, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện để địa phương khai thác được tiềm năng về du lịch làng nghề còn đang bỏ ngỏ. 

Vân Từ vốn được mệnh danh là “Đệ nhất may comple ở miền Bắc”. UBND huyện Phú Xuyên dự kiến cuối tháng 10-2019 sẽ tổ chức lễ hội tôn vinh làng nghề may comple, veston ở Vân Từ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để làng nghề “Đệ nhất may comple ở miền Bắc” phát triển bền vững