Thanh Oai: Đổi thay nhờ những mô hình hiệu quả

Đỗ Minh| 16/08/2019 07:47

(HNM) - Vùng đất Thanh Oai đang đổi thay từng ngày nhờ những mô hình chuyển đổi hiệu quả như trồng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Đây là cơ sở quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu năm 2019 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2020, Thanh Oai đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Ảnh minh họa

Vốn là xã vùng bãi, trước kia nông dân xã Kim An (huyện Thanh Oai) chủ yếu trồng rau màu nhưng thu nhập không cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Kim An đã mạnh dạn đưa cam Canh vào trồng tập trung; đồng thời, khai thác lợi thế đất bãi để trồng rau màu theo hướng an toàn. Chủ tịch UBND xã Kim An Đoàn Văn Huỳnh cho biết: Đến nay, Kim An có khoảng 130ha cam Canh, bưởi Diễn, ổi... trong đó chủ lực là cây cam Canh. Ngoài ra, Kim An còn xây dựng vùng trồng rau an toàn 60ha và vùng trồng cây ăn quả đều cho hiệu quả kinh tế từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha, còn vùng rau màu đạt 300-350 triệu đồng/ha…

Là một trong những hộ làm giàu từ cây cam Canh, ông Nguyễn Kim Thụ, ở thôn Tràng Cát, xã Kim An, chia sẻ: Chuyển sang trồng cam Canh, thu nhập của gia đình ổn định hơn. Từ nguồn vốn tích lũy hằng năm, đến nay, tôi đã mở rộng diện tích cam Canh (hơn 300 gốc), mỗi năm thu nhập từ vườn cam khoảng 500 triệu đồng...

Không chỉ phát triển cây ăn quả, rau màu... tận dụng lợi thế địa hình từng xã, huyện Thanh Oai hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, thực hiện chuyển đổi, đến nay, Thanh Oai đã hình thành các vùng sản xuất tập trung đạt hiệu quả tốt. Cụ thể, vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung (hơn 3.000ha) tại các xã: Thanh Văn, Tam Hưng, Bình Minh, Tân Ước… cho thu nhập gấp 1,5 lần trồng lúa thường; các vùng bưởi ở xã Thanh Mai (70ha), rau an toàn ở xã Kim An và thị trấn Kim Bài... thu nhập đều đạt 300-400 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, cùng với phát triển vùng chuyên canh, UBND huyện phối hợp với các sở, ngành chức năng của thành phố xây dựng thành công một số nhãn hiệu sản phẩm cây trồng, qua đó, tăng giá trị cho nông sản và thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ, tiêu biểu như: Gạo Bồ Nâu xã Thanh Văn, gạo thơm Bối Khê xã Tam Hưng, cam đường xã Kim An…

Đối với vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, Thanh Oai tập trung phát triển theo hướng hiện đại, sử dụng giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn sinh học. Đơn cử, thực hiện dự án bò BBB từ năm 2014 đến năm 2019, đã có 5.891 lượt con bò được lai tạo; hay như mô hình nuôi cá trắm, cá chép lai theo công nghệ vi sinh không thay nước ở các xã: Thanh Mai, Tân Ước, Liên Châu… Ngoài ra, có một số mô hình hiệu quả khá như: Nuôi ba ba ở xã Liên Châu, nuôi cá chép theo hướng hữu cơ ở xã Hồng Dương, nuôi cá rô phi đồng nguồn gốc Philippines ở xã Thanh Thùy... Các mô hình này đạt thu nhập trung bình 300 triệu  đồng đến hàng tỷ đồng/ha/mô hình. Nhờ vậy, đến hết năm 2018, thu nhập bình quân ở Thanh Oai đạt 40,5 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2019 đạt 49 triệu đồng/người/năm.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Thanh Oai đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng, tạo hệ thống giao thương thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần... Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết: Năm 2019, huyện phấn đấu 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2020, Thanh Oai đạt huyện nông thôn mới. Để thực hiện thành công, Thanh Oai ưu tiên phát triển sản xuất, duy trì diện tích lúa năng suất, chất lượng cao 5.500ha/năm; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi khoảng 1.430ha (trong đó, cây ăn quả 450ha, chăn nuôi tập trung và trang trại tổng hợp 100ha, nuôi trồng thủy sản và lúa cá 700ha, rau an toàn 180ha)...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh Oai: Đổi thay nhờ những mô hình hiệu quả