Tinh xảo điêu khắc Hiền Giang

Bài, ảnh: Thanh Bắc| 11/08/2019 08:18

(HNM) - Xã Hiền Giang (huyện Thường Tín) vốn nổi tiếng với nghề điêu khắc gỗ, đá từ lâu đời. Sự cần cù và tài hoa của người làng nghề đã làm ra những tác phẩm tinh xảo, được ưa chuộng cả ở trong và ngoài nước.

Nghề điêu khắc ở Hiền Giang (huyện Thường Tín) đem lại thu nhập cao cho người dân.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc - một trong những người tiêu biểu của làng nghề điêu khắc Nhân Hiền (xã Hiền Giang) tự hào chia sẻ: Điêu khắc là nghề “cha truyền, con nối” ở Hiền Giang và phát triển từ thế kỷ XVII tới nay với nhiều sản phẩm có giá trị mỹ thuật độc đáu.o. Chẳng hạn, tượng Phật gỗ do nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc chế tác đã được trưng bày ở nhiều công trình tâm linh trong và ngoài nước. "Cùng với những nét tinh xảo trong điêu khắc, các tác phẩm cần sự sinh động, có hồn... Đây là những tiêu chí quan trọng phải đạt được của một tác phẩm đối với những người làm điêu khắc ở Hiền Giang", ông Trúc nói.

Hiện, thôn Nhân Hiền có gần 700 hộ dân (chiếm khoảng 50% tổng số hộ dân toàn xã Hiền Giang), trong đó tới 80% số hộ tham gia những công đoạn của nghề điêu khắc đá và gỗ. Từ nhiều đời nay, ở thôn Nhân Hiền, nghề điêu khắc được duy trì, phát triển không chỉ là sinh kế cho người dân mà còn lưu giữ được những nét tinh hoa làng nghề. Ngày nay, người làng nghề đã đi khắp nơi tham gia xây dựng các công trình đình, chùa với nhiều loại hình sản phẩm như tượng, đồ thờ, câu đối, hoành phi… Đặc biệt, mộc điêu khắc Hiền Giang là mộc cung đình, làm đình, chùa nên người thợ chú trọng chi tiết tinh xảo chứ không tạc tượng đơn thuần như các làng nghề khác. Người làng nghề vẫn tự hào bởi xưa kia rất nhiều nghệ nhân được cử vào kinh thành Huế phục vụ việc xây dựng cung đình, lăng tẩm…

Để đáp ứng nhu cầu, ngoài điêu khắc gỗ, người dân xã Hiền Giang còn điêu khắc trên đá và nhiều chất liệu khác. Phong phú về chất liệu cùng sự tài hoa của người làm nghề, tuy trải qua nhiều thăng trầm nhưng điêu khắc Hiền Giang vẫn trụ vững và phát triển. Hiện, xã Hiền Giang có nhiều xưởng sản xuất lớn, doanh thu của làng nghề hằng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng… Một trong những nghệ nhân điêu khắc đá đầu tiên tại địa phương và có sản phẩm xuất khẩu sang các nước: Hàn Quốc, Đan Mạch, Mỹ… là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Minh Phú. Ông Phú cho hay, với điêu khắc đá, ngoài khéo léo, tỉ mỉ, kiên trì, cần sáng tạo, mang dấu ấn riêng chứ không thể “đại trà”.

Dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng theo ông Ứng Văn Tạc, ở thôn Nhân Hiền, nghề điêu khắc chủ yếu vẫn  sản xuất trong khu dân cư, gây ô nhiễm bởi bụi bột đá, mùn cưa, mùi sơn, tiếng ồn... Mặt khác, việc tập kết nguyên vật liệu (đá, gỗ) khá cồng kềnh nên ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Về vấn đề này, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Giang Trần Văn Tạo cho biết, trước mắt, xã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để các hộ làm nghề tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài hỗ trợ mặt bằng, chính quyền địa phương khuyến khích người làm nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển. Về lâu dài, việc di dời các hộ làm nghề ra xa khu dân cư là rất cần thiết. Bởi vậy, chính quyền xã, người làng nghề mong muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn để nghề điêu khắc ở Hiền Giang có điều kiện phát triển hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tinh xảo điêu khắc Hiền Giang