Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các huyện khó khăn: Đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ

Nguyễn Mai| 02/08/2019 08:13

(HNM) - Trong khi nhiều huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội có tỷ lệ 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì với Mỹ Đức, Ba Vì, Ứng Hòa vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, một hệ thống giải pháp mang tính đồng bộ nhằm tạo động lực, thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương này là đòi hỏi từ thực tế.

Cơ sở vật chất khang trang của Trường THPT Mỹ Đức B (huyện Mỹ Đức).

Nhiều tiêu chí chưa đạt chuẩn: Vì sao? 

Xã Vạn Kim (huyện Mỹ Đức) đặt mục tiêu, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Thế nhưng, tới thời điểm hiện tại, khó có thể nói "sẽ hoàn thành nhiệm vụ". Theo Chủ tịch UBND xã Vạn Kim Nguyễn Văn Dũng, vẫn còn 4/19 tiêu chí chưa đạt là: Trường học, giao thông, chợ và thu nhập. Thực tế cho thấy, đến hết năm 2018, bình quân thu nhập ở Vạn Kim mới đạt 27 triệu đồng/ người/năm, thấp hơn nhiều so với bình quân chung khu vực nông thôn Hà Nội (46,5 triệu đồng/ người/năm)... Vì vậy, với Vạn Kim, xây dựng nông thôn mới vẫn là câu chuyện dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực.

Hiện nay, huyện Mỹ Đức còn 10/21 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng cho biết: Khó khăn nhất là tiêu chí thu nhập. Dù rất nỗ lực, nhưng đến nay thu nhập bình quân trên địa bàn huyện mới đạt 38 triệu đồng/người/năm. Một số tiêu chí khác như trường học, cơ sở vật chất văn hóa..., có tỷ lệ đạt chuẩn theo quy định cũng rất thấp. 

Tương tự, tại huyện Ứng Hòa, thu nhập bình quân trên địa bàn năm 2018 mới đạt 37,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung mới đạt 32%; các tiêu chí về hạ tầng nói chung vẫn ở mức thấp... Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết: Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong khi sản xuất còn manh mún, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế; chưa kể bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ gia đình.

Còn với Ba Vì, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Dần: Do địa bàn rộng, dân cư thưa nên đầu tư hạ tầng cần rất nhiều kinh phí. Trong khi đó, ngân sách của huyện còn hạn chế, việc đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới không thuận lợi, đời sống nông dân còn khó khăn nên huy động vốn xã hội hóa chưa được nhiều...

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, hiện huyện Ba Vì mới có 15/30 xã, Mỹ Đức có 11/21 xã, Ứng Hòa 19/28 xã đạt chuẩn. Ba địa phương này hiện nằm trong nhóm cuối của thành phố về xây dựng nông thôn mới. Mặc dù mỗi huyện có khó khăn riêng, nhưng nhìn chung, xuất phát điểm của các địa phương khi bắt tay xây dựng nông thôn mới thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, thu ngân sách hạn chế... Đây cũng có thể xem nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu đề ra.

Cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ

Để thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, các huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Ứng Hòa đều có những giải pháp riêng. Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh cho biết, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Trong đó, Ba Vì sẽ tập trung phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sữa bò; nghiên cứu quy hoạch vùng trồng cây đặc sản; phát triển thương hiệu gà đồi, chè Ba Vì... Huyện Ba Vì cũng nỗ lực để tăng nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và các nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cho 4 xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.

Với huyện Mỹ Đức, huyện sẽ tập trung cân đối nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các xã phấn đấu hoàn thành nông thôn mới. Cùng với đó tập trung vào các tiêu chí không cần nhiều kinh phí như chỉnh trang hạ tầng nông thôn, trồng hoa, cây xanh, vệ sinh môi trường... “Các cơ quan chuyên môn của huyện theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ để giúp cơ sở giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới” - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết. 

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế là điều kiện công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, nguồn thu ngân sách của các huyện hạn chế dẫn đến khó bố trí đủ nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới. Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh đề nghị, thành phố có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho các huyện khó khăn, đặc biệt là hỗ trợ về vốn để địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí hạ tầng. “Đầu tư 1 trường học cần khoảng 20 tỷ đồng, 1 nhà văn hóa quy mô xã khoảng 10 tỷ đồng, quy mô thôn khoảng 2-3 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn đối với các huyện khó khăn nên rất cần thành phố có cơ chế đặc thù để hỗ trợ” - ông Thanh nhấn mạnh. 

Bên cạnh nguồn vốn, các huyện Mỹ Đức, Ba Vì, Ứng Hòa cũng mong thành phố tiếp tục thúc đẩy công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề… để giúp lao động nông thôn có việc làm và thu nhập cao hơn. Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Hoàng Thị Huyền cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu để thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn khó khăn; đồng thời đẩy mạnh chương trình nội thành hỗ trợ ngoại thành trong xây dựng nông thôn mới, tiếp thêm nguồn lực giúp các xã, huyện khó khăn về đích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các huyện khó khăn: Đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ