Chăn nuôi bò thịt ở Ba Vì: Hướng làm giàu cho nông dân

Ngọc Quỳnh| 28/07/2019 08:26

(HNM) - Dựa vào điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò, những năm qua, huyện Ba Vì đã đẩy mạnh việc chăn nuôi bò thịt ở các xã, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Chăn nuôi bò thịt đang phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện Ba Vì.

Hiệu quả rõ rệt

Hiện nay, chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện Ba Vì đang phát triển mạnh cả về quy mô tổng đàn, nhiều hộ vươn lên làm giàu từ nghề chăn nuôi bò thịt. Bà Nguyễn Thị Liễu ở xã Minh Châu cho biết: “Gia đình tôi đã nuôi bò hơn 20 năm nay. Với quy mô 4 con bò, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ chăn nuôi 40-50 triệu đồng”. Chung niềm vui này, theo ông Nguyễn Văn Vang ở xã Tòng Bạt, gia đình ông đang nuôi 40 con, trong đó có 20 bò sinh sản. Với việc lai tạo đàn bò thịt với giống mới có chất lượng cao BBB, đàn bò thịt của gia đình ông có giá trị kinh tế khá cao. Theo tính toán của ông Vang, với giá bán như hiện nay, sau khi trừ các chi phí thức ăn, nhân công… gia đình ông thu lãi gần 40 triệu đồng/tháng…

Nói về hiệu quả của chăn nuôi bò thịt tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng cho biết, do xác định lợi thế về đất đai, khí hậu nên những năm qua xã đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp là chính, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. Đến nay, tổng đàn bò của xã là 3.986 con. Đối với việc triển khai phát triển đàn bò thịt chất lượng cao Wagyu tại xã Minh Châu, đến nay toàn xã đã phối giống được khoảng 1.000 con, trong đó có hơn 700 con bê lai F1 Wagyu sinh ra. Từ việc hỗ trợ trên đã giúp đàn bò ở xã Minh Châu phát triển và tạo thành vùng sản xuất bò chất lượng cao, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi (một con bò khi bán thu về từ 10 đến 12 triệu đồng). Hằng năm, xã Minh Châu cung cấp cho các địa phương trong và ngoài huyện Ba Vì khoảng 1.000 con bò giống và bò thịt. Doanh thu từ chăn nuôi bò thịt trong 6 tháng đầu năm 2019 của toàn xã ước đạt 30 tỷ đồng.

Đánh giá về hiệu quả chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Ngô Vi Khả cho biết: Hiện nay, huyện đã quy hoạch và hình thành được 10/31 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm với tổng đàn bò thịt đạt hơn 20 nghìn con, quy mô bình quân 5 con/hộ. Toàn huyện có 150 trang trại chăn nuôi bò với quy mô từ 20 con trở lên; trong đó có nhiều trang trại có từ 80 đến 100 con. Điểm nổi bật trong phát triển chăn nuôi bò thịt tại huyện là công tác cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò. Hiện cơ bản đàn bò trên địa bàn huyện được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hằng năm, có hơn 15.000 bê lai các giống bò năng suất, chất lượng cao như BBB, Agus, Zebu, Batmam, Wagyu… được sinh ra từ chương trình thụ tinh nhân tạo. Bê sinh trưởng nhanh, giá bán cao hơn so với bê thông thường cùng độ tuổi từ 5 đến 7 triệu đồng/con. Nhờ chăn nuôi bò hiệu quả, những năm qua huyện Ba Vì đã trở thành điểm tham quan, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi bò thịt của nhiều địa phương ở trong và ngoài thành phố Hà Nội.

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng chăn nuôi bò ở Ba Vì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, mô hình chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện còn mang tính nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình nên năng suất, chất lượng vật nuôi chưa cao. Các mô hình trang trại nuôi bò thịt tập trung đã từng bước được hình thành nhưng chưa nhiều. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện vẫn chưa hình thành được các khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi vào sản xuất còn hạn chế và chưa hình thành được nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông dân.

Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần, thời gian tới, huyện cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi lợn, nhất là trong khu dân cư để chuyển sang chăn nuôi gia súc ăn cỏ, chăn nuôi gia cầm và các con đặc sản có giá trị cao như đà điểu, thỏ… để nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, huyện sẽ đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chăn nuôi bò thịt; triển khai, xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, huyện tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nói chung và chăn nuôi bò thịt nói riêng.

Để Ba Vì trở thành huyện trọng điểm của thành phố trong phát triển chăn nuôi bò thịt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, huyện cần khuyến khích các xã trên địa bàn tập trung phát triển chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi nhằm chuyển đổi từ chăn nuôi kinh nghiệm sang có kỹ thuật; đẩy mạnh chương trình cải tạo đàn bò của địa phương thông qua phương pháp phối giống trực tiếp với bò giống lai có năng suất cao như: BBB, Zebu, Wagyu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăn nuôi bò thịt ở Ba Vì: Hướng làm giàu cho nông dân