Những tấm lòng thơm thảo ở huyện miền núi Ba Vì

Triệu Dương| 25/07/2019 14:24

(HNMCT) - Dẫu còn nhiều khó khăn song thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì luôn quan tâm, nỗ lực thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công trên địa bàn. Đó chính là tấm lòng thơm thảo của thế hệ cán bộ, người dân huyện Ba Vì hôm nay tri ân những lớp người có công với nước...

Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh thăm hỏi, tặng quà bà Bạch Thị Nhận (75 tuổi, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng) ở thôn Mường Cháu, xã Vân Hòa.

Động lực vượt khó

Nhà ông Phạm Thanh Tựa nằm kề bên tỉnh lộ 84. Nhìn cơ ngơi khang trang dễ đến hai chục mét mặt tiền, mới hiểu vì sao lãnh đạo xã Vân Hòa lại “điểm danh” ông khi chúng tôi hỏi về tấm gương thương, bệnh binh vượt khó.

Từng nhiều năm lăn lộn khắp các chiến trường chống Mỹ, tiếp đó là chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, rồi được quân đội cử đi học tại Liên Xô (cũ) trước khi về làm sĩ quan giảng dạy về nhảy dù tại sân bay Tông nằm trên địa bàn huyện miền núi Ba Vì, quãng năm 1987 - 1988 bệnh binh Phạm Thanh Tựa rời quân ngũ với tỷ lệ “mất sức” 65%. Trở về “quê hương thứ hai” - thôn Hòa Trung, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì (ông Tựa vốn quê Ngọc Lặc xứ Thanh, “bén duyên” với đất Vân Hòa từ năm 1984, sau khi kết hôn với một nữ công nhân của Nông trường Ba Vì), ông Tựa luôn trăn trở với câu hỏi: Phải làm gì để xứng đáng với lời Bác Hồ dạy “thương binh tàn nhưng không phế”?

Thế rồi, với bản lĩnh và ý chí của “Bộ đội Cụ Hồ”, mô hình chăn nuôi hộ gia đình của ông Tựa phát triển dần theo năm tháng, không những mang lại nguồn thu ổn định mà còn khiến ông trở thành một điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Kinh tế gia đình phát triển, con cái ăn học thành đạt. Nối nghiệp bố, con trai lớn của ông Tựa hiện là sĩ quan quân đội đóng quân ở Lạng Sơn, mới đây đã thu xếp đưa vợ con lên lập nghiệp hẳn trên đó. Còn cô út nay đã là một bác sĩ, công tác tại Bệnh viện huyện Ba Vì. Chỉ mấy chú bò đang thủng thẳng nhai cỏ trong chuồng và dăm chục con gà nháo nhác chạy trốn bước chân khách, ông Tựa bảo con cái đã phương trưởng, lập gia đình, ở riêng cả nên quy mô chăn nuôi bây giờ cũng giảm nhiều so với trước. Bù lại, ông dành thời gian nhiều hơn cho công tác xã hội. Nghe sơ sơ các đầu việc ông đang kiêm nhiệm, nào là Hội trưởng Hội Người cao tuổi, Phó ban Công tác Mặt trận thôn, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Hội Cựu chiến binh xã, chưa kể trước đó còn giữ chức Phó Bí thư Chi bộ thôn..., đặc biệt là danh hiệu “Người có uy tín trong cộng đồng” mà bà con tín nhiệm, bầu ông suốt nhiều năm qua, mà thấy nể phục tâm huyết cống hiến của người cựu chiến binh - bệnh binh 2/4 này. Để cái thôn miền núi có 270 hộ, 760 nhân khẩu nằm ven tỉnh lộ này được công nhận danh hiệu “Làng Văn hóa”, người dân tuân thủ pháp luật, xóa bỏ hủ tục tảo hôn, không có người nghiện hút, đặc biệt là từ đầu năm ngoái đến nay thôn Hòa Trung có cả thảy 15 đám tang thì 14 đám thực hiện hỏa táng, tổ chức tang văn minh..., hẳn là đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là “Người có uy tín trong cộng đồng” như ông Tựa phải thực sự có uy tín và phải nỗ lực đến thế nào.

Ông Tựa là một trong nhiều tấm gương điển hình thương bệnh binh, người có công của xã Vân Hòa. Theo ông Nguyễn Xuân Long, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa, xã có 3.067 hộ với 12.202 nhân khẩu, trong đó có 45% là người dân tộc Mường. Toàn xã có 168 hộ gia đình chính sách. Trước đây, tỷ lệ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn rất nhiều. Những năm gần đây, cùng với tinh thần nỗ lực của các hộ gia đình, sự quan tâm chăm sóc đặc biệt, hỗ trợ rất lớn của các cấp ngành của Trung ương và thành phố, cụ thể như thăm hỏi, tặng quà dịp lễ tết, tặng bò, giống vốn phục vụ sản xuất, khám chữa bệnh, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, xây nhà tình nghĩa... đã trở thành nguồn động viên to lớn, tạo động lực cho rất nhiều hộ gia đình chính sách không những vươn lên thoát nghèo mà còn làm giàu cho bản thân và gia đình, đóng góp xây dựng quê hương Vân Hòa ngày càng giàu đẹp. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa cho biết; Hôm thứ bảy vừa rồi (ngày 20-7), Ban Dân tộc thành phố Hà Nội phối hợp với Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 200 trường hợp thuộc gia đình chính sách, là người dân tộc thiểu số ở xã Vân Hòa và khu vực lân cận. Trước đó, Trường Sĩ quan Lục quân, Học viện Biên phòng - hai đơn vị quân đội “đứng chân” trên địa bàn huyện Ba Vì - cũng tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách trên địa bàn xã. Chương trình "Thắp nến tri ân" tại Nghĩa trang Liệt sĩ và lễ mít tinh kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ được tổ chức vào tối 25-7 tại trụ sở Ủy ban xã...

“Uống nước nhớ nguồn”

Bệnh binh Phạm Thanh Tựa (thôn Hòa Trung) là một điển hình làm kinh tế giỏi ở xã Vân Hòa.

Ngôi nhà tình nghĩa của bà Nguyễn Thị Ngọt - mẹ liệt sĩ Dương Văn Trường (hy sinh năm 1979 ở biên giới phía Bắc) nằm trên một ngọn đồi xanh mát ở thôn Nghe (xã Vân Hòa) chiều hôm ấy bỗng rộn tiếng nói cười. Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà mẹ Ngọt. Bên ấm chè xanh, câu nói vui “nếu cứ phải quan tâm đến những người như mẹ thì bao nhiêu cho đủ, vì Đảng, Nhà nước còn nhiều việc phải chăm lo lắm” của người mẹ liệt sĩ năm nay đã bước sang tuổi 90 nhưng giọng nói vẫn còn sang sảng làm ai nấy đều rơm rớm cảm động. Cũng trong chiều 23-7, Bí thư Huyện ủy Ba Vì cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà bà Bạch Thị Nhận ở thôn Muồng Cháu, xã Vân Hòa. Bà Nhận là người dân tộc Mường, 75 tuổi, có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Hồng hy sinh ở chiến trường chống Mỹ. Người con trai duy nhất của bà cũng đã mất vì mắc bệnh hiểm nghèo. Trao tận tay người vợ liệt sĩ có hoàn cảnh neo đơn túi quà và cuốn sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng, Bí thư Huyện ủy Dương Cao Thanh nói: “Của ít lòng nhiều, đó là tấm lòng biết ơn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì với những người đã hy sinh xương máu cho dân tộc, cho đất nước”.

Nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong 3 năm qua huyện Ba Vì đã thực hiện xây dựng, sửa chữa 326 nhà cho các đối tượng chính sách, người có công. Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa, nguồn quỹ Đền ơn đáp nghĩa và các nguồn thu khác để hoàn thành hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa 80 căn nhà cho người có công trên địa bàn. Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, huyện Ba Vì đã triển khai việc tặng quà của Chủ tịch nước và của lãnh đạo Thành phố tới 6.708 người có công, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Đặc biệt, nhân dịp này huyện Ba Vì đã tổ chức 13 đoàn công tác (do các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy làm Trưởng đoàn) tới thăm hỏi, tặng quà, sổ tiết kiệm cho 72 hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Như Bí thư Huyện ủy Dương Cao Thanh chia sẻ, so với những hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh và nỗi đau mà thân nhân của họ phải gánh chịu thì món quà ấy vô cùng nhỏ bé, nhưng đó chính là tấm lòng thơm thảo của thế hệ hôm nay tri ân những lớp người có công với nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tấm lòng thơm thảo ở huyện miền núi Ba Vì