Đặc sản rau sắng chùa Hương

Sơn Tùng| 24/07/2019 07:14

(HNM) - Là đặc sản nổi tiếng, được sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị chức năng, rau sắng chùa Hương đang khẳng định thương hiệu và giá trị. Để phát huy, ngoài ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng sản xuất... toàn bộ lượng rau sắng của xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) đã tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc, lập chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, tạo vị thế xứng tầm trên thị trường tiêu dùng...

Anh Trịnh Văn Phòng ở thôn Yến Vỹ (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) đang canh tác 5.000 cây rau sắng 3 năm tuổi chia sẻ: “Rau sắng là loại cây sống dưới tán lá rừng, không thích nghi với các loại thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật… nên chất lượng bảo đảm và tuyệt đối an toàn. Vụ rau sắng năm nay, gia đình tôi thu hoạch được 2 tạ rau sắng, giá bán từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/kg. So với cây trồng khác, rau sắng cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều".

Rau sắng chùa Hương là đặc sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Tương tự, hộ anh Nguyễn Văn Minh ở xóm 6 thôn Yến Vỹ tuy mới trồng 5ha rau sắng, nhưng vụ này cũng đã cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Hiện toàn bộ sản phẩm rau sắng của các hộ dân trong vùng được đóng gói, dán tem nhãn, truy xuất nguồn gốc... 

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Văn Bắc, hiện cả xã có khoảng 70ha rau sắng: Hơn 40ha mọc tự nhiên, rải rác trên vách đá và khoảng 30ha trồng dưới tán rừng. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý diện tích 20ha với phương thức trồng mới dưới tán rừng khu vực thuộc các thôn: Yến Vỹ, Phú Yên.  UBND xã Hương Sơn xây dựng, bảo tồn, phát triển, trồng mới diện tích khoảng 10ha tại 3 thôn thuộc xã, diện tích còn lại do nhân dân trong xã Hương Sơn trồng. Nhờ hiệu quả kinh tế, cây rau sắng tại Hương Sơn đang được tập trung cải tạo, trồng mới, dần hình thành vùng trồng tập trung, tạo việc làm cho khoảng 210 lao động địa phương với thu nhập 3-3,5 triệu đồng/người/tháng…

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hương Sơn Nguyễn Văn Lương cho biết, đã có thời kỳ, nhiều hộ nông dân chưa có kiến thức và biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo tồn, cải tạo... hầu như rau sắng ở tình trạng sinh trưởng, phát triển tự nhiên nên năng suất, sản lượng thu hoạch thấp, giá thành không ổn định, có lúc còn bị trà trộn rau sắng từ nơi khác khiến người tiêu dùng e ngại về nguồn gốc… Đến nay, nhận rõ giá trị của đặc sản, người dân trong vùng đã quan tâm đến cây trồng này trong tất cả các khâu. Cùng với nỗ lực của nông dân, sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền, các cơ quan chức năng... đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể rau sắng chùa Hương.

Với cách làm bài bản, khoa học, hiện rau sắng chùa Hương đủ tiêu chuẩn tham gia hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội tại địa chỉ tên miền hn.check.net.vn; được gắn mã truy xuất nguồn gốc và tem chống giả; có bao gói đúng quy cách khi lưu thông. Cùng với đó, toàn bộ rau sắng trong vùng được lập chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ tại 4 điểm truy xuất nguồn gốc, quản lý thương hiệu tập thể rau sắng chùa Hương. Đến nay, sản phẩm này được quản lý đồng bộ (từ xây dựng quy trình sản xuất, quy định, quy chế đến đăng ký nhãn hiệu, ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR code quản lý sản phẩm...).

Thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng thành công nhiều nhãn hiệu tập thể cho nông sản an toàn của các huyện, thị xã, trong đó có rau sắng chùa Hương. Tuy nhiên, để phát triển, nâng cao giá trị thương hiệu, hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, ngành Nông nghiệp, các đơn vị chức năng cần tiếp tục hỗ trợ Hội Nông dân xã Hương Sơn và các hộ sản xuất rau sắng chùa Hương đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, chăm sóc, bảo quản, sơ chế… Đặc biệt, ngành tiếp tục tạo cầu nối tin cậy cho tổ chức, doanh nghiệp cùng nông dân trong liên kết đầu tư chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ rau sắng chùa Hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặc sản rau sắng chùa Hương