Chia sẻ kinh nghiệm quý, nhân rộng cách làm hay

Bài, ảnh: Nguyễn Mai| 19/07/2019 07:39

(HNM) - Thời gian qua, trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả cao. Chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình hiệu quả là hướng đi để chương trình đạt kết quả toàn diện, bền vững hơn nữa.

Trồng rau mầm tại Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, Thường Tín).

Những mô hình tốt

Xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) nổi tiếng với nghề chăn nuôi bò sữa. Toàn xã có tổng đàn bò khoảng 2.000 con, khối lượng xả thải ra môi trường lớn. Những năm trước, chất thải chăn nuôi là nỗi ám ảnh với người dân xã Phù Đổng. Thế nhưng, hiện nay tình trạng này đã được giải quyết triệt để: Toàn bộ chất thải được thu gom bán cho cơ sở nuôi giun quế. Sau quá trình nuôi giun quế, chất thải lại được cung cấp cho các trang trại để bón cho cây trồng, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín không gây ô nhiễm môi trường.

Mô hình trồng rau xanh của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, ở xã Ninh Sở (huyện Thường Tín), cũng là điển hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Hợp tác xã Bùi Thị Thanh Hà cho biết: Với diện tích 1,2ha, hợp tác xã đã đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ diện tích trồng rau trong nhà lưới, có hệ thống tưới, tiêu tự động và kho lạnh, nhà sơ chế rau… “Chúng tôi đã chọn sản xuất sản phẩm cao cấp, gồm rau mầm, rau baby... cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng rau sạch, nên trung bình mỗi năm đạt thu nhập gần 4 tỷ đồng” - bà Hà cho biết.

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, trong xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều điểm sáng, cách làm hay. Đơn cử huyện Quốc Oai, để đạt chuẩn huyện nông thôn mới phải có 2/3 số trường trung học phổ thông đạt chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, đến hết năm 2017, huyện vẫn chưa có trường nào đạt chuẩn. Để đẩy nhanh tiến độ, huyện Quốc Oai đã báo cáo thành phố cho phép huyện ứng vốn từ nguồn ngân sách huyện để chủ động đầu tư. Đến nay, huyện Quốc Oai đã có 2/3 số trường trung học phổ thông đạt chuẩn và đạt tiêu chí trường học trong xây dựng huyện nông thôn mới (hiện huyện đang hoàn thiện hồ sơ, trình Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 - PV). Hay như thôn Thụy Lôi (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh), người dân đã chủ động tham gia vệ sinh và duy trì sạch đẹp hơn 1.000m kênh Thụy Lôi kết hợp trồng hoa, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) người dân đã hiến hàng nghìn mét vuông đất cùng nhiều ngày công để làm đường giao thông nông thôn... Những cách làm này đã góp phần vào thành tựu chung là Đông Anh đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Thạch Thất đang trong giai đoạn thực hiện các phần việc để hướng tới mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Học tập để cùng nhân rộng   

Mặc dù mỗi địa phương đều đã có những cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới nhưng trước yêu cầu ngày càng cao của chương trình... rất cần các địa phương nỗ lực hơn nữa. Tại huyện Gia Lâm, mặc dù đạt được những kết quả về xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi nhưng để xây dựng huyện sạch, đẹp, đáp ứng các tiêu chí lên quận trong tương lai, còn rất nhiều việc phải làm. “Từ thực tiễn của một số địa phương làm tốt phong trào đường hoa, thời gian tới, huyện sẽ tổ chức cho cán bộ phụ trách các thôn, xã tham quan học tập để từng bước nhân rộng” - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết.

Còn tại Thường Tín, theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh, nhận thấy mô hình trồng rau mầm của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà hiệu quả, huyện đã hỗ trợ mô hình làm đường giao thông; đồng thời, tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia 3 mô hình khảo nghiệm giống, phân bón… Từ các mô hình này, huyện cũng đã giới thiệu để người dân trên địa bàn đến học tập và khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm... Đến nay, huyện Thường Tín đã có hàng chục mô hình cho hiệu quả cao, như: Trồng cây ăn quả, rau an toàn, nuôi trồng thủy sản... với thu nhập từ 500 đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình hiệu quả là hướng đi để xây dựng nông thôn mới đạt kết quả toàn diện, bền vững hơn nữa. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố đang chỉ đạo để hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới ở 61/386 xã còn lại; các huyện, thị xã hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (với thị xã Sơn Tây) theo lộ trình đặt ra. Vì vậy, việc nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt trong xây dựng nông thôn mới là cần thiết.

Tại Hội nghị giao ban quý II năm 2019 của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu: “Những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, mô hình mới ở đâu cũng có. Thành phố khuyến khích các huyện, thị xã học tập huyện Quốc Oai đăng ký với thành phố ứng vốn đầu tư xây dựng, cải tạo các trường trung học phổ thông đạt chuẩn để đẩy nhanh tiến độ nông thôn mới. Nếu làm được, thành phố sẽ hỗ trợ lại kinh phí cho các huyện thực hiện. Hay như đối với thị xã Sơn Tây, cần học tập các huyện Quốc Oai, Thạch Thất trong công tác phát triển mạng lưới nước sạch nhằm hoàn thành sớm chỉ tiêu... Các huyện cần liên hệ học tập kinh nghiệm lẫn nhau để nhân rộng và tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ kinh nghiệm quý, nhân rộng cách làm hay